Vàng miếng SJC một chữ và hai chữ đều có chất lượng như nhau, được lưu thông bình thường, không có sự phân biệt. Hoạt động sản xuất vàng miếng là độc quyền của Nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp…
Vì sao con nợ có cửa chây ì?
- Cập nhật : 24/08/2015
(Kinh te)
Theo lãnh đạo các NH, thời điểm này, xử lý tài sản đảm bảo phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiện chí của bên thế chấp.
Khóc cười thu hồi tài sản
Lãnh đạo một NH than thở: Có lẽ chưa một nước nào mà NH “đứng cho vay, quỳ thu nợ, thậm chí quỳ thu nợ cũng không xong”. Đó là thực tế đang diễn ra trong hoạt động tín dụng của Việt Nam. Bên cạnh những khách hàng chủ động trả nợ thì có không ít khách hàng cố tình chây ì không chịu trả nợ và tìm mọi cách để làm sao NH không thể xử lý được tài sản đảm bảo (TSĐB).
Lấy ví dụ cụ thể, giám đốc một chi nhánh NH chia sẻ, có trường hợp ở Hải Dương, người vay tiền thế chấp bằng xe, khi không còn tiền họ mang xe đi đốt vì họ coi đấy không phải là tài sản của họ mà đó là tài sản của NH. Hay như một DN tại An Giang, mặc dù còn nợ NH một khoản tương đối lớn nhưng vẫn đi xe sang, trụ sở đẹp nhất thành phố.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng lý giải lý do NH “bó tay” là bởi: theo quy định, sau khi xử lý xong tài sản thế chấp nếu khách hàng chưa trả hết, NH có thể kê biên các tài sản khác để xử lý. Tuy nhiên, NH không có nhiều cơ hội để thực hiện điều này, bởi khách hàng… lẩn như chạch.
Đó là chưa kể con nợ đã vận dụng tới các mối quan hệ để nhờ hỗ trợ làm sao không thi hành án được. Trì hoãn, lẩn trốn… là cách thức phổ biến nhất của con nợ trong thời điểm hiện nay để trốn tránh trách nhiệm trả nợ NH. Đây là một thực trạng đáng buồn nhưng lại đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam.
Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội Phạm Thị Hằng cho biết, chỉ gặp khó khăn một chút là khách hàng nghĩ ngay đến chuyện không trả nợ NH. Đó là thực tế vô cùng khó khăn đối với TCTD trong giai đoạn hiện nay. Chưa kể, đến khâu xử lý TSĐB thì vô cùng nan giải dù NH luôn thực hiện đầy đủ thủ tục từ lúc bắt đầu hợp đồng tín dụng.
Theo lãnh đạo các NH, thời điểm này, xử lý TSĐB phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiện chí của bên thế chấp. Nếu họ thiện chí thì câu chuyện xử lý TSĐB mới được triển khai nhanh chóng. Còn nếu không xong thì NH mới buộc phải dùng các biện pháp thu giữ tài sản. Nhưng để tịch thu được TSĐB phải trải qua không ít “khổ ải” pháp lý. Hậu quả là thời hạn để xử lý một khoản nợ phải tính bằng nhiều năm, gấp hàng chục lần thời hạn luật định. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng nợ xấu tích tụ chồng chất qua nhiều năm.
“Xử lý nợ xấu đang… tắc mà nút thắt lại nằm chính ở khâu xử lý TSĐB”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.
Vì sao NH bất lực với con nợ chây ì?
Vì sao các TCTD và hệ thống pháp luật hiện tại đang bất lực với việc chây ì trả nợ của con nợ. Có phải do luật pháp Việt Nam quá lỏng lẻo? Trả lời vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật của nước ta nhiều vào bậc nhất thế giới. Nhưng chỉ cần một vài điểm mấu chốt không hợp lý là tình thế có thể bị đảo ngược, dẫn đến những ứng xử ngược lại hoàn toàn.
Ông Đức lấy dẫn chứng cụ thể: theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã được giải thích và thể hiện rõ trong Nghị định hướng dẫn thực hiện: chỉ có giao dịch thế chấp, không còn giao dịch bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất như Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Đất đai năm 2003.
Tuy nhiên, hệ thống Tòa án đang hiểu sai một cách trầm trọng rằng, quyền sử dụng đất của người thứ 3 đưa vào thế chấp cho các khoản tín dụng vẫn được gọi là bảo lãnh. Vì vậy, Tòa đã tuyên bố một số hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ 3 là vô hiệu và kiên quyết bảo vệ quan điểm này.
Thậm chí, một số Tòa đã xổ toẹt hợp đồng thế chấp ký 3 bên giữa NH với bên vay và bên thế chấp. Nếu như người đại diện bên vay vốn là DN, đồng thời là chủ sở hữu tài sản thế chấp, Tòa cho rằng họ dùng tài sản cá nhân để bảo đảm nghĩa vụ cho DN do mình đại diện để vay vốn là trái pháp luật. Do đó, Tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Như vậy chỉ căn cứ vào bề mặt câu chữ giản đơn, họ đã hiểu ngược tinh thần của điều luật, trái hẳn với bản chất của vấn đề.
“Chính hệ thống pháp luật lộ cộ, không hợp lý, không bảo vệ chủ sở hữu, người có quyền mà nghiêng về bảo vệ người chiếm dụng tài sản, người có nghĩa vụ đã dẫn đến tình trạng khuyến khích con nợ chây ì, thậm chí càng chây ì càng có lợi”, luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
Vậy, giải pháp nào để xử lý mạnh tay đối với các con nợ trên để tăng tính nghiêm minh của luật pháp cũng như hỗ trợ hệ thống NH trong quá trình xử lý nợ xấu? Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia NH cho rằng, cần thay đổi tư duy, thay vì bảo vệ các con nợ thì cần phải bảo vệ chủ nợ. Điều này sẽ phải được cụ thể hóa trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, xử lý hệ quả pháp lý.
Nếu tiếp tục bảo vệ con nợ như hiện nay, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN Đoàn Thái Sơn, không chỉ ảnh hưởng đến NH mà đến cả nền kinh tế. Vì nếu DN còn nợ xấu thì các NH sẽ không dám cho vay. Như vậy, DN khó tiếp cận vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó chắc chắn sẽ tác động đến phát triển kinh tế.
Trước mắt, theo Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội Hoàng Việt Trung, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan nhất là Tòa án, Bộ Tư pháp…
Ông Trung đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp địa phương, đặc biệt là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã… sớm giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến hoạt động NH, tín dụng phù hợp với quy định về thủ tục tố tụng và quy định có liên quan khác sau khi thụ lý vụ án.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cần giao hoặc gửi cho NH bản gốc có đóng dấu “án có hiệu lực thi hành” để kịp thời thi hành án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án phúc thẩm).
Về phía Bộ Tư pháp, cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về thế chấp và giải quyết tranh chấp về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...
(Theo CafeF)