Bộ GTVT đã chủ động mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán toàn bộ các dự án BOT, BT đang triển khai.
Nhân viên ngân hàng bỏ việc vì không chịu nổi áp lực kinh doanh
- Cập nhật : 13/11/2015
(Kinh doanh)
Quá mệt mỏi với những chỉ tiêu được giao theo ngày và xót xa chuyện con cái bị bỏ bê thường xuyên, một nữ nhân viên ngân hàng quốc doanh đã viết đơn xin nghỉ để chấm dứt chuỗi ngày quay cuồng, áp lực.
"Mỗi sáng ngủ dậy nghĩ đi làm thấy gai lạnh", nữ nhân viên mở đầu dòng tâm sự trên trang cá nhân khi viết đơn xin nghỉ việc tại phòng giao dịch tại Quảng Ninh của một ngân hàng thương mại nhà nước cô đã gắn bó 7 năm. Cô kể, thức dậy là vội vã cho đứa lớn đi học, đứa bé ăn cháo để kịp đến trường rồi lao xe như bay đến cơ quan cho kịp giờ. Bữa sáng của cô là một nắm xôi hay chiếc bánh mì nuốt nghẹn trong góc kho cơ quan và đôi lúc cô phải trốn vào nhà vệ sinh ăn vội vã. "Các con chẳng hiểu được mẹ nó lại như vậy khi khoác lên mình nuột nà bộ đồng phục ngân hàng đẹp như thế, rồi 18h lao vội ra chợ mua vài thứ thức ăn ế ẩm dư thừa. Đến nhà trẻ con trai 3 tuổi nước mắt nước mũi giàn giụa hỏi 'Sao mẹ đón lâu thế'? Cô giáo khó chịu cáu gắt nói "Con em sốt và đi ngoài như thế mà giờ em mới đón ư?", người mẹ là nhân viên ngân hàng tâm sự.
Luôn bận rộn, đầy áp lực nhưng theo nữ nhân viên này, 7 năm qua cô vẫn thực sự yêu thích công việc của mình. Nhưng những áp lực về chỉ tiêu tại ngân hàng quá nặng nề, cô cảm thấy mệt mỏi.
"Mỗi sáng điệp khúc huy động, cho vay quay cuồng trong bộ não vốn đã quá đầy cho bất hạnh, lo toan. Chỉ tiêu gì mà hàng ngày, hàng tuần vậy hả trời??? Cái bầu không khí này bụi bẩn quá nhiều thở sao được đây? Và rồi lại điệp khúc trăm cuộc họp không hoàn thành, không làm được...", cô tâm sự và quyết định viết đơn nghỉ việc.
Trao đổi với VnExpress, đại diện ngân hàng nơi nữ nhân viên này làm việc cho biết, trường hợp này xin nghỉ do quyết định riêng của cá nhân nên không đưa ra bình luận. Theo vị này, việc một nhân viên cảm thấy quá áp lực, không theo kịp yêu cầu của ngân hàng và nghỉ việc là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, những áp lực mà nữ nhân viên này tâm sự về nghề lại là nỗi lo lắng chung của hàng triệu dân ngân hàng hiện nay. Một trong những áp lực lớn nhất là giờ giấc làm việc. Sau khi hết giờ giao dịch, các nhân viên ngân hàng sẽ phải ở lại để kiểm kê quỹ, cân đối sổ sách.
Anh Duy (Minh Khai, Hà Nội) kể: "Mọi người cứ nói nhân viên ngân hàng lương cao nhưng tôi chưa thấy điều đó đâu. Ngược lại, vợ tôi làm nhân viên ngân hàng, cả tuần ngày nào cũng phải ăn cơm với giò, chả, đồ ăn sẵn vì cô ấy chẳng bao giờ về nhà trước 7 giờ tối".
Còn Ngọc Yến (Đống Đa, Hà Nội), giao dịch viên một ngân hàng cổ phần trên phố Xã Đàn cũng kể: "Đã nhiều lần tôi phải chứng kiến cảnh tượng nhóm bạn thân của tôi đứng chầu chực ngay trước cửa phòng giao dịch lúc 7 giờ tối để chờ tôi đi ăn. Lúc ấy cả phòng tôi vẫn đang bù đầu trong đống giấy tờ và tiền chưa kiểm đếm".
Những vụ tự tử không rõ nguyên nhân gần đây của các đồng nghiệp tại một số nhà băng danh tiếng ám ảnh giới ngân hàng. Ảnh Thomas Harick chụp tại Ngân hàng Goldman Sachs.
Nỗi lo cũng khủng khiếp với mọi nhân viên ngân hàng lúc này là áp lực về chỉ tiêu và doanh số. Từ giao dịch viên, chuyên viên dịch vụ khách hàng đến cán bộ tín dụng hay kể cả cán bộ kỹ thuật cũng bị áp chỉ tiêu về huy động, thẻ... Với nhân viên tín dụng, áp lực doanh số cho vay cũng luôn đè nặng nhưng nỗi sợ hãi vướng vòng lao lý mới là điều họ nơm nớp nhất. "Gần đây các vụ án liên quan tới sai phạm trong cho vay được phanh phui càng nhiều thì chúng tôi càng thấy rối bời khi cho vay, một tay làm hợp đồng thẩm định cho vay, một tay thì run rẩy vì đôi khi có nhiều rủi ro từ chính phía khách hàng mình không lường trước được", một cán bộ tín dụng tên Nam chia sẻ.
Ngoài những áp lực, theo nhiều nhân viên ngân hàng, thu nhập của họ không cao như nhiều người tưởng và không ít trong số này muốn bỏ nghề. Một khảo sát mới đây của JobStreet - mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á - cho thấy, 66% số người được khảo sát nhận mức lương dưới 10 triệu. Điều này khiến 29% nhân sự ngành muốn chuyển nghề vì họ thấy lương thấp hơn so với kỳ vọng. 53% cảm thấy thiếu cơ hội phát triển và khó đạt được vị trí mà họ mong muốn.
* Cuộc sống áp lực của một nhân viên ngân hàng
Không riêng ở Việt Nam, nghề ngân hàng trên thế giới cũng đang bị lên án là quá áp lực. Cách đây vài tháng, Sarvshreshth Gupta (22 tuổi, người Ấn Độ) từng làm việc tại các ngân hàng danh tiếng như Credit Suisse, Deutsche Bank và Goldman Sachs cũng đã phải tự tử vì quá áp lực với công việc. Một tháng sau anh qua đời, cha anh đã quyết định kể với thế giới về công việc đầy áp lực, căng thẳng mà một nhân viên của ngân hàng phải đối mặt trước khi chết. Ông cho biết, con trai mình đã tâm sự rằng cậu luôn thiếu ngủ khi phải làm việc liên tục 20 tiếng liền.
Trước đó, một thực tập sinh của Bank of America qua đời sau khi làm việc liên tục nhiều đêm liền tại văn phòng. Ngoài ra, một nhân viên ngân hàng 29 tuổi từ Moelis & Co cũng đã chết sau khi nhảy từ tòa nhà căn hộ sang trọng của mình ở trung tâm thành phố Manhattan. Những cái chết này, dù tất cả vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân, nhưng đều ám ảnh cộng đồng ngân hàng toàn cầu.