Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch trừng phạt Bắc Kinh bên ngoài khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới
Hé lộ bí mật hậu trường TPP
- Cập nhật : 10/10/2015
(Thuong mai)
Kết thúc một đàm phán là bắt đầu một “đàm phán” mới. Bức màn bí mật xung quanh các điều khoản chi tiết về những con số và thời hạn cam kết ra sao?
70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam sang các thị trường trong TPP. Gia nhập TPP, thị phần kỳ vọng tăng gấp đôi
Bên trong cánh cửa đóng kín phòng họp, bộ trưởng thương mại từ 12 nước đàm phán tham gia Hiệp định tự do mậu dịch đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất sứ mạng lịch sử.
Hậu đàm phán
Năm năm trời của một chặng đường, đằng sau niềm phấn khởi dâng trào là một góc nhìn tỉnh táo: kết thúc đàm phán là bắt đầu cho một “đàm phán” mới, phức tạp và gay cấn hơn.
Giai đoạn hậu đàm phán kéo dài với các hoàn tất về kỹ thuật. Các chuyên gia pháp lý sẽ làm việc để hoàn thiện bản hiệp định cuối cùng. Sau đó, toàn văn thỏa thuận TPP sẽ được công bố.
Điểm đến của bản hiệp định sẽ đưa về mỗi quốc gia thành viên thông qua với quy trình phê duyệt lập pháp riêng.
Thời điểm công bố toàn văn hiệp định sẽ là cơ hội để thảo luận về những cơ hội và thách thức của TPP với dữ liệu thực chất, thay vì chỉ là phỏng đoán ban đầu.
Việc giải mật hoàn toàn các thỏa thuận sẽ tạo ra những thảo luận sôi nổi về việc liệu thỏa thuận này có đúng như mong đợi. Qua đó tình hình chính trị đối nội của mỗi quốc gia sẽ được hâm nóng với những làn sóng ủng hộ - phản đối đa chiều.
Vì TPP bao trùm nhiều lãnh vực, nhiều vấn đề, mang hàm ý cả chính sách kinh tế, lẫn chiến lược nên mục tiêu của các nhóm phản đối và tán thành cũng sẽ mang yếu tố lồng ghép và được tận dụng để làm chính trị.
Hậu trường các nước
Truyền thông quốc tế nói nhiều về trường hợp của Mỹ khi chính phủ Obama trước thềm bầu cử tổng thống đang phải đối mặt với hai trở lực cùng một lúc.
Những thành viên Đảng Dân Chủ của ông sẽ cảm thấy khó chịu vì những nhượng bộ về quyền lao động.
Còn đối thủ của ông, các đại biểu Đảng Cộng hòa, sẽ tức giận với những thỏa hiệp loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá ra khỏi cơ chế tranh chấp đầu tư hay đồng ý rút ngắn loại bỏ độc quyền các loại sản phẩm y sinh (biologics).
Ở xứ láng giềng Canada và bên kia bờ Thái Bình Dương tại đất nước Malaysia, hai thủ tướng Stephen Harper của Canada và Najib Razak của Malaysia đang đứng trước những thách thức đối nội.
Các cáo buộc tham nhũng làm cho Thủ tướng Malaysia “đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình”, đi cùng các sức ép với các chính sách của ông.
Ở Canada, bầu cử sắp diễn ra với kết quả khó tiên đoán trước. Một trong các đối thủ của ông từ Đảng cánh hữu đã cáo buộc chính sách TPP của chính phủ “hi sinh” các trang trại nông dân và “bán đứng” giới công nhân lắp ráp ôtô.
Ở một chiều kích khác, những nhà đàm phán Nhật Bản và Mỹ có thể xem TPP là một thành tích lịch sử. Hai quốc gia có tên trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa bao giờ đi đến bất kỳ thỏa thuận song phương nào.
Thế nhưng khi tham gia TPP năm 2013, Nhật Bản đã thúc đẩy các đối thoại về mọi lĩnh vực, từ ôtô đến thịt bò, gạo và thịt heo với Mỹ. Kết quả là một thỏa thuận thương mại không chính thức giữa hai bên, kèm theo theo đó là việc gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa hai quốc gia.
Bức màn bí mật xung quanh các điều khoản chi tiết về những con số và thời hạn cam kết không nói cho chúng ta những phản ứng khác nhau giữa các nhóm lợi ích từ bên trong hai nước.
Những gì công luận biết được trên các phương tiện thông tin đại chúng là quan ngại của ngành chế biến phụ tùng xe hơi ở Mỹ hay đe dọa hàng rào thuế quan đối với nhóm mặt hàng thịt lợn, thịt bò xuất khẩu của Mỹ vào đất nước Phù Tang.
Tuy vậy, ý nghĩa chiến lược của TPP trong mắt các nhà hoạch định chính sách của Tokyo và Washington được nhận định như một động lực hàng đầu: liên minh Mỹ - Nhật trước hết là sự hợp tác để xây dựng luật chơi chung.
Các thỏa thuận đạt được tại Atlanta sẽ thiết lập các nguyên tắc mới về chính sách ngoại thương đằng sau những biên giới đang bị điều chỉnh và bóp méo, đặc biệt là sau khủng hoàng kinh tế năm 2008.
Liệu Trung Quốc có bị cuốn vào thị trường hấp dẫn này?
Thiết lập luật chơi qua các thể chế thương mại đa phương như TPP mang ý nghĩa toàn cầu khi hiện tại khối BRICS và đặc biệt Trung Quốc vẫn nằm ngoài.
Liệu họ có bị cuốn vào thị trường hấp dẫn này hay đây là sẽ là thời điểm một khuôn khổ mới đầy cạnh tranh tăng tốc?
Từ năm 2012-2015, ba trụ cột quan trọng của Bắc Kinh trong chính sách kinh tế - thương mai thành hình.
Nó bao gồm thúc đẩy hàng loạt hiệp định tự do thương mại song phương, nhấn mạnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ở bình diện đa phương...
Thực thi trong đối nội và cạnh tranh thương mại bằng một luật chơi ở trình độ chất lượng cao đang là một cuôc “đàm phán” mới.
Trong đó mỗi quốc gia phải thương thuyết với chính mình, với các đối tác và cả với những lời đề nghị hấp dẫn từ bên ngoài.
Họ phải lựa chọn.
TSTRƯƠNG MINH HUY VŨ (Trung tâm Nghiên cứu quốc tế)