Thị trường Myanmar ngày càng hấp dẫn. Sau khi các lệnh cấm vận dược dỡ bỏ, đã có thêm 30 ngân hàng nữa đến Myanmar, nâng tổng số văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Myanmar lên 43.
Tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải cam kết không phá giá tiền đồng?
- Cập nhật : 10/10/2015
(Thuong mai)
Hãng tin Reuters đưa tin sẽ có thêm một cam kết là các nước thành viên TPP không phá giá đồng tiền để thúc đẩy sức cạnh tranh của mình. Do vậy tham gia TPP, Việt Nam có thể sẽ gặp khó nếu muốn điều chỉnh tỷ giá mạnh.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dẫn nguồn hãng tin Reuters về việc sẽ có thêm một cam kết là các nước thành viên tham gia Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) không phá giá đồng tiền để thúc đẩy sức cạnh tranh của mình.
Cụ thể, các bên tham gia Hiệp định TPP đang có kế hoạch ký vào cam kết sẽ không phá giá đồng nội tệ để giảm giá các mặt hàng xuất khẩu.
Theo đó, các nước đang trên lộ trình hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá và cam kết không sử dụng đồng nội tể để tăng khả năng cạnh tranh nhờ phá giá. Thỏa thuận này sẽ được thúc đẩy song song với TPP.
Đồng thời các thành viên cũng phải tiết lộ nhiều hơn các thông tin về chính sách tiền tệ mà nước mình đang theo đuổi và thường xuyên tổ chức các cuộc họp để bàn luận về các vấn đề tiền tệ. Các cuộc họp sẽ được tổ chức ít nhất 1 lần mỗi năm.
"Đây có vẻ là một cam kết công bằng với ý định tốt nhưng chúng tôi không rõ cơ chế thực thi sẽ như thế nào", HSC bình luận.
Theo HSC, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng từ cam kết này vì những năm gần đây Việt Nam chỉ điều chỉnh tỷ giá với tốc độ khá chậm, ít nhất là cho đến khi đồng NDT bị phá giá mạnh. Tuy nhiên cam kết này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam nếu muốn điều chỉnh mạnh tỷ giá trong tương lai.
“Nhiều khả năng nội dung cam kết sẽ bao gồm cả cam kết giải trình về chính sách và cơ chế tỷ giá thông qua các cuộc gặp thường kỳ để nâng cao sự hiểu biết và thực thi cam kết”, HSC phân tích.
HSC dự đoán TPP sẽ chưa có hiệu lực ít nhất là trước 6 tháng cuối năm 2016 và có thể sẽ còn muộn hơn. Giả sử mọi việc tiến triển thuận lợi, thì có khả năng TPP sẽ được Quốc hội các nước thông qua và có hiệu lực trong 6 tháng cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.