Đề xuất 3 tuyến đường kinh tế trên biển, chính quyền Bắc Kinh đã lấy Biển Đông làm xuất phát điểm của 2 trong số này. Tham vọng mới của Trung Quốc là gì?
Ba mảnh của “Japanese Dream”: Liều thuốc nặng
- Cập nhật : 03/08/2016
Chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản – ông Shinzo Abe – có thể không đạt được như kỳ vọng nhưng chắc chắc nó đã không thất bại. Và những kỳ vọng là cần thiết để chính sách này thực sự thành công.
Liều thuốc nặng
Sự thổi phồng về Abenomics có thể đã giảm đi phần nào nhưng để phá vỡ tư duy giảm phát của Nhật Bản, sự khao trương vẫn còn cần thiết. Khi ông Abe và Đảng Dân chủ Tự do của ông quay trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông đã đưa ra những tín hiệu về ý định nới lỏng chính sách tiền tệ và qua đó làm suy yếu đồng Yên. Vào tháng 4/2013, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, người được ông Abe chọn vào vị trí này, đã phá vỡ quá khứ “thất bại” của BOJ một cách dứt khoát. Ông Kuroda đặt ra mục tiêu lạm phát 2% và hỗ trợ mục tiêu bằng việc mua tài sản với phạm vi, quy mô lớn.
Ban đầu, các thị trường tài chính đã phản ứng mạnh mẽ với những tín hiệu này. Đồng Yên giảm và thị trường chứng khoán tăng vọt. Không mất nhiều thời gian để các du khách nhận thấy việc du lịch tới Nhật Bản đã rẻ hơn bao giờ hết và quy định cấp visa đã được thay đổi có lợi cho họ. Vào năm 2015, có khoảng 20 triệu lượt du khách tới Nhật Bản, phần lớn trong số đó là các du khách tới từ Trung Quốc.
Các công ty cảm thấy được khuyến khích tăng thêm giá sản phẩm thêm đôi chút. Tới tháng 9/2015, 2/3 số sản phẩm nằm trong chỉ số lạm phát của Nhật Bản đã tăng giá. Công ty gia vị lớn nhất Nhật Bản – Kagome – đã lần đầu tiên tăng giá nước sốt cà chua trong vòng 25 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản sau khi giảm suốt 20 năm qua, đã tăng nhẹ trở lại trong vòng 32 tháng trở lại đây. Dưới chính sách Abenomics, GDP danh nghĩa của Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 18 năm qua.
So sánh với quá khứ chìm trong giảm phát, việc lạm phát trở lại với Nhật Bản là một thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu của BOJ, đây vẫn là một thất bại. BOJ cho biết lạm phát sẽ không đạt được tới mức mục tiêu 2% (đã bao gồm giá năng lượng) cho tới năm tài chính 2017-2018, tức muộn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.
BOJ dự tính rằng việc nới lỏng tiền tệ của họ sẽ thúc đẩy việc cho vay và tiêu dùng, bao gồm cả chi phí vốn. Việc mở rộng doanh nghiệp sẽ tạo thêm nhiều việc làm. Tuyển dụng mạnh sẽ khiến lương tăng, qua đó giúp thúc đẩy giá. Thực tế lại không được như trong sách giáo khoa. Hai thứ quan trọng nhất với nền kinh tế này – tiêu dùng và đầu tư – đã không bùng nổ được như kỳ vọng.
Các nhà kinh tế hiện nay thậm chí còn đang lo ngại về việc lạm phát của Nhật Bản sẽ càng ngày càng xa rời mục tiêu 2%. Capital Economics cho biết BOJ hiện đang nắm giữ 1/3 số trái phiếu chính phủ và dự tính sẽ tăng khối lượng nắm giữ loại tài sản này lên 55% cho tới tháng 12/2018. Sau khi tạo ra khoản tiền khổng lồ để mua tài sản, BOJ đã áp dụng chính sách lãi suất âm. Nhiều người tin rằng quyết định này đã phản tác dụng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin người tiêu dùng, lợi nhuận của ngân hàng và doanh thu trên thị trường tiền tệ. Và trên thực tế, các chuyên gia chỉ ra rằng đồng Yên khó có thể giảm 30% như trước đây, đặc biệt là khi các ngân hàng tại châu Âu tỏ ra sợ hãi và sự kiện Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) khiến giá các loại tài sản an toàn như đồng Yên tăng vọt.
