Singapore vừa vượt qua Đức để chiếm vị trí số một trong cuộc bầu chọn “thương hiệu quốc gia mạnh nhất” của năm 2015.
Bối cảnh đặc biệt của TPP
- Cập nhật : 12/10/2015
(Thuong mai)
Các nước đạt được thỏa thuận TPP lịch sử trong bối cảnh tăng trưởng thương mại thế giới sụt giảm mạnh. Liệu TPP có thể tạo ra một cú hích?
Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phải mất 5 năm với 19 vòng đàm phán chính thức để các nước có thể đi đến thống nhất. Các nhà đàm phán gặp nhau ở TP Hồ Chí Minh, Kuala Lumpur, Lima, Melbourne, San Diego hay đâu đó ở quanh Thái Bình Dương để đưa ra những thỏa thuận cắt giảm thuế đối với mọi mặt hàng, từ thịt lợn cho đến linh kiện ô tô. Và, kết quả mà chúng ta đạt được hôm nay là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử.
Khi quá trình đàm phán hoàn tất hôm 5/10, TPP được ca ngợi là sẽ đem lại lợi ích chung cho 12 quốc gia thành viên. Thành viên của TPP không chỉ bao gồm các quốc gia phát triển giàu có như Mỹ, Canada, Australia hay Nhật Bản mà còn đem đến lợi ích cho cả các quốc gia kém phát triển hơn như Peru, Indonesia và Philippines.
Sẽ mất thời gian vài năm để có thể cảm nhận đầy đủ những tác động của TPP. Ví dụ, mức thuế mà Nhật Bản đánh vào thịt bò nhập khẩu sẽ giảm từ mức 38,5% xuống chỉ còn 9% nhưng là trong vòng 15 năm sau khi TPP chính thức có hiệu lực. Đưa ra một con số cụ thể đánh giá tác động của TPP đến thương mại toàn cầu còn khó hơn.
Ở thời điểm hiện tại, các nền kinh tế trên toàn thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn trên con đường hướng tới thịnh vượng. Ngày 28/9, WTO vừa hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2015 xuống còn 2,8%, so với mức 3,3% trước đó. Thậm chí WTO còn bổ sung thêm rằng đây là dự báo quá lạc quan.
Dù mức dự báo cho năm 2016 là 3,9%, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5% của 2 thập kỷ vừa qua. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, thương mại tăng trưởng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên thời kỳ huy hoàng ấy đã đi vào dĩ vãng. Carl Weinberg – chuyên gia kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, chỉ ra rằng trong 6 tháng đầu năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở TPP tồn tại một vấn đề: từ nhiều năm nay hiệp định này vẫn được sử dụng như một nỗ lực đối chọi với Trung Quốc trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng lên đáng kể trong mấy năm gần đây. Với vai trò là nước xuất khẩu số 1 của thế giới, Trung Quốc có thể là đối nghịch của TPP nhưng cũng có thể là một thành viên mà TPP thèm muốn. Bình luận về TPP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc hi vọng rằng TPP và nhiều thỏa thuận tự do thương mại khác có thể đem đến những lợi ích chung”. Mỹ cũng phát tín hiệu chào mừng sự tham gia của Trung Quốc, nhưng điều này khá khó xảy ra và nếu xảy ra thì quá trình đàm phán chắc chắn cũng không hề dễ dàng.
Có lẽ TPP là thỏa thuận quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ được ký kết, nhưng các nước không tham gia TPP vẫn sẽ tiếp tục cuộc chiến trên mặt trận thuế quan và bảo hộ thương mại. Thế giới không có nhiều thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn. Hiệp định TTIP giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa hoàn thành dù TPP sẽ là một hình mẫu đáng để học tập. Và, mặc dù WTO đã kết nạp Trung Quốc năm 2001, nỗ lực mở rộng tự do thương mại đã không thực sự thành công.
Theo Adam Slater – chuyên gia kinh tế cao cấp đến từ Oxford Economics, nếu hoạt động thương mại trên toàn cầu không tăng trưởng, các nước sẽ phải hạ thấp con đường hướng đến thịnh vượng của họ và đây là một dạng thức gian lận thương mại.