Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Xử lý nợ xấu kiểu đánh du kích
- Cập nhật : 25/10/2015
(Tai chinh)
Tiến sĩ Trần Du Lịch ví cách xử lý nợ xấu không cần dùng ngân sách và việc nhà điều hành gỡ khó từng khoản vay cho doanh nghiệp là giải pháp "không giống ai" nhưng hiệu quả.
Tại hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu" diễn ra sáng 23/10, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đánh giá Ngân hàng Nhà nước phải giải một phương trình với nhiều ẩn số để xử lý "cục máu đông" nợ xấu. Theo vị chuyên gia kinh tế này, cách lập công ty mua bán nợ VAMC xử lý nợ xấu bằng cơ chế chứ không bằng "tiền tươi thóc thật" là kiểu sáng kiến "tay không bắt giặc"."Chính phủ chưa có chủ trương dùng ngân sách để hỗ trợ mà các ngân hàng phải tự giải quyết. Có nghĩa là tôi không cho anh tiền xe nhưng anh vẫn phải đi đến nơi, giống như không có tiền vẫn phải đi bằng máy bay cho kịp thời gian", ông Lịch ví von.
Thực tế, đến nay, phần lớn nợ xấu của hệ thống đã được nhấc ra khỏi bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng và chuyển sang VAMC. Đến 30/9, VAMC đã mua được 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 9 cũng đã về mức 3% từ con số hơn 17% trước đây.
Ngoài xử lý nợ xấu, Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng đánh giá cao mô hình kết nối giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là TP HCM đã thực hiện để tăng trưởng tín dụng. Chương trình kết nối 4 nhà với sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Theo đó, 4 nhà cùng ngồi lại để giải quyết cho vay từng trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhằm cứu doanh nghiệp chết và ngân hàng cũng ảnh hưởng theo.
"Lúc đầu nhiều người cho rằng cách làm như vậy không giống ai. Với chức năng của mình, Ngân hàng Nhà nước không thể ngồi bàn việc cho vay từng doanh nghiệp được. Nhưng tôi cho rằng đây là cách làm của riêng Việt Nam. Không đánh chính quy được thì phải đánh du kích", Tiến sĩ Trần Du Lịch ví von như vậy khi nói về cách xử lý nợ xấu không cần tiền tươi thóc thật và mô hình kết nối doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước triển khai từ năm 2012.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước TP HCM, mô hình này đã giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp được vay vốn mà không gia tăng nợ xấu. Theo ông Lịch, việc này đóng góp nhiều vào kết quả tăng trưởng kinh tế của TP HCM thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đã đến lúc nhà điều hành cần chấm dứt lối đánh "du kích" để điều hành nền kinh tế theo lối chính quy, đúng chức năng. Ông hy vọng năm 2016, nhà điều hành sẽ không phải "đánh du kích" và đưa quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trở lại bình thường khi gói gém nợ xấu trong VAMC.
Cũng tại hội thảo này, câu chuyện giảm lãi suất khi lạm phát thấp để hỗ trợ doanh nghiệp một lần nữa được các diễn giả đặt ra. Với tư cách là Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, ông Trần Du Lịch cho biết sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng tư vấn Tài chính tiền tệ quốc gia nghiêm túc xem xét việc giảm thêm 2% lãi suất cho vay từ năm 2016. Theo ông, các doanh nghiệp cho rằng lạm phát kỳ vọng năm nay dưới 2%, lãi cho vay trung và dài hạn vẫn 9-10% thì không thể nào tái cơ cấu được.
Trước đó, tại hội thảo gỡ khó trong vay vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đặt vấn đề giảm lãi suất khi lạm phát thấp.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ cái khó của Ngân hàng Nhà nước khi điều hành lãi suất trong bối cảnh thực tế Việt Nam có sự cạnh tranh lãi suất ngân sách với thị trường. Với nhu cầu huy động vốn của Chính phủ ngày một lớn, lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn còn ở mức cao và theo ông Lịch, khó kích thích giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp.
Năm 2016, Quốc hội đang cân nhắc phát hành 60.000 tỷ trái phiếu Chính phủ còn lại trong kế hoạch 170.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lịch, các dự án đầu tư làm chương trình ở TP HCM, Tây Nguyên hiện vẫn còn dư 14.000 tỷ đồng." Tôi đề nghị thay vì chuyển sang hạng mục đầu tư khác, Quốc hội nên quyết giảm 14.000 tỷ đồng này trong số 60.000 tỷ đồng kia để vừa giảm nợ công vừa tạo dư địa giảm lãi suất", ông Lịch cho biết.
Chia sẻ với ông Trần Du Lịch, ông Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cũng thấy lãi suất là vấn đề cần được nêu ra. "Lãi suất và tỷ giá là biểu hiện của một hệ thống thương mại và ngân hàng lành mạnh. Nếu hai công cụ này theo được mặt bằng chung của thế giới thì hoàn toàn có thể yên tâm mọi sự đã trở về trạng thái bình thường".