Ở biểu hiện điển hình này, kỳ vọng tỷ giá tăng trong ngắn hạn đã bị xóa bỏ một cách hoàn toàn...
Ngân hàng thưởng Tết: Nhiều khoản còn to hơn Tết
- Cập nhật : 22/01/2016
(Tai chinh)
Tại nhiều ngân hàng, khoản thưởng lớn nhất trong năm không rơi vào dịp Tết mà là dịp 30/4-1/5, do đó, thời điểm “ngóng thưởng” chưa hẳn đã vào giai đoạn giáp Tết này. Do tính theo hiệu quả lao động, nên trong khi có người chờ trăm triệu thì cũng có kẻ lo không có gì.
Nhiều ngân hàng thưởng Tết 2 tháng lương
Tại thời điểm này (22/1/2016 – tức ngày 13 tháng Chạp năm Ất Mùi), chỉ còn hơn nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán, tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng thương mại vẫn chưa giải ngân tiền thưởng Tết cho nhân viên.
Những thông tin ban đầu về việc thưởng Tết Âm lịch đang được giới nhân viên làm trong ngành ngân hàng chuyền tai nhau, hoặc mới chỉ rò rỉ qua một số phát ngôn của các lãnh đạo ngân hàng, chứ chưa công bố cụ thể vì “tiền thưởng vẫn chưa chảy về tài khoản”.
Với việc áp dụng KPI, với những nhân viên hoạt động hiệu quả trong năm, mức thưởng Tết có thể tới hàng trăm triệu đồng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng Vietcombank, dự kiến ngân hàng này sẽ chi thưởng Tết cho nhân viên 5 tháng lương.
Sau thông tin này, có một số đồn đoán cho rằng, với mức thu nhập bình quân là 18,5 triệu đồng (năm 2014) thì thưởng Tết của nhân viên Vietcombank trong năm nay sẽ lên tới 90 triệu đồng. Thông tin này gây xôn xao các mạng xã hội trong những ngày gần đây và khiến nhiều cán bộ, nhân viên Vietcombank không khỏi bất ngờ.
Anh Mạnh Hải (nhân viên ngân hàng Vietcombank) cho biết, đây là tính theo mức lương cơ bản. Do đó, nếu lấy thu nhập bình quân nhân với 5 tháng để ra tiền thưởng tết cho nhân viên là không chính xác.
“Mức lương 18,5 triệu đồng chỉ đúng với những cán bộ có chức vụ mà thôi. Thưởng Tết các vị trí này có thể lên đến 100 triệu, nhưng nhân viên bình thường thì sẽ không thể được mức này” – anh Hải bình luận, đồng thời thêm rằng, thu nhập có thể cao hơn nhiều so với mức lương cơ bản.
Một nhân viên chi nhánh cũng tại Vietcombank giải thích, lương cơ bản của nhân viên trong toàn ngân hàng khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: hệ số nhà nước, thâm niên làm việc và vị trí công việc, địa bàn hoạt động… Thông thường, mức lương dành cho người mới tại Vietcombank khoảng 7,5-8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, tính ra, Tết này nhân viên Vietcombank nhận được khoảng 40 triệu đồng tiền thưởng. Mức thưởng Tết 5 tháng lương được áp dụng chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tùy vào năng suất làm việc, mức độ cống hiến cho ngân hàng, nhân viên Vietcombank còn nhận được khoản thưởng theo mức độ hoàn thành công việc; chi nhánh xuất sắc hoặc đạt hiệu quả tốt. Đây là khoản thưởng nằm ngoài quỹ lương và chủ yếu áp dụng với các sở giao dịch, chi nhánh…
Theo khảo sát ban đầu của PV Dân trí tại các ngân hàng thương mại thì Vietcombank vẫn đang là ngân hàng “bạo chi” nhất cho thưởng Tết nhân viên với 5 tháng lương cơ bản. Trong khi đó, những ngân hàng khác như MB, Agribank, SHB, HDBank, VIB…mức thưởng Tết phổ biến khoảng 2 – 2,5 tháng lương cơ bản.
