Mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố danh sách 5 công ty bảo hiểm nhân thọ và Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2016.
Khi vốn Nhật bớt “mặn mà”
- Cập nhật : 18/05/2016
(Tin kinh te)
Tuy nhiên, NĐT Nhật vẫn khẳng định sẽ tiếp tục “nuôi” các kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Việt Nam
Cùng thời điểm này năm ngoái, câu chuyện vốn FDI Nhật Bản đang rời Việt Nam đã được đề cập tới khi số vốn đầu tư từ quốc gia này bắt đầu có xu hướng sụt giảm mạnh. Tuy nhiên điều này sau đó đã được trấn an, rằng đó chỉ là biểu hiện nhất thời và NĐT Nhật Bản vẫn rất kỳ vọng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nay sau 1 năm nhìn lại, dòng vốn Nhật Bản vẫn đang duy trì xu hướng giảm dần đều. Điều này không khỏi đặt ra lo ngại về việc môi trường đầu tư Việt Nam dường như đang kém hấp dẫn NĐT Nhật.
Sự sụt giảm lặng lẽ
Nguồn vốn từ Nhật vẫn thường được các cơ quan quản lý của Việt Nam đặt kỳ vọng vì đây luôn là NĐT nghiêm túc trong việc thực thi chính sách, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định về môi trường và công nghệ. Trong suốt thời gian dài trước năm 2013, Nhật Bản vẫn luôn dẫn đầu trong số các NĐT FDI vào Việt Nam.
Song trong 3 năm trở lại đây, con số này ngày càng sụt giảm, khiến Nhật Bản dần tụt hạng trong bảng xếp hạng các quốc gia rót vốn mạnh nhất. Năm 2014, Nhật Bản chỉ còn xếp ở vị trí thứ 4 trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký giảm khoảng 61% so với năm trước đó, còn gần 2,3 tỷ USD.
Năm 2015, xu hướng giảm của dòng vốn FDI Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì với số vốn đăng ký mới và tăng thêm chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD, giảm khoảng 22% so với năm trước, xếp ở vị trí thứ 3 sau Hàn Quốc và quốc gia ít nổi trong thu hút FDI là Malaysia. Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong số các quốc gia có vốn FDI tại Việt Nam, với 307 triệu USD vốn cấp mới và tăng thêm, chiếm 6%.
Với sự sụt giảm mạnh này, luỹ kế sau gần 30 năm thu hút FDI, Nhật Bản đã nhường vị trí quán quân sau nhiều năm cho Hàn Quốc vào năm 2015. Cùng với đó, quy mô trung bình của một dự án FDI Nhật Bản cũng giảm dần đều. Năm 2014, quy mô vốn bình quân dự án FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là 14,8 triệu USD/dự án, thì tới năm 2015 con số này giảm xuống còn 13,3 triệu USD. Và chỉ sau 4 tháng đầu năm nay, quy mô vốn bình quân của một dự án đến từ Nhật chỉ còn 12,8 triệu USD, thấp hơn 1 triệu USD so với quy mô trung bình một dự án FDI tại Việt Nam.
Nhưng vẫn nuôi hy vọng
Chính ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đã từng thừa nhận, môi trường đầu tư Việt Nam dường như đang xấu đi trong mắt NĐT Nhật Bản. Trao đổi tại buổi công bố báo cáo thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong năm 2015, ông cho biết khi JETRO tiến hành khảo sát, kết quả được kỳ vọng là sẽ khả quan hơn năm 2014.
Tuy nhiên, “chúng tôi đã khá sốc khi kết quả không như mong muốn. Tôi có cảm giác NĐT cảm nhận môi trường kinh doanh quay trở lại trạng thái của năm 2013, có nghĩa là tồi hơn so với trước đây”, ông thẳng thắn nói.
Ông Atsusuke Kawada lý giải, một trong những nguyên nhân khiến NĐT Nhật Bản đánh giá tiêu cực hơn về môi trường đầu tư Việt Nam là do sự thay đổi quá nhanh của hệ thống pháp luật. Đơn cử như năm vừa qua là quy định cấm nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, quy định tính tiền làm thêm ngoài giờ… khiến các DN rất lúng túng, khó khăn khi thực hiện.
Bên cạnh đó, 2 rủi ro khác là thủ tục hành chính và thuế phức tạp cũng khiến kết quả xấu hơn so với năm trước. Ngoài ra, chi phí sản xuất chưa được cải thiện nhiều cũng là rào cản lớn. Hiện nay cơ cấu chi phí sản xuất của DN Nhật là 2:6:2, tương ứng chi phí nhân công: chi phí nguyên phụ liệu: chi phí khác. Trong khi chi phí nhân công sẽ tiếp tục tăng cùng với việc tăng lương tối thiểu trong năm nay và có thể là các năm tới, thì chi phí nguyên phụ liệu chưa được cải thiện vì tỷ lệ nội địa hoá không tăng, DN vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước khác.
Trong bối cảnh đó, lợi ích mà DN Nhật Bản thu được từ hội nhập lại chưa thực sự rõ ràng. Ông Atsusuke Kawada cho biết, trước mắt DN Nhật Bản kỳ vọng thị phần xuất khẩu sang ASEAN sẽ gia tăng với sự hình thành AEC, tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thị trường trong khối này. Tuy nhiên, kết quả thực tế cũng không được như mong muốn. Trong năm vừa qua, thị phần xuất khẩu sang ASEAN đã giảm hơn so với năm trước, nhưng nhờ có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gia tăng đã bù vào phần giảm này.
Mặc dù vậy, xét về lâu dài thì khi được hỏi, NĐT Nhật khẳng định sẽ tiếp tục “nuôi” các kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng là theo một chuyên gia về FDI, đầu tư của Nhật giảm do dự án lớn ít đi khiến kim ngạch đầu tư giảm, nhưng nếu nhìn vào số dự án đầu tư thì năm 2015 vẫn có sự gia tăng nhẹ.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, sự chững lại của vốn Nhật không đáng lo ngại. Vì vị trí thứ 4 không phải là thấp, cũng đã có một số năm Nhật Bản chỉ đứng vị trí này, nhưng đầu tư của Nhật Bản luôn dẫn đầu về vốn thực hiện. Ông cho rằng, dù các DN Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại, nhưng họ vẫn đánh giá có nhiều yếu tố khả quan về lợi nhuận lâu dài, nên vẫn muốn mở rộng đầu tư với hy vọng vào sự tăng trưởng của thị trường.
Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)