Các nước đạt được thỏa thuận TPP lịch sử trong bối cảnh tăng trưởng thương mại thế giới sụt giảm mạnh. Liệu TPP có thể tạo ra một cú hích?
Abenomics có giúp kinh tế Nhật vượt qua vũng lầy tăng trưởng?
- Cập nhật : 21/05/2016
(tin kinh te)
Các số liệu thống kê công bố ngày 18/5 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản tốt hơn kỳ vọng trong quý đầu của năm nay. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, tình hình thực tế có thể không lạc quan như các số liệu thống kê đưa ra.
Tăng trưởng quý I lạc quan hơn kỳ vọng
Các chuyên gia kinh tế nhận định, kế hoạch cải cách nền kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng (còn được biết đến với tên gọi Abenomics) nhiều khả năng sẽ không giúp kinh tế Nhật Bản thoát khỏi vũng lầy của tăng trưởng chậm chạp khi mà rủi ro giảm phát kéo dài và tăng trưởng đầu tư yếu vẫn phủ bóng mây lên nền kinh tế này.
Shane Oliver, chuyên gia kinh tế trưởng tại AMP Capital cho rằng, Abenomics – với đặc trưng là nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, bao gồm cả các lãi suất âm chưa từng có tiền lệ và gây tranh cãi - đã khởi đầu một cách khá rầm rộ và giúp đưa lạm phát chuyển biến tích cực ngay cả trong bối cảnh giá dầu rất thấp. Tuy nhiên vị này cũng nhận định, niềm tin vào kế hoạch này có vẻ đã suy yếu đáng kể trong khoảng một năm qua.
Dữ liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố cho biết, tăng trưởng kinh tế thực của Nhật Bản trong quý đầu năm nay tăng 0,4% so với quý trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, tiêu dùng cá nhân trong nước - đóng góp khoảng 60% GDP - đã tăng 0,5% và qua đó ghi nhận một sự cải thiện rõ rệt từ mức sụt giảm -0,8% của quý trước. Chừng đó là đủ để giúp Nhật Bản thoát khỏi suy thoái kỹ thuật – với định nghĩa là hai quý liên tiếp ghi nhận quý sau tăng trưởng suy giảm so với quý trước.
Mặc dù có những tin tức tốt như vậy nhưng các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong những nỗ lực để kéo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng ảm đạm. Có thể kể đến một số thách thức như việc nền kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đang tăng trưởng chậm lại hay việc các DN Nhật Bản bị gián đoạn nguồn cung sau một loạt các trận động đất vào tháng 4 vừa qua…
Phía trước là chông gai
Do đó trên thực tế, dường như mọi thứ đang không tốt như số liệu kinh tế quý I phản ánh. Về danh nghĩa, tiêu dùng cá nhân trong nước của Nhật Bản trong quý I đã giảm 0,1% so với quý trước đó, cho thấy niềm tin tiêu dùng vẫn đang yếu kém.
Minh chứng là chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 4 vừa qua đã suy giảm 0,9%. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy các DN không sẵn sàng tăng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh – điều mà chính phủ Nhật kỳ vọng sẽ là động lực để giúp nền kinh tế phục hồi. Hoạt động đầu tư của DN Nhật Bản trong quý I vừa qua đã suy giảm 1,4% so với quý trước.
Theo phân tích của các nhà kinh tế, các dấu hiệu thành công của chính sách Abenomics vào lúc mới được triển khai có thể được lý giải một phần là do đồng Yên khi đó đã yếu đi đáng kể so với đồng USD (thực tế đồng USD mạnh lên so với cả rổ tiền tệ trong suốt một thời gian dài).
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Nhật Bản đã phải đối mặt với những cơn gió ngược mạnh mẽ gần đây khi đồng USD quay trở lại xu hướng suy yếu. Đồng Yên đã tăng lên đáng kể so với đồng USD trong năm nay, gây tổn thương cho hoạt động xuất khẩu của các DN Nhật Bản. Toyota - nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản đã cảnh báo việc đồng Yên mạnh hơn so với kỳ vọng sẽ ăn vào lợi nhuận của DN này.
Bên cạnh đó, Abenomics cũng không giúp hoàn toàn đưa Nhật Bản ra khỏi nguy cơ giảm phát. NHTW Nhật Bản đã liên tục nhiều lần phải lùi thời điểm hoàn thành mục tiêu đưa lạm phát lên 2%.
Theo nhà kinh tế Dario Perkins thuộc Lombard Street Research, Abenomics đã được sử dụng nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư của các DN trong bối cảnh đồng Yên suy yếu. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ quá mạnh này cho đến nay là không thành công.
Ngay cả các DN lớn ở Nhật Bản lúc này cũng không sẵn sàng mở rộng đầu tư, một phần do thiếu niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khi đồng Yên không còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chu kỳ suy yếu so với đồng USD như trước đây. Số liệu thống kê cho thấy, các DN đang có thiên hướng nắm giữ tiền mặt. Trong năm 2015, lượng tiền mặt mà các DN Nhật Bản nắm giữ đã tăng 32,4% so với 10 năm trước đây, trong khi các khoản đầu tư vào tài sản cố định chỉ tăng 16,3%.
Mặc dù Abenomics dựa trên ba trụ cột: Nới lỏng tiền tệ; kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhật Bản đã dựa quá nhiều vào nới lỏng tiền tệ trong khi tập trung ít hơn tới hai trụ cột còn lại. Việc nới lỏng tiền tệ quá mạnh đã khiến nhiều nền kinh tế khác phải bày tỏ lo ngại về những hiệu ứng lan truyền từ những động thái này của Nhật Bản.
Theo chuyên gia kinh tế Setsuo Otsuka, thuộc Viện Brookings, Nhật Bản nên từ bỏ chính sách dựa quá nhiều vào nới lỏng tiền tệ. Thay vào đó, cần tập trung vào cải cách cơ cấu bao gồm cả các biện pháp để phục hồi thị trường lao động.
Đỗ Lê
(Thời báo Ngân hàng)