Tuy nhiên, NĐT Nhật vẫn khẳng định sẽ tiếp tục “nuôi” các kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Việt Nam
Việt Nam đang “nung chảy” 500 tấn vàng như thế nào?
- Cập nhật : 16/05/2016
(Tin kinh te)
500 tấn vàng được huy động ở khía cạnh khác, thay vì trực tiếp huy động như vay vốn dân.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa có văn bản với loạt đề xuất gửi lên Ngân hàng Nhà nước. Lập sở giao dịch vàng quốc gia, huy động vàng trong dân tiếp tục là nội dung đặt ra.
Trước đây, đề xuất thành lập sở giao dịch vàng quốc gia và huy động nguồn lực vàng trong dân từng nhiều lần được đặt ra. Và đây cũng là chủ trương mà Chính phủ từng lưu ý Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu.
Nay, với văn bản trên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, khai thác nguồn lực này lại được đặt ra, như một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế “khát vốn”.
Đã đến lúc cấp bách?
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.
“Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện”, văn bản của Hiệp hội đặt vấn đề.
Mặt khác, cũng theo Hiệp hội, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn.
Bởi vậy, văn bản trên nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay”.
Và để góp phần huy động vàng có hiệu quả, Hiệp hội cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm thành lập sở giao dịch vàng quốc gia. Bởi vì, thông qua sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.
Ngoài ra, sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui); giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, thông qua sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Vàng đang tự “nung chảy”
Như trên, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước không/chưa đề cập cụ thể đến đề xuất lập sở giao dịch vàng quốc gia, cũng như các hướng triển khai cụ thể để huy động nguồn lực vàng trong dân (với quy mô được cho vào khoảng 500 tấn nói trên).
Nhưng ở một hướng khác, như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng nêu quan điểm trước đây, nhà điều hành lựa chọn và tập trung ở giải pháp “nung chảy” vàng qua tăng cường quản lý và lập lại trật tự thị trường này.
Ở một góc nhìn nhất định, các chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã làm là nhằm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng trong mắt dân cư. Cụ thể như vàng không còn là tài sản được gửi ở ngân hàng để lấy lãi, cũng không còn là một loại vốn để kê các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng thương mại, không còn là nguồn vốn tín dụng trong cho vay…
Ở góc độ cơ quan quản lý, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước khi trao đổi với VnEconomy, lập luận rằng, thực tế nguồn lực vàng trong dân thời gian qua đã được “nung chảy”, người dân đã tăng bán ra cho thị trường chứ không chôn chặt như trước.
Cụ thể, từ trước năm 2014, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu từ 30-50 tấn vàng/năm. Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, nền kinh tế không phải nhập một tấn nào (ở kênh chính ngạch).
Trong khi đó, ước tính mỗi năm Việt Nam cần từ 10-15 tấn vàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ… Kênh nhu cầu này cũng không phải nhập khẩu như trước, mà thị trường tự cân đối được.
Cụ thể, theo vị lãnh đạo chuyên trách trên, Ngân hàng Nhà nước không phải cấp phép nhập khẩu, mà thị trường tự điều tiết bằng nguồn vàng bán ra từ dân cư. Nguồn được “nung chảy” này giúp thị trường tự chủ động được nguyên liệu, theo nhu cầu từ 10-15 tấn/năm nói trên.
Tuy nhiên, dù không phải nhập khẩu, nhưng hoạt động nhập lậu có đi ngược với nhìn nhận trên hay không?
Vị lãnh đạo chuyên trách trên lý giải rằng, có hai điểm cần chú ý khi đánh giá tình huống vàng nhập lậu vào Việt Nam.
Thứ nhất, chênh lệch giá vàng nguyên liệu thế giới so với giá vàng trong nước không lớn để kích thích nhập lậu. Thời gian qua, chênh lệch lớn từng có chỉ nằm ở loại vàng miếng SJC - loại không có để nhập lậu.
Thứ hai, với Nghị định 95, chế tài xử lý nhập lậu vàng đã rất quyết liệt, cho phép cơ quan chức năng tịch thu toàn bộ tang vật, nên rủi ro lớn đối với các đối tượng nhập lậu.
Theo Vneconomy