Thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện của Việt Nam khiến doanh nghiệp Singapore đẩy mạnh đầu tư.
Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: “Không nên tư duy theo kiểu con anh con tôi”
- Cập nhật : 18/11/2015
(Kinh te)
Vấn đề giữ doanh nghiệp nào mới quan trọng, còn doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều có nghĩa vụ như nhau về thuế, Vinamilk được bán cho ai vẫn phải nộp thuế cho nhà nước như nhau, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết.
Trong đề xuất mới đây liên quan đến lộ trình thoái vốn, giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, phương thức thoái vốn và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đề xuất nâng sở hữu nước ngoài từ doanh nghiệp này lên 100% thay vì 49% như hiện nay.
Lý do được Vinamilk đưa ra là do ngành sữa không phải là ngành nghề kinh doanh nhạy cảm và không phải là ngành có ảnh hưởng đến an ninh lương thực nên cần mở cửa cho nhà đầu tư.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, đối với những doanh nghiệp Nhà nước như Vinamilk trước đây không muốn bán vì từng làm ăn sinh lãi nhiều nhưng sữa là mặt hàng không bắt buộc nắm 100% mà vốn nhà nước không phải vô hạn.
"Câu chuyện giữ doanh nghiệp ngành nào mới quan trọng còn doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước đều có nghĩa vụ như nhau về thuế cho nên Vinamilk được bán cho ai vẫn phải nộp thuế cho nhà nước như nhau", ông Mại nói.
Chủ tịch VAFIE cũng cho biết, Việt Nam đã hội nhập, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã chiếm tới 45% tổng giá trị sản lượng công nghiệp ở các ngành quan trọng như dầu khí, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng... Do đó, cần thay đổi tư duy, không nên tư duy theo kiểu "con anh con tôi", tư duy theo kiểu bao cấp sẽ rất nguy hiểm. Vấn đề quan trọng là sau thoái vốn, thị phần tăng lên.
"Nhà nước làm được việc đã hứa là việc kinh tế tư nhân và nước ngoài làm được nhà nước sẽ không làm, tập trung vào vùng kinh tế tư nhân chưa làm được hoặc đang có khó khăn, còn nơi nào, địa bàn nào tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài làm được thì nên thoái vốn", ông Mại nhấn mạnh.
Cũng theo GS. Mại, việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp như Vinamilk là chủ trương đúng đắn, nhà nước không thiệt gì vì sau khi rút ra khỏi các doanh này thu về hàng tỷ USD trở thành vốn nhà nước để đầu tư vào các lĩnh vực đang thiếu vốn như giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng.
Cùng lúc, Vinamilk được bán cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân trở thành doanh nghiệp có vốn lớn hơn, có chiến lược kinh doanh, quản trị tốt hơn nhờ các đối tác nước ngoài tham gia.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, giả sử được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% cũng phải chấp nhận vì bản thân doanh nghiệp sữa như Vinamilk là doanh nghiệp thương mại không đáng lo ngại nếu cổ đông nước ngoài nắm cổ phần chi phối.
"Tuỳ thuộc vào tính chất ngành nghề của doanh nghiệp. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bia, sữa hay dệt may không coi là phức tạp, điều quan trọng đối tác đó có giúp ích cho sự phát triển của doanh nghiệp hay không", TS. Doanh nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn một tháng sau thông tin Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) được chấp thuận lộ trình thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT, Bảo Minh, Nhựa Bình Minh... hầu hết các cổ phiếu đều có mức tăng mạnh.
Cụ thể, giá đóng cửa của Vinamilk (mã: VNM) ngày 13/11 vừa qua ở mức 137.000 đồng/cổ phiếu tăng 34% so với giá đóng cửa ngày 13/10. Các mã cổ phiếu khác như BMI, NTP, FPT cũng có mức tăng từ 20-27%.
Trước đó, ngày 3/11, thị trường xuất hiện một số thông tin cho rằng, Tập đoàn đồ uống Fraser & Neave Limited (F&N) của Singapore đã đánh tiếng mua lại số cổ phần mà Chính phủ dự kiến thoái khỏi Vinamilk với giá 4 tỷ USD, tương đương gần 170.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức giá thời điểm này và hiện tại. Tuy nhiên, cũng trong này 3/11, F&N đã có thông cáo cho biết chưa gửi đề nghị chính thức nào tới Vinamilk hay SCIC.