Một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang ngày càng lúng túng trước những dự án tài trợ ở nước ngoài không đem lại hiệu quả và những rủi ro thì ngày càng tăng lên.
Abenomics chỉ là thùng rỗng kêu to, chẳng thể giúp kinh tế Nhật phục hồi
- Cập nhật : 30/08/2016
(Kinh te)
Đã 3 năm kể từ khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chính thức đưa ra chương trình kích thích kinh tế đầy táo bạo. Sau những lạc quan ban đầu, cuối cùng chương trình đã không mang đến những thay đổi cho nền kinh tế như mong đợi.
Từ đầu năm 2016 này, nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới đã tăng trưởng yếu, đồng Yên tăng giá mạnh ăn đậm vào lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu, làm xói mòn niềm tin về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, nhiều người tiêu dùng đang phải cố gắng thắt lưng buộc bụng. Và tất nhiên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng luôn có kẻ thắng người thua. Sẽ có những hãng kinh doanh hàng cao cấp khó khăn hơn còn các hãng bán sản phẩm giá bình dân lại có cơ hội đón thêm khách.
Người nội trợ Yuko Narita 48 tuổi cho biết cô đã phải thắt chặt chi tiêu khá nhiều trong năm nay, cô giảm hẳn mua sắm quần áo cũng như vật dụng hàng ngày. “Tôi có cảm giác kinh tế đang đình trệ còn doanh nghiệp kinh doanh ngày một khó khăn hơn”, cô Narita nhận xét.
Còn theo bà Nobuko Jin, người về hưu năm nay đã 75 tuổi, bà cảm thấy giá cả đang tăng lên từng ngày. Bà cho biết mình thực sự không thể hiểu nổi chương trình kinh tế của ông Abe đã mang lại điều gì cho mình khi mà cuộc sống cứ ngày một ngột ngạt hơn.
Chuỗi cửa hàng bán hàng giảm giá Don Quijote Holdings kinh doanh đủ các loại mặt hàng từ mỹ phẩm, quần áo cho đến giấy vệ sinh hưởng lợi không hề nhỏ khi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng thay đổi. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn dự kiến tăng khoảng hơn 4% trong 1 năm qua.
“Kinh tế đang ngày một khó khăn hơn, chắc chắn người tiêu dùng không thể tiêu xài mạnh tay như trước, đó chính là cơ hội kinh doanh của chúng tôi”, giám đốc tài chính của tập đoàn, ông Mitsuo Takahashi, nhận xét.
Rất nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đang phải điều chỉnh thực đơn để mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn. Có thể kể đến Skylark Group với menu hoàn toàn mới dành cho những người tiêu dùng đang muốn hạn chế chi tiêu.
Tập đoàn kinh doanh quần áo Fast Retailing sở hữu thương hiệu Uniqlo đang có những ngày kinh doanh không thể thành công hơn được nữa sau 2 năm khó khăn. 2 năm trước, tập đoàn tăng giá bán sản phẩm, lập tức công việc kinh doanh chịu tác động tiêu cực. Đến năm nay, với những điều chỉnh nhất định, lợi nhuận của Uniqlo tăng chóng mặt, riêng trong quý 2 vừa qua đã tăng đến 18,6%.
Giám đốc tài chính của Uniqlo, ông Ken Okazaki, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm giá sản phẩm hơn nữa trong mùa thu và mùa đông năm nay”.
Các công ty kinh doanh hàng nội thất cũng không nằm ngoài xu thế này. Chủ tịch tập đoàn Nitori Holdings, ông Akio Nitori, cho biết công ty ông sẽ không nâng giá bán sản phẩm bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một khi công ty nâng giá, nhiều khách hàng sẽ lập tức rời bỏ và không có cách nào để giữ họ lại nữa.
Trong quý 2/2016, kinh tế Nhật tăng trưởng chững lại, xuất khẩu tháng 7/2016 giảm nhanh nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, tâm lý doanh nghiệp trở nên bi quan. Các nhà hoạch định chính sách Nhật không khỏi lo lắng khi mà bối cảnh kinh tế thế giới tồn tại quá nhiều thách thức.
Nhà đầu tư thế giới mua mạnh, đồng Yên tăng giá nhanh so với đồng USD, vượt ngưỡng 100 Yên/USD và hiện cao hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi lo ngại áp lực giảm phát sẽ tăng lên khi mà sức cầu tiêu dùng ngày một yếu”, giám đốc điều hành tại tập đoàn đồ uống Kirin, ông Akihiro Ito, chia sẻ.
Còn theo ông Isetan Mitsukoshi, người đứng đầu tập đoàn bán lẻ có doanh số cao nhất tại Nhật, doanh số bán các sản phẩm cao cấp trong chuỗi của ông đã giảm mạnh, cá nhân ông cảm thấy rất rõ ràng rằng áp lực giảm phát đang trở lại.
Chính quyền của Thủ tướng Abe cho đến nay luôn khẳng định rằng kinh tế đã phát triển và thoát khỏi tình trạng trì trệ nhờ sự kết hợp của chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều chính sách cải tổ tài khóa khác.
Năm tài khóa 2013, kinh tế Nhật tăng trưởng 2%, thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm mạnh còn đồng yên giảm giá sâu. Thế nhưng cú sốc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/2014 đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế Nhật. Năm tài khóa 2014, kinh tế Nhật suy giảm 0,9%, sau đó sang đến năm tài khóa 2015, kinh tế Nhật chỉ tăng trưởng được 0,8%. Đến quý hiện tại, dự kiến kinh tế Nhật cũng khó có thể tăng trưởng cao bởi cả xuất khẩu và tiêu dùng đều suy giảm.
Ông Abe hẳn đã vô cùng tiếc nuối khi tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/2014 và yếu tố đó đã đẩy nền kinh tế vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Vì vậy mà từ đó đến nay ông đã cương quyết từ chối các đề xuất tăng thuế tiêu dùng để cứu vãn tình hình.
Đầu tháng này, ông Abe thông báo về kế hoạch kích thích tài khóa trị giá 13,5 nghìn tỷ yên trong đó bao gồm một số gói hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các gia đình. Ngân hàng Trung ương Nhật đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng trước và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp tương tự trong tương lai. Sẽ cần đến thời gian để có thể biết được hiệu quả thực sự của các chương trình kích thích kinh tế trên, câu trả lời nếu có sẽ chỉ có thể đến sau 2 tháng tới.