Nếu các năm trước, nhân viên Agribank có lúc được thưởng tới 13 tháng lương thì năm 2015 có những chi nhánh thậm chí bị giảm lương đến 50%. Một số nhân viên tại ngân hàng này đang thấp thỏm khoản thưởng Tết (dự kiến không quá 2 tháng lương) và không biết có thể truy lĩnh lại khoản lương đã bị giảm trong năm hay không.
Do việc chi thưởng thường thực hiện vào sát Tết nên nhân viên tại phần lớn ngân hàng vẫn đang trong trạng thái chờ đợi, chưa biết cụ thể mức thưởng cho năm nay sẽ đạt bao nhiêu.
Nhiều nhân viên ngân hàng cho rằng thưởng Tết chỉ là khoản mang tính động viên, nhận được những gì chưa giải ngân trong năm.
Người thưởng trăm triệu, kẻ không có gì
Qua trao đổi với nhân viên một số ngân hàng, phóng viên nhận được một số chia sẻ khá thú vị. Theo Luật Lao động, ngân hàng thương mại Nhà nước mỗi năm không được trích quỹ khen thưởng quá 3 tháng lương. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần mức khen thưởng do hội đồng quản trị quyết định tùy vào lợi nhuận hàng năm.
Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, các khoản thưởng được “rải” dần trong năm vào các dịp 30/4, 1/5, 2/9, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, ngày kỷ niệm thành lập… Có ngân hàng, khoản thưởng lớn nhất trong năm lại không rơi vào dịp Tết mà là dịp 30/4-1/5, do đó, thời điểm “ngóng thưởng” chưa hẳn đã là vào giai đoạn giáp Tết này.
Một cán bộ ngân hàng cho biết, thưởng Tết thực chất là khoản tiền dành ra nhằm động viên tinh thần người lao động. “Trên thực tế, các khoản tiền thưởng trong năm đều được trích ra từ quỹ lương. Thay vì được chia đều vào lương hàng tháng cho nhân viên thì ngân hàng trích ra một khoản để chia thưởng cho nhân viên vào các dịp”, vị này cho hay. Nói cách khác, Tết và các dịp lễ, nhân viên được “truy lĩnh” khoản tiền lương được treo lại của mình, chứ chưa hẳn là được thêm một khoản bổ sung.
Hiện tại nhiều ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank hay cả HDBank… đã áp dụng tính lương theo KPI (hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc). Theo đó, nhân viên được nhận lương, thưởng theo năng lực làm việc (thông qua chấm điểm). Lương cơ bản giống nhau nhưng sau khi chấm điểm theo KPI thì thu nhập thực tế nhận được sẽ khác nhau.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng thì việc áp dụng KPI, việc đãi ngộ sẽ trở nên công bằng hơn dựa trên khối lượng công việc và hiệu quả hoạt động của từng nhân viên, cán bộ.
Công cụ này có tính định lượng cao, được cho là sẽ đánh giá kết quả thực hiện công việc của các đơn vị, cá nhân một cách rõ ràng, cụ thể, minh bạch, công bằng; đồng thời thực thi và giám sát việc thực thi chính sách đãi ngộ người lao động. Qua đó tạo động lực góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động chung của hệ thống – vị này cho hay.
Trong khi đó, chị Thu, nhân viên một chi nhánh tại HD Bank chia sẻ: “Sau nhiều năm đi làm, thậm chí có người lương tháng còn bị giảm khi tính theo KPI. Phần còn lại sẽ dồn chia thưởng, ai làm nhiều thưởng nhiều, ai làm ít thưởng ít. Như vậy, ai làm việc không hiệu quả thì thu nhập sẽ sụt giảm hơn so với trước. Năm vừa rồi, do có con nhỏ bị ốm đau suốt, không toàn tâm dành cho công việc được nên cũng không biết còn có thưởng không nữa”.
“Hầu hết tại các ngân hàng thì bộ phận tín dụng được nhận thưởng theo doanh thu nhiều nhất. Khoản này không cố định thời điểm nào nhưng được nhân viên mong nhiều hơn cả thưởng Tết” – Hoàng Anh, nhân viên tín dụng tại VietinBank hào hứng. “Nếu mang về doanh thu lớn cho ngân hàng thì tiền thưởng có thể đến hàng trăm triệu, chứ không chỉ là vài tháng lương” – anh vui vẻ nói.