Đến bao giờ các ngân hàng 0 đồng công bố báo cáo tài chính, câu trả lời đến giờ này là không. Vậy ngân hàng 0 đồng có ảnh hưởng đến ngân sách hay không, câu trả lời là có.
Thể chế ngân hàng - Những bước đột phá
- Cập nhật : 05/05/2016
(Tin kinh te)
“Đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời công tác của tôi” - nguyên Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đặng Thanh Bình chia sẻ về giai đoạn soạn thảo và ban hành hai bộ luật về Ngân hàng năm 1997 - một trong những mốc son của Ngành trong dòng chảy lịch sử 65 năm qua.
Đổi mới là tất yếu
Tháng 5/1990 được coi là một bước ngoặt lớn nhất về cơ sở pháp lý trong lĩnh vực NH Việt Nam khi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam công bố Sắc lệnh số 37- LCT/HĐNN8 ban hành Pháp lệnh NHNN (Pháp lệnh 1) và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính (Pháp lệnh 2).
Hai Pháp lệnh về Ngân hàng là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định sự chuyển đổi mạnh mẽ căn bản và toàn diện từ hệ thống NH một cấp thành hai cấp; tách bạch chức năng quản lý và kinh doanh tiền tệ.
Nguyên Phó thống đốc cũng chia sẻ: đây là thời kỳ bắt đầu một quá trình cải tổ mạnh mẽ, đặc biệt trong hệ thống NH. Việc tiếp tục phải đổi mới nền kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường một cách mạnh mẽ đã đòi hỏi ngành NH - huyết mạch của nền kinh tế phải có cơ sở pháp lý cao hơn, đủ tầm để điều chỉnh hoạt động NH theo yêu cầu mới.
Do đó sau một thời gian áp dụng Pháp lệnh, việc phải có một hành lang pháp lý với các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn không những là yêu cầu cấp thiết, mà còn là bước đi tất yếu của quá trình đổi mới và xây dựng hệ thống NH hiện đại.
Nhớ lại ngày đó, nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình cho biết: Vào thời gian đó, Trưởng ban soạn thảo luật là ông Nguyễn Ngọc Oánh (nguyên Phó thống đốc NHNN - PV); phó ban là ông Nguyễn Đức Quang (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - PV).
Khi đó, tôi giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính, sau được chuyển sang Vụ Pháp chế và làm tổ trưởng tổ soạn thảo Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997. Dự thảo Luật NHNN Việt Nam 1997 ban đầu do ông Nguyễn Đức Quang đảm trách, sau được chuyển sang cho ông Vũ Thế Vậc (khi đó là Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, sau này là Vụ trưởng Vụ Pháp chế - PV ) tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Nói về cơ cấu bộ máy Ban soạn thảo giai đoạn đó, ông Bình cười vui: Lúc đó Ban soạn thảo đông lắm, gồm nhiều cán bộ, chuyên gia trong và cả ngoài Ngành. Các thành viên cốt cán thì hầu hết đều là những người tôi nói trên, ngoài ra còn có anh Trịnh Bá Tửu (nguyên Chánh Thanh tra NHNN – PV), chị Dương Thu Hương (nguyên Phó thống đốc NHNN - PV) và “cố vấn 3T”. “Cố vấn 3T” là cách ông Bình gọi vui về những bậc tiền bối cố vấn Thống đốc tại thời điểm đó.
“Đó là đồng chí Nguyễn Nghĩa Tiệu (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - PV); đồng chí Vũ Văn Thảo (nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế kế hoạch, nay là Vụ Chính sách tiền tệ - PV); và đồng chí Nguyễn Xuân Thiều (nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán - PV) tham gia với tư cách là thành viên Ban soạn thảo”, ông Bình kể.
Sau gần 10 năm, giờ nhắc lại những ngày tháng lịch sử đó, những ngày cùng các đồng nghiệp dành nhiều công sức và tâm huyết cho luật NH ông Bình vẫn sôi nổi như ngày nào. Thật không dễ để có sự so sánh rạch ròi giữa hai Pháp lệnh NH năm 1990 với hai luật về NH năm 1997 do sự hiểu biết và bối cảnh thực tế giữa hai thời kỳ.
