tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tác động của sáng kiến 'Vành đai và Con đường' đến quan hệ Trung Quốc-Singapore

  • Cập nhật : 24/05/2017

Một điểm đáng chú ý được truyền thông quan tâm trong thời gian qua là việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long không nằm trong số các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ được mời tham dự diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong các ngày 14-15/5 vừa qua.

29 lãnh đạo nhà nước và chính phủ cùng với đại diện của 28 nước khác đã tham dự hội nghị để thảo luận về sáng kiến khôi phục tuyến đường thương mại “Con đường Tơ lụa” cổ đại bằng một mạng lưới cảng biển, hệ thống đường bộ và đường sắt mới do Trung Quốc khởi xướng.

chu tich trung quoc tap can binh (trai) va thu tuong singapore ly hien long trong mot cuoc gap nam 2015 tai singapore. anh: ap

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong một cuộc gặp năm 2015 tại Singapore. Ảnh: AP

 

Trong số 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ có 3 nước không cử người đứng đầu chính phủ dự hội nghị tại Bắc Kinh gồm Singapore, Thái Lan và Brunei. 

Trường hợp Singapore đang gây bàn tán nhất vì tranh cãi ngoại giao thời gian qua giữa hai nước dường như cho thấy Bắc Kinh vẫn đang "giận" Singapore, mặc dù giới chức Singapore đã cố gắng từ chối đề cập đến bất cứ rạn nứt nào trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đoàn đại biểu của Singapore do Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong dẫn đầu, trong khi đó đoàn của Thái Lan có sự tham dự của Ngoại trưởng Don Pramudwinai và 4 bộ trưởng khác. Brunei, đất nước nhỏ bé nhưng nhiều dầu mỏ do Quốc vương Hassanal Bolkiah lãnh đạo, có Thứ trưởng Ngoại giao Lim Jock Seng làm trưởng đoàn.

Trả lời phóng vấn hãng truyền thông chuyên về du lịch của Singapore, ông Wong tiết lộ rằng quyết định mời là do phía Trung Quốc. Đây là thừa nhận đầu tiên của một quan chức Singapore về việc Thủ tướng Lý Hiển Long không được mời dự hội nghị. 

Căng thẳng ngoại giao kéo dài

Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á Thitinan Pongsudhirak, lãnh đạo một số nước như Thái Lan không nằm trong danh sách khách mời do vị trí địa lý của các nước này không nằm trên các tuyến đường biển và đường bộ nối Trung Quốc với phần còn lại của châu Á và châu Phi. 

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Thủ tướng Lý Hiển Long cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Trong Quốc với Singapore vẫn còn hiện hữu trong những năm qua.

Theo nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc Xue Li, việc Bắc Kinh không mời nhà lãnh đạo Singapore cho thấy một niềm tin đang lớn dần tại Bắc Kinh rằng Quốc đảo Sư tử chỉ tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Trung Quốc trong khi đó lại “dựa vào Mỹ về an ninh”. Ông Xue cho rằng "Trung Quốc đang dần nhận ra điều này và do đó không thực sự quan tâm đến việc Thủ tướng Singapore có tham dự hay không".

Michael Tai, nhà nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-Singapore tại Đại học Cambridge, cho rằng việc ông Lý Hiển Long không được mời cho thấy Singapore "đã không hàn gắn được quan hệ với Bắc Kinh kể từ sau rắc rối tại Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết vào năm ngoái". 

Khi đó, đã diễn ra những đấu khẩu công khai giữa phái viên của Singapore tại Bắc Kinh và tờ báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc liên quan đến một báo cáo về vai trò của quốc đảo này trong tranh chấp Biển Đông.

Quan hệ song phương tiếp tục đi xuống vào tháng 11/2016 sau khi hải quan Hong Kong bắt giữ 9 phương tiện quân sự của Singapore đang trên đường trở về quốc đảo này sau khi đã hoàn thành diễn tập tại Đài Loan (Trung Quốc) với lý do vi phạm các quy định về vận chuyển các loại hàng hoá chiến lược. 

Các phương tiện này đã được trả lại cho Singapore hai tháng sau đó, song Trung Quốc đã tận dụng sự kiện này để thể hiện sự không hài lòng đối với chính sách lâu nay của Singapore liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc).

