Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank.
Thoái vốn khỏi ngân hàng, nhiều tập đoàn vẫn đang...kẹt
- Cập nhật : 26/10/2015
(Tin kinh te)
Trước quy định về vốn góp vào ngân hàng và chủ trương thoái vốn của Chính phủ, hiện các doanh nghiệp đang gấp rút chào bán cổ phần các ngân hàng
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2015, Petrolimex phải giảm tỉ lệ sở hữu tại PGBank từ 40% còn 20% Ảnh: TẤN THẠNH
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 9-2015 vẫn còn khoảng 18.000 tỉ đồng vốn nhà nước chưa thoái được, trong đó có đến 11.000 tỉ đồng đang nằm trong các ngân hàng (NH).
Chào bán hàng trăm triệu cổ phần
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chào bán đấu giá 81,5 triệu cổ phần (tương đương 16% vốn điều lệ) đang nắm giữ tại NH An Bình (ABBANK). Ngay khi quyết định được đưa ra, 6 nhà đầu tư đã mua tổng cộng hơn 40 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, EVN thu về trên 400 tỉ đồng. Như vậy, số cổ phần mà EVN vừa bán không bị lỗ bởi giá bán bằng mệnh giá. Hiện tập đoàn này vẫn còn nắm giữ 41,5 triệu cổ phần, tương đương 8% vốn điều lệ tại ABBANK (khoảng 415 tỉ đồng) nên trong thời gian tới, EVN phải bán hết số cổ phần này đúng với quy định và định hướng của Chính phủ.
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC - Bộ Tài chính) cũng thông báo bán đấu giá 26.660 cổ phần tại NH Phương Đông (OCB) với giá khởi điểm 4.900 đồng/cổ phần và 24.662 cổ phần NH Sài Gòn (SCB) với giá 4.100 đồng/cổ phần.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, do trước đây DATC mua nợ DN, trong đó có tài sản thế chấp là cổ phần tại OCB. Vì thế, để thu hồi vốn, DATC phải thanh lý số cổ phần này.
Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho hay nhiều năm trước, DN đã nắm giữ cổ phần SCB; sau đó DN dính nợ xấu, rồi bị giải thể phải chuyển giao tài sản cho DATC. Đến nay, DATC bán các tài sản này để thu hồi vốn, trong đó có cổ phần SCB.
Cách đây vài tháng, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cũng thoái 2% vốn điều lệ tại NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tương đương 25 triệu cổ phần. Tuy thoái vốn thành công nhưng SJC phải tổ chức đấu giá lần thứ 4 mới bán được toàn bộ số cổ phần Eximbank với giá hơn 13.000 đồng/cổ phần, thu lợi nhuận khoảng trên 75 tỉ đồng.
Nhiều tập đoàn đang… kẹt
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện đang sở hữu 52% vốn điều lệ NH Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), tương đương 4.680 tỉ đồng. Nếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng thì PVN đang nắm giữ 468 triệu cổ phần PVcomBank. Đại diện Cục Tài chính DN cho hay việc PVN thoái vốn PVcomBank đang được xử lý. Thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi đến thời điểm này, thị trường chưa xuất hiện thông tin PVN chào bán đấu giá cổ phần PVcomBank.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng nắm giữ 120 triệu cổ phần (khoảng 1.200 tỉ đồng), tương đương 40% vốn điều lệ của NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015, Petrolimex phải giảm tỉ lệ sở hữu tại PGBank xuống còn 20%. Hiện PGBank vẫn đang chờ NH Nhà nước chấp thuận phương án sáp nhập vào NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Theo các nhà đầu tư chứng khoán, giả sử PGBank được phép “kết hôn” với VietinBank thì tỉ lệ sở hữu của Petrolimex tại PGBank có thể giảm mạnh. Sau đó, Petrolimex mặc nhiên trở thành cổ đông của VietinBank và việc thoái vốn tại NH này mới dễ dàng hơn bởi cổ phần của VietinBank có tính thanh khoản cao và đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngân hàng cũng muốn bán
NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài và thoái vốn hoặc chuyển nhượng một phần vốn của các công ty con là Công ty Tài chính VPBank và Công ty Chứng khoán VPBank.
Sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài là NH OCBC của Singapore rút vốn từ cuối năm 2013, VPBank không có nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu cổ phần. Hai năm gần đây, VPBank tích cực tìm kiếm đối tác và dự kiến sẽ chào bán tối đa theo quy định là 30% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài vào quý IV/2015 và đầu năm 2016.
Tại Đại hội Đại biểu lần thứ 2 Đảng bộ khối DN trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), kiến nghị Chính phủ xác định lộ trình cho phép giảm tỉ lệ sở hữu vốn của nhà nước tại các NH thương mại xuống 51% để các NH chủ động kế hoạch phát “tín hiệu” ra thị trường.
Hiện tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 95,2%, Vietcombank là 77,1% và VietinBank là 64,4% nên nhiều ý kiến đề xuất nhà nước giảm tỉ lệ sở hữu tại Vietcombank khoảng 10% (Vietcombank hiện có vốn điều lệ 26.000 tỉ đồng), tương đương 260 triệu cổ phần. Nếu tính thị giá mỗi cổ phần Vietcombank là 45.600 đồng (ngày 21-10) thì nhà nước sẽ thu về cho ngân sách 11.856 tỉ đồng… Mặt khác, khi nhà nước bán cổ phần Vietcombank, sàn giao dịch chứng khoán sẽ có thêm hàng trăm triệu cổ phiếu Vietcombank được tự do mua - bán, kích thích thêm tính thanh khoản cho toàn thị trường.
Giới đầu tư đánh giá kiến nghị của Vietcombank phù hợp với bối cảnh Chính phủ vừa cho phép Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời điểm thích hợp để thoái hết vốn tại 10 DN lớn.
Công khai, minh bạch
Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là khi DN nhà nước ồ ạt thoái vốn NH, dễ xảy ra việc tranh mua, tái diễn tình trạng nhóm nhà đầu tư liên kết thao túng NH.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NH Nhà nước, cho biết DN nhà nước muốn thoái vốn NH phải thực hiện đúng quy định của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg. Theo đó, đại diện vốn nhà nước tại các công ty chưa niêm yết, công ty TNHH có giá trị cổ phần tính theo mệnh giá từ 10 tỉ đồng trở lên phải thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán.
“Sau khi nhà đầu tư mua xong cổ phần, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra tỉ lệ nắm giữ cổ phần, nguồn gốc dòng tiền có hợp lệ không để từ đó đưa ra biện pháp xử lý thích hợp. Tôi tin rằng DN nhà nước thoái vốn NH sẽ được thực hiện công khai, minh bạch” - ông Nghĩa nói.
Theo Thy Thơ
Người lao động