Ông Bình cho rằng Luật NHNN năm 1997 có những nội dung về địa vị pháp lý, thẩm quyền của NHNN trên lĩnh vực điều hành CSTT và Thanh tra hệ thống NH được làm rõ hơn so với Pháp lệnh 1. Riêng Luật các Tổ chức tín dụng có sự thay đổi cơ bản so với Pháp lệnh 2, cả về nội dung và đặc biệt là các quy định cụ thể về an toàn trong hoạt động NH. Hai Luật cũng làm nổi bật vai trò quản lý Nhà nước của NHNN nhằm khẳng định hướng phát triển của NH hai cấp.
Luật về NH năm 1997 ra đời trong bối cảnh và thời kỳ đó là một sự đột phá lớn. “Mọi chuyện phải xuất phát từ vấn đề an toàn của hệ thống NH. Hoạt động NH đòi hỏi sự an toàn ở mức độ rất cao và luật đã đưa ra được những quy định tối thiểu để bảo đảm hoạt động NH theo như yêu cầu, thông lệ quốc tế”.
Tháng 6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật NHNN Việt Nam và Luật các Tổ chức tín dụng. So với nhiều luật khác được ban hành trong cùng thời kỳ này, có thể thấy “sức sống ghê gớm của hai luật về NH năm 1997, khi hơn 10 năm sau mới phải thay thế” - nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nhấn mạnh.
Bền vững từ gốc rễ
Câu chuyện của chúng tôi với ông Bình về những quy định, điều luật vốn dĩ tưởng như khô khan lại trở nên thật nhẹ nhàng và thú vị. Thú vị bởi cái cách ông nói chuyện, gợi mở câu chuyện từ những hồi ức đã gần 10 năm mà như mới diễn ra.
Khi phóng viên mạo muội hỏi ông so sánh giữa hai Luật NH năm 1997 với Luật NH năm 2010, nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình cười hiền và nói rất thật: Không thể kỳ vọng luật sẽ xử lý hay giải quyết được mọi vấn đề. Đưa vào trong luật những điều cụ thể của ngày hôm nay, thì ai dám đảm bảo 1 năm, 2 năm, hay 5 - 10 năm sau, thậm chí ngay ngày mai sẽ không phát sinh những bất cập?
Luật sẽ không bao giờ giải quyết được mọi vấn đề phát sinh trong thực tế, hay cụ thể hơn ở đây là trong tất cả hoạt động hàng ngày của DN nói chung và của NH - DN đặc thù nói riêng. Luật chỉ có thể đưa ra một cái khung, mang tính chất nền tảng thôi.
Những quy định điều chỉnh hoạt động phát sinh vào từng thời điểm, thời gian cần có các văn bản quy phạm pháp luật khác để điều chỉnh linh hoạt hơn, mới phù hợp được. Đấy là chưa kể luật về NH của chúng ta không chỉ điều chỉnh một đối tượng, tổ chức mà nhiều đối tượng, nhiều tổ chức khác nhau trên lĩnh vực hoạt động NH...
Rõ ràng, mọi sự so sánh đều là không thoả đáng. Chuyện hôm nay là đúng, đến ngày mai đã có thể trở thành chưa đầy đủ. Đặc biệt với NH - Ngành của sự năng động, vận động và thay đổi không ngừng… Vì thế, nếu để đánh giá hai luật 1997 và 2010, tôi cho rằng những điểm cốt lõi, cơ bản mà một luật cần có để điều chỉnh hoạt động NHTM thì Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 đã đề cập được.
Đứng về góc độ an toàn, tôi cũng cho rằng, Luật các Tổ chức tín dụng 1997 đã thể hiện được phần lớn các yêu cầu về an toàn trong hoạt động hệ thống NH, cả trên phương diện quốc tế. Sự nổi trội, khác biệt hơn, nếu cần nói thì đó là việc luật NH năm 2010 đã quy định cụ thể hơn, làm rõ hơn một số thẩm quyền của NHNN trong việc điều hành CSTT và đặc biệt là thẩm quyền của NHNN trong việc thanh tra, giám sát hoạt động NH của các tổ chức tín dụng, nhất là thẩm quyền và trách nhiệm của NHNN trong việc xử lý, can thiệp vào tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém.