Trả lời phỏng vấn hãng BBC vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố "cả hai bên đều coi trọng quan hệ và đã có những kết quả tích cực". Tuy nhiên, việc không được mời dự hội nghị vào tuần trước cho thấy Thủ tướng Lý Hiển Long và các lãnh đạo Singapore khác không cùng quan điểm với Bắc Kinh trong vấn đề quan hệ song phương.

Chong Ja Ian, chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: "Điều chúng ta có thể suy diễn là Trung Quốc hiện không hài lòng với Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore về các vấn đề trên".

Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của vị Thủ tướng khai quốc Singapore Lý Quang Diệu, chịu áp lực từ Bắc Kinh. Nhiều tháng trước khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 8/2014, ông Lý Hiển Long đã khiến Trung Quốc nổi giận sau khi ông có chuyến thăm cá nhân đến Đài Loan (Trung Quốc) và đề nghị làm trung gian cho cuộc gặp của lãnh đạo Đài Loan và Bắc Kinh. Trung Quốc đã coi động thái trên như sự can thiệp vào công việc nội bộ và tạm thời ngừng mọi trao đổi ngoại giao cấp cao với Singapore.

Ông Lý Quang Diệu, qua đời năm 2015, thọ 91 tuổi, được thế giới công nhận là vị kiến trúc sư của chính sách đối ngoại khéo léo, thân với các nước lớn. Ông đã duy trì quan hệ gần gũi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay cả khi ông đã rời khỏi chính trường sau gần 50 năm công tác.

Liệu Trung Quốc có thể loại bỏ vị trí của Singapore?

Chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc Xue cho rằng "chính quyền hiện nay của Singapore khác với thế hệ của ông Lý Quang Diệu. Họ quen làm việc với Trung Quốc theo quan điểm của phương Tây rằng mình là thầy, chứ không phải là học trò của Trung Quốc".

Theo ông Tai, nhà quan sát tại Cambridge, “Con đường Tơ lụa” mới có thể khiến quan hệ hai nước chia rẽ vĩnh viễn. "Sáng kiến Vành đai và Con đường” hứa hẹn mang đến kết nối khu vực với mức độ chưa từng có, có thể khiến Singapore mất đi vị thế trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu nằm giữa Ấn Độ Dương và biển Biển Đông.

Những người bạn của mọi điều kiện thời tiết

Đến nay, các lãnh đạo Singapore vẫn cam kết duy trì quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc. Wong, người đứng đầu phái đoàn Singapore tại hội nghị tuyên bố rằng quốc đảo này có thể đóng vai trò trung tâm tài chính quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Quốc đảo này hiện có số tài sản 1.800 tỉ USD và trong năm ngoái đây là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài có liên quan đến “Con đường Tơ lụa” mới.

Tại một hội thảo khác tại Bắc Kinh vào tuần trước, quan chức ngoại giao cấp cao của Singapore Tommy Koh tuyên bố, Đảo quốc Sư tử là một trong những "người bạn của mọi điều kiện thời tiết" của Trung Quốc. "Bản chất của điều này là: Singapore sẽ không bao giờ cho phép quan hệ của nước này với bất cứ cường quốc nào ảnh hưởng tới Trung Quốc". Ông Koh cũng đã bác bỏ ý kiến của nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc Ruan Zongze rằng Singapore vẫn gắn kết Mỹ mặc dù công khai phủ nhận điều này.

Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này cũng sử dụng một loạt các sự kiện ngoại giao giữa hai nước trong tuần này nhằm hạ nhiệt quan hệ căng thẳng. Quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc Zhao Leji đã gặp Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 16/5 nhân chuyến thăm chính thức Singapore. Ông Wong đang chủ trì Hội nghị các thị trưởng các thành phố trên thế giới tại Suzhou khai mạc từ ngày 18/5. Sự kiện kéo dài hai ngày này do Chính phủ Singapore tổ chức.

Bên cạnh đó vào ngày 19/5, Chee Wee Kiong, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, sẽ chủ trì hội nghị Trung Quốc-ASEAN với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin. Singapore hiện là nước điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Tại Singapore gần đây xuất hiện một số ý kiến cho rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Thủ tướng Lý Hiển Long gây ảnh hưởng đến các nước nhỏ. Năm 2009, ông Lý Hiển Long từng tuyên bố "các nước nhỏ phải tìm kiếm nhiều bạn bè nhất nhưng vẫn phải duy trì là một quốc gia độc lập và chủ quyền".
 

Hữu Tiến/Báo Tin Tức

Trở về

Bài cùng chuyên mục