Chiếm gần 33% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, song tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn quá thấp.
Chết yểu vì nhiệt điện: Việt Nam đi trái chiều thế giới
- Cập nhật : 15/10/2015
(Tin kinh te)
Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
4.300 người Việt Nam chết yểu vì nhiệt điện than mỗi năm
Theo Quy hoạch phát triển ngành than và ngành điện (Quy hoạch điện VII) cho giai đoạn 2011-2020, có xét triển vọng đến 2030, nhiệt điện than chiếm 48% trong cơ cấu nguồn điện và 51,6% vào năm 2030.
Thế nhưng Hội thảo "Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết" được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện cho Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức hôm 29/9 vừa qua đã đưa ra một thống kê gây giật mình.
Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID, kết quả nghiên cứu “các tác động liên quan đến sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” tại Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Harvard lần đầu công bố cho rằng, mỗi năm có khoảng 4.300 người Việt chết yểu liên quan đến nhiệt điện than. Riêng năm 2010, trên toàn thế giới có 3,2 triệu người chết liên quan đến nhiệt điện than. Trong đó, Việt Nam có 31.000 người và riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 8.000 người. Dự báo, khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030. Nếu không cắt giảm, lượng khí thải được dự báo này có thể dẫn tới cái chết của hơn 25.000 người mỗi năm.
"Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển như hiện nay thì số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm về sức khỏe của người dân”, ông Sính cảnh báo.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiệt điện than gây hại cho sức khỏe con người là bởi việc phát triển các nhà máy này sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu Đại học Havard chỉ rõ, nhà máy nhiệt than phát thải ra SO2 và NOx hình thành các hạt vật chất (bụi PM) và ozone, gây hại cho sức khỏe con người, dẫn đến tử vong sớm. Các căn bệnh chủ yếu người Việt Nam thường mắc phải do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than gồm: đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, ung thư phổi, bệnh đường hô hấp, viêm đường hô hấp dưới và các bệnh đường tim mạch khác.
Ông Trần Đình Sính lo ngại, trong bước chuyển mình của năng lượng thế giới từ việc tập trung khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam đang có những bước đi trái chiều khi theo quy hoạch, nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030.
Quy định có, chỉ là muốn tuân thủ hay không
Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính thẳng thắn cho biết, theo quy định, tất cả các nhà máy nhiệt điện trước khi xây dựng đều phải có đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt, thế nhưng chủ đầu tư có tuân thủ hay không là chuyện khác. Và trên thực tế, ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện than, chủ đầu tư không tuân thủ quy định dẫn đến những hệ quả nguy hại về môi trường.
"Phương pháp xử lý tro bụi của các nhà máy nhiệt điện đều đã có, vấn đề là người ta có chịu làm hay không. Tôi lấy ví dụ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện có hiệu suất lọc bụi cao tới 99,9% thế nhưng giá thành của hệ thống này rất đắt đỏ.
Theo tính toán, một nhà máy nhiệt điện có mức đầu tư 1,5 tỷ USD thì bộ lọc bụi tĩnh điện đã chiếm khoảng 30% (450 triệu USD). Bởi thế, các nhà máy nhiệt điện chạy hệ thống này cũng nhiều nhưng vào ban đêm họ lại đóng lại, không lọc nữa mà để xả tro bụi ra ngoài không khí.
Ngay cả vấn đề tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, theo ông Sính, dù thế nào vẫn phải đưa ra bãi chứa. Theo quy định, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải lắp đặt hệ thống xử lý tro xỉ, nếu chủ đầu tư không làm thì phải bỏ tiền để địa phương xử lý, mà những chi phí đó sẽ tính vào giá điện, đẩy giá điện lên cao.
Do phải bỏ tiền nên chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện chưa làm, các bộ ngành cũng chưa làm. Mục tiêu của chủ đầu tư bao giờ cũng là thu được nhiều lợi nhuận với chi phí thấp nhất nên cắt được phần nào cứ cắt. Vấn đề chính là ở chỗ cơ quan quản lý đã nương nhẹ, không quyết liệt trong việc xử lý", ông Sính bày tỏ.
Một vấn đề khác liên quan đến nhiệt điện than khiến ông Trần Đình Sính trăn trở, đó là an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đặt trọng tâm quá lớn (hơn 1/2 cơ cấu nguồn điện) vào nhiệt điện đốt than.
Trong khi dự báo của giới chuyên gia đưa ra cho thấy, than nội địa phục vụ cho việc phát điện sẽ không thể đáp ứng đủ trong thời gian tới và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khối lượng than rất lớn (46,7 triệu tấn than năm 2020 và 2030 phải nhập 157 triệu tấn than mỗi năm).
Tuy nhiên việc nhập than với số lượng lớn theo hợp đồng dài hạn là một vấn đề không đơn giản, chưa kể tới sự phụ thuộc vào biến động giá trên thị trường quốc tế.
"Hệ thống năng lượng giống như mạch máu, nếu nhập hết của nước ngoài thì không an toàn. Hơn nữa, Việt Nam nhập than đâu có dễ. Việt Nam có thể nhập với giá cao nhưng về lâu dài sẽ không thể chịu nổi, lại không chủ động.
Nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã đẩy mạnh việc nhập khẩu than từ lâu bằng cách mua quyền khai thác mỏ ở Úc, Indonesia, rồi họ đưa nhân công, máy móc sang, tổ chức khai thác, làm đường vận chuyển chở than về nước. Những cái đó Việt Nam chưa có kinh nghiệm thì làm sao làm được!
Cứ thử tính, Việt Nam phải nhập 157 triệu tấn than/năm, trung bình mỗi ngày nửa triệu tấn, chúng ta có sà lan 100 tấn, vậy cần bao nhiêu sà lan? Giả sử có xung đột hay chiến tranh thì sao? Tóm lại, việc nhập khẩu của Việt Nam vô cùng khó khăn".
Phó giám đốc GreenID cũng chỉ ra rằng, lâu nay người ta cứ nghĩ làm nhiệt điện than là rẻ nhưng nếu tính cả ô nhiễm, số người chết... vào thì thực chất nó không còn rẻ nữa.
"Theo tính toán chưa đầy đủ của chúng tôi, nếu tính các chi phí vào, nếu làm nhiệt điện than, giá điện sẽ lên 10 cent/kWh, mà với giá này thì điện mặt trời có thể đánh bại ngay".
Bởi thế, ông Trần Đình Sính một lần nữa nhắc lại yêu cầu khẩn thiết rằng, phải giảm nhiệt điện than xuống mức thấp nhất có thể bằng cách nghiên cứu, đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời, điện sinh khối..., đồng thời sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Đến năm 2030, Quy hoạch điện VII cần cân nhắc giảm ít nhất 30.000MW nhiệt điện than trên cơ sở đầu tư vào sử dụng tiết kiệm và tính toán lại nhu cầu.
Thành Luân
Theo Báo Đất Việt