Việt Nam trong các chuỗi giá trị ở Mỹ còn thấp và chưa vững chắc bởi cơ cấu hàng hóa chỉ dừng lại ở mức thô. Ngoài ra, những doanh nghiệp thành công lớn nhất trong chuỗi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và tham gia vào chuỗi giá trị tốt nhất chủ yếu là các doanh nghiệp FDI.
Người Thái đang xây xa lộ cho hàng hóa Thái tràn vào Việt Nam
- Cập nhật : 07/05/2016
(Tin kinh te)
Để chống lại sự xâm lấn của hàng Thái, DN Việt không còn cách nào khác phải cải cách toàn diện để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời phải liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Những bước chân Thái tiến sâu vào thị trường Việt
Một sự kiện rất đang chú ý trong mấy ngày nghỉ lễ vừa qua là việc Central Group - một tập đoàn của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD. Với thương vụ này, Central Group đã chính thức sở hữu chuỗi Big C ở Việt Nam với 33 siêu thị cùng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.
Theo giới chuyên môn, thương vụ thâu tóm này là để đón đầu việc Việt Nam sắp tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do quan trọng như TPP, EVFTA... kéo theo đó là các cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng mở rộng.
Song không phải đợi đến tận bây giờ người Thái mới quan tâm đến thị trường bán lẻ với 90 triệu dân của Việt Nam. Còn nhớ, trước đó, chính Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim thông qua Power Buy, hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan.
Hay như, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBevquan của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC).
Không dừng lại ở những hệ thống trên, giữa 2014, công ty này công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam.
Đây được xem là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD.
Với thương vụ này, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
Theo một thống kê, trước khi thâu tóm Big C, người Thái đã sở hữu 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất, chiếm 70% thị trường bán lẻ trong siêu thị Việt Nam, gồm: Robins (TCC), Nguyễn Kim (Power Buy - đơn vị thuộc TCC), Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - Berli Jucker (BJC) - đơn vị thuộc Tập đoàn ThaiBev), Metro Cash & Carry Việt Nam (TCC).
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian đầu, người tiêu dùng Việt sẽ hưởng lợi, nhưng bản thân nền kinh tế, DN Việt sẽ rất khó khăn và vất vả trong cuộc đua mới với các đại gia ngoại này. Trong khi về lâu dài, không ai có thể đảm bảo việc người Thái sử dụng các hệ thống bán lẻ này làm "bệ phóng" để đưa hàng Thái đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt "chết tới ngang vai"
Thái Lan đã thâm nhập thị trường Việt Nam rất lâu. Thị trường Thái Lan đã bão hòa với 65% là siêu thị, trong khi đó khoảng cách giữa Việt Nam, Thái Lan rất gần, hàng hóa Thái Lan đã quen thuộc với thị trường Việt Nam, dù giá cao hơn một chút nhưng chất lượng thì tốt hơn nhiều.
Trong mọi gia đình Việt Nam, gia đình nào cũng đã và đang sử dụng các sản phẩm của Thái Lan, từ nước rửa chén, rổ chậu nhựa, mỹ phẩm, thức ăn nhanh, dụng cụ nhà bếp... Hàng Thái Lan vào Việt Nam bằng rất nhiều con đường, từ các cửa hàng, siêu thị, các hội chợ được tổ chức hàng năm tại các tỉnh, qua con đường du lịch...
Ý đồ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam của Thái Lan là rất rõ ràng. Để kênh phân phối vào tay người Thái, đó là một nguy cơ lớn cho thị trường hàng Việt, bởi hàng Thái có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt.
Khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực vào năm 2017 sẽ làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: “Hàng loạt DN bán lẻ ngoại bán mình cho chủ Thái, trong đó đa phần là các DN bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam, đây là chuyện bình thường trong đầu tư, kinh doanh của những nền kinh tế phát triển sau, nhưng sẽ là bất thường trong cạnh tranh, thị trường cho các nước này…”.
Ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo: "50% thị phần bán lẻ rơi cả vào tay người Thái, thị trường bán lẻ nội địa đã "chết tới ngang vai'". Ông Phú cũng chia sẻ: Tôi đã nói tới nhiều lần, khi người Thái sẽ chiếm thị phần 50% thì đừng coi thường. Cả người sản xuất và tiêu dùng trong nước sẽ trở thành người làm thuê, gia công trên chính tiềm năng, tài nguyên của đất nước mình để họ canh tác.
Đúng là ý đồ của người Thái không chỉ dừng tại đó. Bên cạnh việc chính thức sở hữu các hệ thống siêu thị, bán lẻ, các nhà đầu tư Thái không chỉ khai thác khâu phân phối mà sẽ lấn sân vào cả khâu sản xuất...
Sự xâm lấn của các công ty Thái đang là một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp Việt. Để chống lại sự xâm lấn của hàng Thái, DN Việt không còn cách nào khác phải cải cách toàn diện để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời phải liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm.Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý.
Hoàng Phương
(Thời báo Ngân hàng)