Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, một số ngân hàng từ chối cho người mua nhà dùng tài sản hình thành trong tương lai làm căn hộ thế chấp là do hiểu không đúng, hiện nay khách hàng vẫn được vay mua nhà bình thường. Tweet
Thưởng Tết của cổ đông ngân hàng ở đâu?
- Cập nhật : 21/01/2016
(Tai chinh)
Năm nay, thông tin thưởng Tết tại các ngân hàng có phần khởi sắc hơn mọi năm, người lao động vẫn hy vọng sẽ có một cái Tết ấm no hơn. Song với cổ đông của nhiều ngân hàng vẫn là nỗi niềm bùi ngùi về số tiền đầu tư không sinh lời, thậm chí mất trắng.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, thị trường lại xôn xao thông tin thưởng Tết, có nơi trầm trồ với mức thưởng cao chót vót, có nơi lại ngậm ngùi với những đồng thưởng ít ỏi.
Song bên cạnh niềm vui của những người lao động tận hưởng thành quả của mình thì đâu đó là tiếng thở dài của những vị cổ đông, trăn trở không thôi về cổ tức, về lợi nhuận từ các khoản đầu tư, gắn bó bấy lâu với ngân hàng nay càng lúc càng sa sút trầm trọng.
Thực tế, vào mùa ĐHCĐ năm qua, có đến quá nửa các ngân hàng không chi một xu cổ tức cho cổ đông. Lý do chung các ngân hàng “xin khất” cổ tức là do tình hình kinh doanh đi xuống, do trích lập dự phòng rủi ro cao ăn mòn lợi nhuận, hoặc ngân hàng muốn giữ lại làm “của để dành” phục vụ kế hoạch đường dài.
Trong khi đó, nhìn sang thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát, họ vẫn nhận tiền tỷ mỗi năm. Nay có thêm thông tin thưởng Tết của hàng loạt ngân hàng cho nhân viên khiến nhiều vị cổ đông không khỏi chạnh lòng.
Cho đến thời điểm hiện tại, theo thông tin chúng tôi cập nhật được về thưởng Tết âm lịch, Vietcombank đang là nhà băng thưởng đậm nhất khi thưởng nhân viên tới 5 tháng lương, tương đương bình quân khoảng 90 triệu đồng/người. Các ngân hàng lớn như VietinBank hay MB có kế hoạch thưởng ít nhất 2 tháng lương, những ngân hàng khác phổ biến cũng 1-2 tháng.
Bên cạnh các ngân hàng tự tin khoe lãi, khoe thưởng Tết thì một số lãnh đạo nhà băng khác có chính sách thưởng nhưng kèm theo "lệnh" cho nhân viên tuyệt đối không tiết lộ thông tin thưởng Tết ra bên ngoài.
Về phía cổ đông, những người góp tiền để tạo nên ngân hàng, có lẽ xót xa nhất là toàn bộ cổ đông của 3 ngân hàng 0 đồng khi họ mất trắng khoản tiền đầu tư vì ngân hàng làm ăn kém hiệu quả. Bác Mai Thanh, cổ đông của một "ngân hàng 0 đồng" chia sẻ rằng: “Tôi đã từng chắt chiu từng đồng lương đầu tư vào đấy với bao nhiêu kỳ vọng cho tuổi già, nhưng không ngờ lại mất sạch, xót xa lắm”.
Ở nhiều nhà băng khác, hoạt động đang khởi sắc hơn và có thông tin về lương cao, thưởng tốt cho nhân viên đã giúp niềm tin vào hệ thống ngân hàng trở nên sáng sủa hơn. Chỉ có điều, cổ đông của họ vẫn phải ngậm ngùi bởi bỏ tiền đầu tư mà không nhận được một đồng cổ tức nào. Băn khoăn vì số tiền bỏ ra lớn, nếu gửi ngân hàng rẻ cũng được 5 - 7%/năm, nhưng để ngân hàng thì tiền không sinh ra tiền, song như vậy vẫn còn hơn rút ra thời điểm này vì giá cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay.
Tại ĐHCĐ bất thường của một ngân hàng cổ phần lớn mới đây, cổ đông đã không tiếc lời mắng xối xả lãnh đạo, yêu cầu lãnh đạo nhà băng này phải từ chức khi thù lao vẫn nhận đủ mà lợi nhuận, cổ tức và giá cổ phiếu liên tục đi xuống. Được biết, dịp Tết năm nay ngân hàng này cũng thưởng Tết khá lớn cho nhân viên, tới 3-4 tháng lương song vì sợ cổ đông sẽ phản đối dữ dội dịp Đại hội năm sau nên ngân hàng không công bố thông tin ra bên ngoài.
Vấn đề lương, thưởng và cổ tức vẫn luôn là câu chuyện không có hồi kết. Nhưng những băn khoăn của giới cổ đông nói chung là, vì sao các nhà quản lý chỉ "siết" mỗi cổ tức, còn thù lao của các sếp ngân hàng và lương nhân viên lại không qua "chốt chặn" nào cả. Đồng tiền nào cũng là đồng tiền, vậy nên, theo lời một cổ đông, người làm ngân hàng có thù lao cao và thưởng Tết lớn, thì cổ đông cũng cần có thưởng là cổ tức. Vì thế NHNN cần ra những chính sách chặt chẽ hơn nữa quy định về lương, thưởng của nhà băng để làm sao thúc đẩy hoạt động của họ tốt lên, có lãi thực sự mang về cho ngân hàng, cũng là để nâng cao giá trị cổ phiếu, đảm bảo giá trị cho đồng tiền cổ đông gửi gắm vào ngân hàng.