Việt Nam không thiếu gạo cho xuất khẩu
- Cập nhật : 14/10/2015
(Thuong mai)
Việt Nam hiện vẫn còn dư từ 7,5-7,8 triệu tấn lúa (khoảng 3,7-4 triệu tấn gạo) cho xuất khẩu.
“Kích hoạt” cho giá lúa trong nước
Đà giảm giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cho là bắt đầu suốt từ tháng 9 tới đầu tháng 10 với mức giá phổ biến chỉ từ 4.300- 4.900 đồng/kg, tùy loại. Nguyên nhân chính được cho là do suốt từ đầu năm đến nay, Việt Nam thiếu vắng các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn.
Điều này thể hiện ở con số thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, trong 9 tháng qua, nước ta mới xuất khẩu được gần 4,48 triệu tấn gạo với kim ngạch chỉ đạt 1,92 tỷ USD, giảm tới 10,1% về khối lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Sở dĩ xảy ra điều này là do, trong suốt thời gian qua Việt Nam đã phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong xuất khẩu gạo, mà từ đầu năm đến nay nước này đã bắt đầu hạn chế nhập khẩu gạo từ nước ta.
Chính vì thế, thông tin Việt Nam trúng thầu gần 1,5 triệu tấn gạo sang 2 thị trường tập trung là Indonesia và Philippines sau khi vượt qua đối thủ nặng ký là Thái Lan đã giúp cán cân xuất khẩu gạo thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, có một điều khá khó hiểu là trong lần trúng thẩu xuất khẩu gạo lần này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam lại không cho biết giá trúng thầu cụ thể, nhưng theo một số nguồn tin giá gạo trúng thầu của Việt Nam khó vượt qua mốc 350 USD/tấn đối với loại 5% tấm.
Trước đó, theo khảo sát của Bộ NNPTNT tại ĐBSCL, gạo 5% tấm hiện chỉ còn khoảng 330 USD/tấn, trong khi đó lượng gạo trong kho của doanh nghiệp còn nhiều.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, với việc trúng thầu bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, sẽ là bệ đỡ giúp “khơi thông” tiêu thụ lúa gạo nội địa và nâng giá bán trong nước. Các doanh nghiệp cũng hy vọng, với 2 hợp đồng này (bán cho Philippines và Indonesia), giá lúa gạo sẽ được trả về đúng giá trị thực của nó, nghĩa là mặt bằng giá trên thế giới thế nào nó sẽ hình thành đúng như vậy. Do đó, sẽ tránh bị các nước nhập khẩu ép giá và nó sẽ là tiền đề tốt cho tiêu thụ vụ lúa đông xuân 2015-2016 tới. Sau khi trúng thầu bán cho Indonesia, giá chào xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp ở ĐBSCL đã được nâng lên khoảng 10USD/tấn so với trước đó. Cụ thể, gạo 5% tấm hiện có giá 345-355USD/tấn và 330-340USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Không thiếu gạo cho xuất khẩu
Sau khi Việt Nam trúng thầu 1,5 triệu tấn gạo, đã có một số thông tin dẫn từ nguồn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, việc trúng thầu trên sẽ gây tác động đến nguồn cung nội địa, bởi dự trữ gạo của Việt Nam hiện chỉ còn 1,5 triệu tấn. Hôm qua (9.10), trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, vụ thu đông ở ĐBSCL năm nay được mùa, các tỉnh phía Bắc vụ hè thu và vụ mùa tuy có một số nơi bị sâu bệnh nhưng nhìn chung vẫn được mùa với sản lượng cao hơn năm ngoái. “Do đó, khi cân đối cung cầu trong nước, hiện vẫn còn khoảng 7,5- 7,8 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Vừa qua, nhờ ký được hợp đồng với đối tác Philippines và Indonesia, giá gạo ở khu vực ĐBSCL đã tăng lên từ 150 – 200 đồng/kg là những tín hiệu đáng mừng”- ông Định nói.
Ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, qua cân đối cung cầu, an ninh lương thực được đảm bảo và vẫn còn dư thừa một lượng gạo bằng hoặc cao hơn lượng gạo của năm 2014 dành cho xuất khẩu. “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành có liên qua tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để tiêu thụ gạo được giá cao cho nông dân” - ông Thừa nói.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù trúng thầu xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, song xét về giá trị, hiện giá gạo của Việt Nam hiện vẫn thua xa Thái Lan. Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Đúng là ngành gạo của chúng ta hiện nay đang gặp khó khăn, vì chất lượng gạo chưa tốt và thương hiệu gạo của Việt Nam chưa có. Bây giờ, chúng ta phải tập trung vào thương hiệu gạo, quy hoạch các vùng sản xuất gạo, nhất là gạo thơm, chất lượng, có thị trường và dứt khoát phải giảm dần sản xuất gạo thường, giá trị thấp”.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho rằng, không nhất nhất phải làm gạo bằng mọi giá, mà trên một đơn vị diện tích có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị cao hơn, nhưng cơ bản vẫn giữ được đất đó để sẵn sàng đảm bảo an ninh lương thực. Quan điểm bằng được giữ bằng được 3,8 triệu ha để trồng lúa cần phải linh hoạt hơn.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)