Tuy nhiên, các xu hướng khác sẽ có lợi cho BOJ. Số lượng việc làm đã tăng hơn 1,5 triệu dưới thời ông Abe mặc dù lượng lao động tính theo độ tuổi giảm đi 3,5 triệu người. Nhiều người chọn công việc bán thời gian với mức lương khiêm tốn, khiến mức lương trung bình bị kéo xuống nhưng giúp tăng khả năng chi tiêu của tập thể. Tổng thu nhập từ lương danh nghĩa từ tháng 3 tới tháng 5 đã tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến lượng lao động trong độ tuổi lao động (màu xanh) và số lượng việc làm (màu nâu) tại Nhật Bản kể từ năm 2010 đến nay
Người lao động Nhật Bản thường yêu cầu tiền lương dựa trên mức chi phí sống hàng ngày nhiều hơn là dựa trên những lời hứa lạm phát của BOJ. Giờ đây, theo lý thuyết, các đoàn thể nên đòi hỏi nhiều hơn về lương khi giá năng lượng ngừng giảm và giá cơ bản bắt đầu tăng. Do đó, lạm phát tương lai có thể sẽ là yếu tố quyết định kết quả cuộc chạy đua giữa kỳ vọng tăng lương của người lao động và dự báo của thị trường tài chính.
BOJ vẫn có thể có những tác động nhất định tới cuộc đua bởi họ vẫn còn nhiều tài sản có thể mua. Các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm có thể miễn cưỡng bán trái phiếu chính phủ đang nắm giữ, nhưng tất nhiên với cái giá mà họ thỏa mãn. Và BOJ có thể mua thêm nhiều loại tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu thông qua các quỹ ETF.
Tuy nhiên, việc BOJ vội vàng áp đặt chính sách lãi suất âm lên một số khoản dự trữ của các ngân hàng không phải là một sự thành công. Các thành phần của thị trường lúc đầu đã phải vật lộn để giao dịch ở mức lãi suất âm và ngân hàng buộc phải để họ nắm cuộc chơi dù điều đó sẽ gây ra những tổn thất lợi nhuận. Tuy nhiên, chính sách này đã bắt đầu được chấp nhận. Các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt với những người cho vay bất động sản. Điều này khiến cho nhu cầu nhà ở tăng và giúp những người cho vay kiếm được nhiều tiền hơn. Và ngay cả khi các ngân hàng không thể áp dụng chính sách lãi suất âm cho các khoản tiết kiếm lẻ, họ vẫn có thể áp dụng với các khoản vay của doanh nghiệp.
Nếu việc chuyển đổi cơ chế tiền tệ của ông Kuroda không dứt khoát như mong đợi, chính sách tài khóa lại cho thấy sự mạnh mẽ bất ngờ. Việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/2014 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và dài hạn tới chi tiêu và đầu tư của các hộ gia đình. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ của BOJ đã không thể bù đắp cho điều đó mặc dù các nhà kinh tế kỳ vọng rất nhiều vào nó. Chính sách tăng thuế lần 2 đã hai lần bị trì hoãn.
Thay vào đó, ông Abe quyết định sử dụng thêm các biện pháp kích thích tài khóa. Liệu Nhật Bản có đủ khả năng cho điều này? Mức nợ công của Nhật Bản hiện đang gấp 2,5 lần so với GDP của nước này nhưng chính phủ lại đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ đó, qua đó giúp giảm mức nợ ròng xuống chỉ còn gấp 1,3 lần GDP. Nhờ lãi suất âm, mức thanh toán lãi ròng của Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất so với các quốc gia trong nhóm G7, nếu tính theo tỷ lệ % GDP.
Sao lại có thể như vậy được? Khi chính phủ vay quá nhiều, họ sẽ lấn sang các khoản vay tư nhân. Kết quả là lãi suất cao hoặc lạm phát. Nhưng Nhật Bản lại chẳng có cả 2 thứ đó. Tại Nhật Bản, nợ công không lấn chiếm các khoản đầu tư tư nhân. Ngược lại, chính phủ Nhật Bản vay nhiều bởi khu vực tư nhân không chịu vay và chi tiêu đủ nhiều mà họ thích tích lũy các tài sản tài chính. Nếu chính phủ cắt giảm các khoản vay, Nhật Bản sẽ phải chịu những tác hại của việc nhu cầu thiếu hụt.
Cho tới khu chi tiêu tư nhân tăng lên, các biện pháp kích thích tài khóa sẽ tiếp tục rẻ và cần thiết: chính phủ Nhật Bản sẽ tim những người sẵn sàng mua thêm các khoản nợ bổ sung. BOJ có thể sẽ luôn luôn muốn mua và giữ trái phiếu chính phủ phát hành thêm, thay thế các khoản nợ cần phải trả bằng tiền nhàn rỗi. Sự kết hợp đó có thể sẽ mang tới sức mạnh không ngờ, khiến nhiều người liên tưởng tới chính sách bơm tiền vào thị trường, hay còn gọi là “helicopter drop”. Ông Kuroda mới đây đã phủ nhận điều này nhưng hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm trong thời gian tới.
Thạch Thảo - Theo The Economist/NDH