“Từ năm 1997 đến nay đã gần 10 năm, mà thời điểm 1997 chúng ta đã đưa vào luật được những quy định cơ bản, tạo sự chuyên nghiệp trong quản lý điều hành của NHNN với kinh doanh theo cơ chế thị trường của các tổ chức tín dụng. Đây là sự cố gắng to lớn, không những của những người soạn thảo mà còn của cả những người thông qua luật. Tôi nghĩ rằng, đó là một sự tiến bộ không những trong hệ thống NH mà là cả Quốc hội thời kỳ đó nữa”.
Nhắc tới đây, dường như chìm vào những ngày tháng hơn 10 năm trước, ông Bình phấn khởi kể: Hai luật về NH năm 1997 từ khi xây dựng tới lúc ban hành không lâu, nhưng lại trải qua hai thời kỳ Thống đốc. Trước là nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm, sau tới ông Đỗ Quế Lượng - nguyên quyền Thống đốc phụ trách. Ông Lượng cũng là người trực tiếp đứng ra bảo vệ Luật Ngân hàng 1997 trước Quốc hội.
Ông Bình chia sẻ: Còn nhớ, tôi với ông Vũ Thế Vậc khi đó phải làm việc suốt ngày và đôi khi cả đêm ở Văn phòng Quốc hội. Nhất là những buổi luật về NH được thảo luận trên nghị trường, các anh chị cốt cán trong Ban soạn thảo phải ngồi sau cánh gà chuẩn bị tài liệu cho anh Lượng bảo vệ Luật trước Quốc hội.
Cũng phải thừa nhận, cùng với sự nỗ lực của chúng ta và các cơ quan liên quan của Chính phủ lúc đó; nhờ cả sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của lãnh đạo và các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội nên chúng ta mới có thể làm được luật theo đúng lộ trình như đã đăng ký với Quốc hội. Đó là thành quả, công sức của cả một tập thể đoàn kết.
Xây dựng luật và để luật có thể “sống” được, sống lâu luôn là câu chuyện khó khăn, ở bất cứ thời kỳ nào. Ông Bình chia sẻ: Luật mới, nên sẽ có nhiều nội dung mới. Và cái khó của luật là làm sao để người ta chấp nhận tư duy mới được đặt ra và những nội dung mới phải phù hợp với thực tiễn. Nếu làm luật mà không hiểu, kìm hãm sự tự do thì xã hội cũng sẽ không phát triển được.
Nhưng nếu mình không làm gì để định hướng đúng sự phát triển của DN thì nguy cơ phát triển lệch lạc, các hậu quả rắc rối từ đó sẽ rất khó lường. Vấn đề mấu chốt là ranh giới giữa hai câu chuyện này ở đâu? Khung pháp luật làm ở mức độ nào là phù hợp? Để cả người quản lý và DN đều không lạm dụng và có giới hạn của mình.
“Một người bạn già từng nói với tôi rằng, tôi được giao làm luật là một niềm hạnh phúc, bởi nhiều người muốn làm mà không được…” - nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nói với niềm hạnh phúc, tự hào không giấu giếm.
Trong dòng chảy 65 năm của lịch sử NH, có sự đóng góp công sức cũng như nỗ lực của nhiều thế hệ. Bằng sự tâm huyết với nghề nghiệp và trí tuệ của mình, họ - những tiền bối đã đặt thêm dấu ấn vào thành tựu chung của Ngành.
Xây dựng luật và để luật có thể “sống” được, sống lâu luôn là câu chuyện khó khăn, ở bất cứ thời kỳ nào. Và cái khó của luật là làm sao để người ta chấp nhận tư duy mới được đặt ra và những nội dung mới phải phù hợp với thực tiễn.
Minh Khuê
(Thời báo Ngân hàng)