tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giảng viên “mách nước” trúng tuyển vào ngân hàng “không tốn một xu”

  • Cập nhật : 25/01/2016

(Tai chinh)

Theo NCS. Châu Đình Linh, vào làm việc trong ngân hàng thời nay không phải để “ngồi mát ăn bát vàng” mà phải nỗ lực thúc đẩy bán hàng và tạo dựng quan hệ với khách hàng.

Sau một loạt các bài viết về tuyển dụng nhân sự ngân hàng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả là các chuyên gia, giảng viên trường Đại học chuyên ngành và cả các cán bộ tuyển dụng nhân sự trực tiếp. Dưới đây là góc nhìn về việc tuyển dụng của giảng viên, Nghiên cứu sinh Châu Đình Linh đến từ Trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh.

Phần lớn các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ - nơi đáp ứng nhiều nhất các nhu cầu tài chính, ngân hàng của một cá nhân. Chính vì vậy, tư duy chiến lược cũng bắt đầu thay đổi, cụ thể, các nhà quản trị phải liên tục đặt câu hỏi: làm sao để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng? Làm sao vượt qua đối thủ cạnh tranh ở thị phần ngân hàng bán lẻ? Hay làm sao để đạt hiệu quả kinh doanh?...

Và theo đó, có một câu hỏi quan trọng không kém, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh doanh ngân hàng là “làm sao thu hút và giữ được nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng tốt?”.

Về bản chất, việc tuyển dụng nhân sự của ngân hàng với các ứng viên là mối quan hệ “mua và bán”. Lúc này, các ngân hàng có nhu cầu tìm kiếm nhân sự phù hợp cho những vị trí công việc. Và ứng viên phải biết biến mình thành những sản phẩm – dịch vụ, mà chính mình là người đi bán sản phẩm – dịch vụ đó. Nên nhớ, sản phẩm – dịch vụ có chất lượng mới quyết định tất cả, và đồng thời nó phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Vào ngân hàng, chuyện dễ ợt

Các ngân hàng thương mại ngày nay đều có tôn chỉ hoạt động “khách hàng là trên hết”. Do đó, họ luôn tập trung xây dựng cơ cấu nhân sự theo hình kim tự tháp ngược, nghĩa là, từ vị trí quản trị cấp cao cho đến đội ngũ chuyên viên đều thúc đẩy bán hàng sao cho đạt hiệu suất cao nhất.

Và quan trọng hơn cả, trong mô hình kim tự tháp ngược về nhân sự là yếu tố các chuyên viên. Họ là những người trực tiếp giao dịch, chuyển tải các sản phẩm – dịch vụ, nâng cao hình ảnh thương hiệu ngân hàng…với khách hàng. Họ là mấu chốt quyết định sự hài lòng và tạo dựng quan hệ bền vững giữa khách hàng với ngân hàng. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên viên hiện nay có sự biến động rất lớn, bởi tỷ lệ nghỉ việc biểu hiện ở con số không hề nhỏ. Chính vì vậy, đội ngũ chuyên viên tiếp xúc khách hàng trở thành nhu cầu cấp thiết của nhiều ngân hàng bán lẻ.

Chuyện ứng tuyển vào ngân hàng chẳng hề khó khăn bởi không phải vào để “ngồi mát ăn bát vàng” mà phải nỗ lực thúc đẩy bán hàng và tạo dựng quan hệ với khách hàng. Tất cả quyết định ở yếu tố cung – cầu nhân sự, chứ không còn cơ chế “xin – cho, chạy chọt” như hình ảnh ngân hàng lúc trước. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng sẽ ngày càng thường xuyên cho những vị trí chuyên viên và các nhà quản trị cấp cơ sở. Vì thế, cánh cửa cơ hội việc làm ngân hàng sẽ ngày càng mở rộng cho nhiều ứng viên.

hinh: vai tro khach hang la tren het va co che thuc day ban hang cua ngan hang ban le

Hình: Vai trò khách hàng là trên hết và cơ chế thúc đẩy bán hàng của ngân hàng bán lẻ

Tất cả phụ thuộc ở ứng viên

Tất cả các ứng viên đều có cơ hội việc làm ở nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Nếu ứng viên đó biết trang bị những điều kiện cần và đủ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng. Và chắc chắn một điều, các ứng viên phải hiểu rõ mô tả công việc cho vị trí mình ứng tuyển vào ngân hàng.

