Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Thu hút FDI 4 tháng: Bội thu nhờ hội nhập
- Cập nhật : 05/05/2016
(Tin kinh te)
Dự án quy mô nhỏ thích hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.
Khởi đầu thuận lợi
Kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm đã “rực rỡ” hơn nhiều nhờ dự án đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD của Công ty LG Display thuộc Tập đoàn LG (Hàn Quốc), vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/4 vừa qua.
Theo thông tin từ Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, với giấy chứng nhận đầu tư này, LG Display sẽ xây dựng nhà máy chuyên sản xuất màn hình oled công nghệ cao cho các loại thiết bị điện tử, tại khu công nghiệp Tràng Duệ, TP. Hải Phòng. Đây cũng là dự án FDI đầu tiên có quy mô hơn 1 tỷ USD trong năm 2016.
Nhờ dự án tỷ đô của LG, thu hút FDI 4 tháng đầu năm đã đạt kết quả vô cùng tích cực. Theo số liệu mới cập nhật từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2016, đã có 6,88 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 5,082 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Đồng thời, có 314 lượt dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 1,8 tỷ USD. Cùng chung xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,246 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 334,6 triệu USD, chiếm 4,9%; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đạt 242,5 triệu USD, chiếm 3,5%; các ngành còn lại đạt 1063,2 triệu USD, chiếm 15,4%.
Xét về địa phương, Hải Phòng là địa phương có số vốn FDI đăng ký lớn nhất với 1,59 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội đạt 595,5 triệu USD, chiếm 11,7%; Bình Dương đạt 329 triệu USD, chiếm 6,5%... Hàn Quốc tiếp tục giữ vững ở vị trí NĐT lớn nhất với số vốn rót vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm là 2,48 tỷ USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore với 502,1 triệu USD, chiếm 9,9%; Đài Loan đạt 430,1 triệu USD, chiếm 8,5%.
Như vậy dù năm 2016 mới đi qua 1/3 chặng đường, song thu hút FDI đã đạt gần 7 tỷ USD là con số khá cao. Kết quả trên có thể nói là khởi đầu thuận lợi, dự báo một năm thành công tiếp theo của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI lớn và chất lượng hơn. Các chuyên gia đánh giá, việc cả vốn FDI đăng ký mới và giải ngân tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo được niềm tin với các NĐT nước ngoài.
Không tham dự án lớn
Đặc biệt nếu so sánh với kết quả thu hút FDI cùng kỳ năm ngoái, có thể thấy sự đảo chiều ngoạn mục. Theo đó, thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2015 đã giảm tới 23% so với cùng kỳ 2014, cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm chỉ đạt trên 3,7 tỷ USD. Cho tới hết tháng 6, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm cũng vẫn duy trì xu hướng giảm sâu, chỉ đạt 5,49 tỷ USD. Khi đó các chuyên gia và NĐT đã tràn đầy lo ngại về việc môi trường đầu tư bất ổn, thiếu tính cạnh tranh…
Tuy nhiên, thời điểm đó ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài phân tích, năm 2015 là giai đoạn mang tính bước ngoặt do Việt Nam sẽ hoàn thành đàm phán và ký kết nhiều FTA quan trọng. Do đó một số NĐT đã “án binh bất động” chờ đợi những kết quả cuối cùng từ các vòng đàm phán FTA để làm căn cứ cho quyết định đầu tư.
Đối chiếu với nhận định khi đó, có thể thấy từ năm 2015 tới nay, đã có sự cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và chủ động hội nhập. Thành quả của quá trình này đã thể hiện ở kết quả thu hút FDI 4 tháng vừa qua.
Việc Tập đoàn LG tiếp tục rót vốn vào Việt Nam đã cho thấy lòng tin của NĐT ngoại tiếp tục được củng cố. Với dự án mới này, LG đã nâng khoản đầu tư tại Việt Nam lên tới 3 tỷ USD. Cùng với đó đã hình thành tổ hợp sản xuất hàng điện tử, gia dụng lớn thứ hai chỉ sau Samsung. Theo chân LG, chắc chắn sẽ là hàng loạt NĐT nhỏ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam để hình thành nên chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, các dự án quy mô lớn đã giảm dần, đồng thời chưa xuất hiện NĐT mới có đủ sức làm đầu tàu như Samsung, LG… Thay vào đó, thu hút FDI giai đoạn hiện nay đang tập trung vào các dự án nhỏ với quy mô chỉ khoảng vài chục triệu USD, số lượng ngày càng tăng lên.
Phân tích về vấn đề này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trấn an, sự tăng thêm của các dự án quy mô nhỏ không những không đáng lo ngại mà còn là điều cần thiết.
Theo ông Thắng, các dự án quy mô vừa và nhỏ là thích hợp hơn cả với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam, như khả năng góp vốn của các DN trong nước, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó các dự án có quy mô vừa và nhỏ sẽ được triển khai nhanh hơn, đáp ứng ngay được đòi hỏi của nền kinh tế về vốn, sản phẩm, yêu cầu của quá trình hội nhập…
Điều quan trọng nữa là hiện tại Việt Nam đang còn số lượng dự án chưa giải ngân khá cao, khoảng trên 100 tỷ USD. Vì vậy, ông Thắng khuyến cáo nên tập trung vào công tác hậu kiểm, hỗ trợ giải ngân sớm nguồn vốn này theo đúng các cam kết của các NĐT nước ngoài về vốn, công nghệ, bảo vệ môi trường… Vốn giải ngân mới là nguồn vốn thực, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Ông Thắng cũng dự báo, xu thế nhiều năm qua cho thấy các dự án FDI, nhất là dự án có quy mô lớn thường được cấp phép vào những tháng cuối năm. Các dự án này sẽ góp phần bổ xung thêm nguồn vốn ngoại vào Việt Nam, “đưa kết quả cả năm vượt mục tiêu đề ra là trên 20 tỷ USD vốn đăng kí, và vượt kết quả thu được trong 2015”, ông Thắng phán đoán.
Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)