(Tin kinh te)
Thực sự con số 7,3 tỷ USD này nói lên điều gì? Và nó thực sự đáng lo ngại hay không?
Ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Con số 7,3 tỷ USD gửi nước ngoài trong quý 3 năm 2015 được công bố mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VERP) đã đặt ra nhiều nghi vấn, lo lắng cho người dân. Vậy thực sự con số 7,3 tỷ USD này nói lên điều gì? Và nó thực sự đáng lo ngại hay không?
“Lo chảy máu ngoại tệ là không có cơ sở”
“Lo ngại về lãi suất USD về 0% gây “chảy máu” ngoại tệ là không có cơ sở”. Đây là một trong những khẳng định của ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng giám đốc Eximbank, đưa ra khi được hỏi về con số 7,3 tỷ USD.
Kể từ nửa cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra một loạt giải pháp chính sách nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa. Trong số các chính sách đó, đáng lưu ý phải kể đến quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế và cá nhân xuống 0%/năm.
Đây là quyết định “mạnh tay” chưa có trong tiền lệ. Nó đặt ra lo ngại về nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ ra nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh mới đây VERP lại đưa ra vấn đề tăng đột biến của dòng tiền ngoại hối gửi ra nước ngoài với con số 7,3 tỷ USD vào quý 3 năm 2015.
Vậy, có hay không sự việc, vì lãi suất tiền gửi USD xuống 0% nên người dân mang tiền gửi ra nước ngoài, gây ra hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ?
Ông Trương Văn Phước khẳng định “không thể có chuyện người dân Việt Nam ồ ạt gửi tiền USD ra nước ngoài. Bởi, tiền USD gửi ở hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có từ 40 năm nay sau ngày đất nước thống nhất. Và việc tiền gửi trên các tài khoản thanh toán đó, tương thích quy mô hoạt động vốn liếng, ngoại hối vào ra của các nước. Nước ta trước đây dự trữ ngoại hối từ vài ba trăm triệu, tới nay đã lên tới ba mươi mấy tỷ USD. Nên không thể nói vì lãi suất USD về 0% mà dân “tuồn” tiền USD ở Việt Nam mang gửi ra nước ngoài”.
Ông Phước cho biết thêm rằng: “Đưa lãi suất USD về mức 0% là một trong những giải pháp của NHNN chống lại vấn đề USD hóa. Đây là vấn đề của mọi quốc gia để đảm bảo chính sách tiền tệ trong nước. Có thể có một vài trường hợp mang ngoại tệ đi gửi ra nước ngoài, nhưng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt, còn chúng ta có hệ thống giám sát quản lý ngoại hối nên không thể có hiện tượng người dân ào ào gửi tiền ra nước ngoài”.
Và thực ra lãi suất USD ở nước ngoài cũng gần bằng 0% từ nhiều năm trở lại đây. Nên nói do lãi suất USD trong nước xuống 0% mà lo ngại người dân mang hết USD ra nước ngoài gửi là không có căn cứ.
Lý giải thế nào về con số 7,3 tỷ USD?
Về con số 7,3 tỷ USD gửi ra nước ngoài năm 2015, ông Phước cũng cho biết: Người dân không nên lo lắng về con số trên. Và chúng ta cũng không cần lo ngại rằng ngân hàng sẽ rơi vào “bẫy” thanh khoản USD.
Những năm 90, nước ta đã bắt đầu có những dòng tiền ngoại hối. Thay cho việc chúng ta mua hàng ở nước ngoài, sau đó dùng các phương tiện như máy bay, tàu hỏa để chuyên trở tiền thanh toán. Thì nay chúng ta mở các tài khoản nước ngoài ngắn hạn là để có thể ký gửi tiền để phục vụ cho việc mua bán, xuất nhập khẩu, để thanh toán, chi trả, nhận lại những dòng tiền ngoại hối vào trong nước.
Ông Phước cũng cho rằng “ngân hàng phải duy trì các tài khoản nước ngoài để làm trung gian cho việc xuất nhập khẩu đi vào Việt Nam, chi trả thanh toán ngoại hối của quốc gia. Ngân hàng thương mại đi vay là đi vay những nguồn vốn rất dài hạn để có thể phục vụ cho các tài khoản vay ngắn hạn, trung hạn của ngân hàng họ”.
Và trong những vấn đề này, rõ ràng các ngân hàng đã có những tính toán rất kỹ lưỡng trước khi có bất cứ động thái nào trên thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ.
Ông Phước cũng đưa ra một ví dụ hóm hỉnh để nói về việc chúng ta không nên lo lắng vấn đề ngân hàng có rơi vào “bẫy” thanh khoản USD. “Việc này giống như việc chúng ta đi qua đường, thấy một con voi và lo rằng nếu nó chết thì ai sẽ chôn nó.”
Thị trường ngoại hối là thị trường rất chuyên nghiệp. Ngân hàng trung ương có trách đảm bảo cho tỉ giá hối đoái làm sao đạt ở mức tối ưu cho nền kinh tế. Có nghĩa là tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, còn hàng nhập khẩu vừa phải không tác động tới giá thành sản phẩm, không làm cho lạm phát tăng lên.
Do vậy, người dân và doanh nghiệp không cần lo lắng về những con số công bố mới đây của VERP, ông Phước nói.
NGUYỄN THOAN
Theo Bizlive