Tỉ giá bán ra đồng USD ngân hàng đã kịch trần là 22.547 đồng/ USD. Ngoài thị trường tự do ở Hà Nội, giá USD bán ra 22.700 đồng/ USD. TP.HCM USD tự do lên đến 22.830 đồng.
Cho vay ngắn hạn đang tăng
- Cập nhật : 21/04/2016
(Tin kinh te)
Các NH đang tập trung nhiều hơn vào việc thiết kế ra các sản phẩm tín dụng ngắn hạn thay vì cho vay trung dài hạn như những năm trước đây.
Một đồng vốn quay vòng 3 tháng
Tổng giám đốc một NHTMCP có hội sở tại TP.HCM cho biết, sau khi hoàn tất việc tái cấu trúc năm ngoái, từ năm 2016, NH bắt đầu tập trung nhiều hơn vào các khoản vay ngắn hạn. Thông thường một khoản vốn đầu tư ra xã hội chỉ khoảng 2-3 năm NH phải xác định thu hồi và tính toán hiệu quả kinh doanh và hạn chế những rủi ro trên thị trường. Nếu cho vay ngắn hạn yếu tố giá cả thị trường và lạm phát nền kinh tế cũng giảm thiểu được rủi ro hơn nhiều so với việc cấp tín dụng dài hạn.
Ngày càng nhiều hơn các gói tín dụng được các NH chào mời cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất quanh mức 7%/năm, khi DN vay vốn sẵn sàng sử dụng dịch vụ khép kín của NH cho vay vốn. Trường hợp là nhà xuất khẩu (XK) cam kết bán lại ngoại tệ từ nguồn thu XK cho NH lãi suất cho vay tiền đồng sẽ thấp hơn và nhiều khoản phí dịch vụ cũng được miễn giảm rất lớn cho DN sử dụng vốn tín dụng.
Trong quy định trần lãi suất dành cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên hiện nay cũng chủ yếu khuyến khích DN vay vốn ngắn hạn bằng tiền đồng bổ sung vốn lưu động vào sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, tổng dư nợ cho vay vốn ngắn hạn của các TCTD ở TP.HCM hiện nay có lãi suất khoảng 7%/năm vào khoảng 137.000 tỷ đồng. Hầu hết những khoản dư nợ này là vốn lưu động phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp nông thôn, XK, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN sử dụng thiết bị có hàm lượng công nghệ cao.
Trong chương trình kết nối NH – DN những năm qua của các địa phương trên toàn quốc cũng chủ yếu dành vốn ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn.
Sự dịch chuyển cho vay ngắn hạn nhiều hơn cho thấy các NH đã đầu tư nhiều hơn vào chất lượng tín dụng, và đòi hỏi bên vay sử dụng đúng mục đích và tăng chu kỳ sản xuất kinh doanh trên một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Về nguyên lý, một khoản vốn cho vay bổ sung vốn lưu động cho một DN thu gom nguyên liệu để chế biến hạt điều XK có kỳ hạn 3 tháng. Thế nhưng, lâu nay DN vẫn thường vay với kỳ hạn 9 tháng giải ngân từng phần theo tiến độ phương án kinh doanh của nhà XK. Danh mục làm ăn trong giấy phép kinh doanh của DN thường có đến vài chục ngành nghề khác nhau, nên rất có thể nhận vốn về nhưng chưa chắc đã thu gom điều nguyên liệu mà lại đầu tư vào lĩnh vực khác.
Trong khi đó các công ty sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng có tên tuổi trên thị trường hiện nay được cho là tốc độ vòng quay vốn lên đến 4 lần trong một năm. Điều này vốn NH chỉ có 1 đồng nhưng đã được luân chuyển nhân lên thành 4 đồng và bên vay vốn cũng tiết giảm rất nhiều chi phí tài chính trong sử dụng tín dụng.
Tổng giám đốc một NHTMCP tại TP.HCM cho biết, hiện nay họ rất ngại cho vay vào các dự án lớn, mà chủ yếu hướng vào những DN đang tìm kiếm những phương án kinh doanh thị trường ngách để cho vay ngắn hạn, khả năng thu hồi vốn nhanh. Đặc biệt các công ty gia đình với vòng quay sản phẩm nhanh chóng sau đó lại tiếp tục cho vay một chu kỳ sản xuất hoặc kinh doanh mới.
Không còn kêu thiếu vốn sản xuất, nếu…
Nếu vốn NH trở lại với đúng bản chất là cho vay vốn lưu động đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn trong sản xuất kinh doanh thì nhu cầu vốn trên thị trường sẽ không còn tiêu hao nhiều như những năm qua. Sự tiêu hao vốn thời gian qua có yếu tố vốn trung dài hạn đổ vào các công trình giao thông và dự án bất động sản. Theo đó vốn trung dài hạn trong toàn hệ thống NH từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 42-43% tổng dư nợ tín dụng, đến nay đã tăng lên trên 50%.
Theo thống kê của NHNN, tổng dư nợ cho vay bất động sản tính đến hết năm 2015 lên đến 390.000 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trước đó, mỗi dự án BOT hoặc BT trong ngành giao thông tiêu hao hàng ngàn tỷ đồng, theo thống kê đến cuối năm 2014 dư nợ cho vay các dự án này của các NHTM đã lên đến 37.799 tỷ đồng. Năm 2013 có thời điểm số vốn các NHTM cam kết cho vay các dự án công trình giao thông lên đến 400.000 tỷ đồng.
Nguyên do vốn tín dụng tăng tốc vào các dự án công trình giao thông giai đoạn này do nguồn vốn ngân sách giải ngân cho các nhà thầu, thi công chậm trễ, họ buộc phải vay nợ NH. Trong khi đó, nhu cầu huy động vốn cho các dự án này cũng đều nhắm đến hệ thống NH để đi vay làm đối ứng với các khoản vay ODA. Năm ngoái Thông tư 05 của NHNN ra đời như một chốt chặn vốn NH đổ quá nhiều vào các dự án giao thông có thể gây rủi ro cho hệ thống NH.
Sự dịch chuyển cơ cấu kỳ hạn nợ trong tín dụng NH còn làm cho nguồn vốn của các NHTM ổn định hơn. Khi mà nhu cầu vốn quay vòng nhanh sẽ không quá tiêu hao tài chính sẽ thuận lợi cho các NH giữ được ổn định lãi suất huy động. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong quý I/2016, tổng dư nợ cho vay ngắn hạn của các TCTD trên địa bàn tăng 2,6% so với cuối năm 2015. Chưa thể khẳng định được hiệu quả sử dụng vốn của các DN sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế đang tăng lên bao nhiêu.
Nhưng khi vốn NH tập trung đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn thì vốn sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế sẽ không còn là vấn đề lớn. Bởi các NH có thể sử dụng đòn bẩy một đồng vốn cho hai ba chu kỳ sản xuất hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ. Các NH từ chỗ tìm kiếm những dự án cho vay trung dài hạn, thì nay tập trung nhiều hơn vào các dự án quy mô nhỏ để đầu tư ngắn hạn, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu như đã từng xảy ra giai đoạn vừa qua.
Đức Nguyễn
(Thời báo Ngân hàng)