Cụm từ “phá sản ngân hàng” được nhắc nhiều trong thời gian gần đây như một giải pháp triệt để xử lý các ngân hàng yếu kém.
FDI - 'Chú voi lớn' cần biết cách thu phục
- Cập nhật : 25/10/2017
Có rất nhiều đánh giá của cộng đồng về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua. Nhìn chung khen là chủ yếu nhưng vẫn có chê. Tuy nhiên, cao hơn là những băn khoăn của dư luận về những thay đổi, biến động trong tương lai của FDI không dễ nắm bắt.
Không nên vội vã đề xuất các chính sách mới khi chưa đủ lực ngăn cản sự “xâm lấn mềm” thông qua FDI. Nguồn: Internet
Có thể ví như câu chuyện truyền miệng “sờ con voi và mô tả nó”: người sờ được vào chân voi thì coi nó như một trụ đỡ của nền kinh tế; người sờ được vào tai voi thì thấy nó như cái quạt to, thổi luồng gió mới vào nền kinh tế; người sờ đúng đuôi bị tạt vào mặt thấy mùi hôi lại chê nó chẳng ra gì…
Ví von là vậy, nhưng sử dụng FDI mà không quản lý được nó, hướng nó vào những việc cần phải làm, thì cũng giống như nuôi voi trong nhà để giúp kéo gỗ, làm việc nặng mà không quản được, không thuần phục được voi. Như vậy, không những nó không kéo gỗ cho (kéo nền kinh tế phát triển), mà còn vùng vẫy làm hỏng nhà, sập nhà lúc nào không biết.
Thu hút thành công
Trong gần 30 năm qua, tính đến hết tháng 9/2017, cả nước đã có trên 24.199 c FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD. Trong đó đã giải ngân được gần 162 tỷ USD (còn khoảng gần 150 tỷ USD chưa được giải ngân).
Năm 2016 giải ngân được 15,8 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2017 giải ngân được 12,5 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhờ nguồn vốn đầu tư trên, FDI đã trở thành khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, năm 2015 là 10,71%/6,68%; năm 2016 là 12%/6,21%.
Đồng thời, xuất khẩu của khu vực FDI đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy tình hình xuất khẩu, với các mặt hàng chủ lực về công nghiệp, công nghệ có giá trị gia tăng cao.
Năm 2016, chiếm 71,5% và 9 tháng đầu năm 2017 chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu vào khoảng 25% xuất khẩu của khu vực này; nhờ đó, không những bù đắp được nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra giá trị xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa.
Bên cạnh các thành công nêu trên và nhiều thành công khác của FDI, vẫn còn có những mảng tối giữa bức tranh sáng về FDI.
Tuy các mảng tối này của FDI chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển nhanh và mạnh của FDI tại Việt Nam thời gian qua nhưng cũng cần có các giải pháp cụ thể về luật pháp, chính sách; chiến lược – sách lược; về hoàn chỉnh bộ máy; đội ngũ cán bộ… liên quan đến FDI để khắc phục trong giai đoạn tới.
Đặc biệt là việc tập trung xử lý các tồn tại hiện nay, trên cơ sở pháp luật hiện hành, có ý nghĩa hết sức quan trọng so với những đề xuất mới có thể mang lại các thành công trong tương lai. Việc dự báo trước những thay đổi, biến chứng trong tương lai của “chú voi” FDI thật khó, không dễ nắm bắt.
Không dễ nắm bắt
Do đó, phải nhìn vào cụ thể những khiếm khuyết đã bộc lộ vừa qua và những động thái mới có chiều hướng phát triển của FDI để ngăn chặn trước. Đây là việc làm cần thiết trong giai đoạn tới khi FDI cho thấy những tồn tại và thách thức mới của mình qua một số dẫn chứng cụ thể sau:
Thứ nhất, vấn đề gây ô nhiễm môi trường của một số các dự án có vốn FDI. Điển hình như những dự án qui mô lớn (VEDAN ở Đồng Nai) và rất lớn (FORMOSA ở Hà Tĩnh). Điều đáng nói là nội dung vi phạm của các vụ này: vụ sau tương tự như vụ trước nhưng quy mô và tác hại rộng lớn hơn.
Thứ hai, mối liên kết yếu giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Nói cách khác là chưa có tác động lan tỏa của khu vực doanh nghiệp FDI tới khu vực doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, các doanh nghiệp Việt chưa tham gia vào được dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nên năng suất và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt trong môi trường đầu tư chung hiện nay còn thấp và yếu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có thế vượt trội, đủ năng lực và xu hướng thâu tóm thị trường. Đồng thời định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thành công.
Ngoài ra, với những tồn tại chủ yếu nêu trên, thách thức mới trong thu hút và sử dụng FDI rất nhiều do bối cảnh quốc tế và khu vực còn một số vấn đề phức tạp như: quan hệ giữa nước nhỏ với nước lớn vẫn có sự bất ổn trong khu vực; xuất hiện xu thế “xâm lấn mềm” thông qua đầu tư, làm mất lợi thế đầu tư của nước chủ nhà của các nền kinh tế lớn trong khu vực; xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ kinh tế đi ngược lại xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu…
Hiện tại và trong tương lai, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu: sự xâm nhập mặn của nước biển, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh đi sau… làm thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.
Tất cả các tồn tại và thách thức đó đòi hỏi Việt Nam có một đánh giá đúng tình hình về thu hút FDI, để có các quyết sách sáng suốt trong thu hút FDI giai đoạn tới. Tập trung giải quyết các tồn tại hiện nay; thúc đẩy giải ngân số vốn gần 150 tỷ USD đã đăng ký, khai thác hiệu quả các khu kinh tế, các khu công nghiệp hiện có.
Không nên vội vã đề xuất các chính sách mới khi chưa đủ lực ngăn cản sự “xâm lấn mềm” thông qua FDI khi năng lực quản lý chưa đảm bảo, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để quản trị được “con voi” FDI.
Đồng thời, tìm ra giải pháp đúng để thực hiện nghiêm túc thông báo của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) mới đây: “Tinh gọn bộ máy, coi đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”.
Theo Phan Hữu Thắng/thoibaokinhdoanh.vn