Điều kiện cần của ứng viên

Điều gì sẽ khiến các nhà tuyển dụng ngân hàng quan tâm đến ứng viên đầu tiên? Câu trả lời rất dễ cho những ứng viên biết điều kiện cần của nhà tuyển dụng ngân hàng. Cụ thể, trên hai trục: trục tung biểu thị cho thái độ của ứng viên (nhiệt tình, năng động, cầu thị, yêu thích công việc, định hướng tương lai…), trục hoành là mức độ đánh giá về chuyên môn (nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành…).

Nếu ứng viên rơi ở ô 1 (thái độ tốt, chuyên môn chưa vững vàng), thông thường là những sinh viên vừa mới ra trường, thì ngân hàng luôn đặc biệt chú trọng. Bởi chuyên môn, nghiệp vụ sẽ được ngân hàng tiến hành đào tạo tập trung trước khi bắt tay vào công việc. Và chính thái độ cầu thị, năng động, mục tiêu rõ ràng…sẽ làm gia tăng hiệu suất công việc của ứng viên sau này.

Nếu ứng viên rơi vào ô 3 (chuyên môn kém, thái độ tồi) thì kết quả rất rõ ràng, chẳng nhà tuyển dụng nào quan tâm. Còn ứng viên rơi vào ô 4 (chuyên môn vững vàng, thái độ làm việc thấp), thường là những ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc ở những ngân hàng khác. Với trường hợp này, ngân hàng rất chào đón vì đáp ứng chuyên môn khá tốt, nhưng cũng rất dè chừng ở định hướng lâu dài trong công việc.

Nếu ứng viên ở ô số 2 thì bạn là một trong số ít mà nhà tuyển dụng không hề đắn đo khi đưa ra quyết định tuyển dụng. Ngoài ra, nếu bạn là chuyên viên có thời gian làm việc trong một ngân hàng, thì những vị trí cao hơn sẽ không ai khác ngoài bạn.

Điều kiện đủ của ứng viên

Để chinh phục hoàn toàn nhà tuyển dụng ngân hàng thì đòi hỏi các ứng viên phải có điều kiện đủ. Điều kiện đủ thể hiện ở ba khía cạnh: hiểu rõ bản thân, hiểu rõ vị trí công việc, và hiểu rõ ngân hàng.

Hiểu rõ bản thân sẽ bao gồm cả hình thức và nội dung. Các ứng viên phải thể hiện sự chuyên nghiệp thông qua hình thức của chính mình như: cách ăn mặc phù hợp, hiện đại; phong cách giao tiếp đĩnh đạc; sức khỏe tốt; và chú ý hơn đến ngoại hình.

Còn nội dung bao gồm: trang bị kiến thức chuyên ngành (hoặc chuyên ngành gần) vững vàng; trau dồi những kỹ năng mềm về ăn nói, lắng nghe, ánh mắt, gọi điện thoại, gặp gỡ khách hàng…; luôn tập trung hết sức cho công việc; và phải suy nghĩ tích cực…

Hiểu rõ vị trí công việc ứng tuyển. Tùy vào nguồn lực của chính mình, các ứng viên nên đối chiếu với mô tả công việc chi tiết do chính nhà tuyển dụng ngân hàng đưa ra nhằm đánh giá tính phù hợp. Và đừng lựa chọn vị trí công việc theo trào lưu đám đông.

Hiểu rõ ngân hàng. Các ứng viên phải hiểu rõ ngân hàng đang ứng tuyển, việc này không những giúp bạn thuyết phục dễ dàng nhà tuyển dụng, mà còn chuyển tải tốt nhất các giá trị của ngân hàng đến với khách hàng. Việc hiểu rõ ngân hàng ở khía cạnh như: quá trình thành lập, đội ngũ lãnh đạo, chiến lược kinh doanh ngân hàng, mục tiêu của ngân hàng, sản phẩm – dịch vụ chủ đạo của ngân hàng, khách hàng mục tiêu…

Tóm lại, cơ hội việc làm trong ngân hàng đã và đang chia đều cho tất cả ứng viên. Nếu các ứng viên biết biến mình thành một sản phẩm – dịch vụ trên thị trường lao động, và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu tuyển dụng cho từng chức danh của ngân hàng. Hơn hết, sản phẩm – dịch vụ có chất lượng mới được khách hàng (nhà tuyển dụng ngân hàng) tin dùng.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục