tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Làn sóng tư nhân 'đổ bộ' đường sắt

  • Cập nhật : 13/10/2015

(Kinh te vi mo)

Trong điều kiện vốn ngân sách eo hẹp, việc xã hội hóa, trong đó có chuyển nhượng hạ tầng là một lối thoát để phát triển hạ tầng giao thông.

Sau thời gian khởi động khó khăn, “chuyến tàu xã hội hóa” của đường sắt đã lăn bánh. Tư nhân ồ ạt ghi danh, đặt chỗ đầu tư. Chưa bao giờ, ngành đường sắt có nhiều hứa hẹn đổi thay như lúc này.

Những cơ hội làm thay đổi trì trệ

Như Tiền Phong đã đưa tin, vào giữa tháng 9 vừa qua, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Tập đoàn  Indo Trans Logistics (ITL) ký hợp đồng “Dự án xã hội hóa Trung tâm Đường sắt logistics tại ga Yên Viên” (Hà Nội).

Nói như ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT, dù trị giá bản hợp đồng nhỏ (vốn đầu tư từ năm 2015-2018 chỉ 90 tỷ đồng) nhưng có ý nghĩa lớn trong việc mở ra thời kỳ xã hội hóa, thu hút tư nhân vào lĩnh vực vận tải, hạ tầng đường sắt.

Với bản hợp đồng này, ĐSVN giao cho ITL nắm quyền khai thác bãi hàng ở Nam Yên Viên trong 23 năm. Đây chính là hình thức chuyển nhượng hạ tầng mà Bộ GTVT đề cập đến gần đây; đặc biệt sôi động trong lĩnh vực hàng không, hàng hải.

Tuy nhiên, hợp đồng của ĐSVN và ITL không ồn ào, thậm chí ít thông tin nhưng bất ngờ cán đích. Một chi tiết nhỏ nhưng đặc biệt: Lần đầu tiên trong nhiều năm, một sự kiện của Tổng Cty ĐSVN được tổ chức tại một khách sạn lớn nhất Hà Nội.

Dự án này được kỳ vọng là cánh tay nối dài của các cảng biển, cảng sông ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương; thay đổi cách thức bốc dỡ, quản lý hàng hóa; tạo cú hích cho hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường sắt ở miền Bắc.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty ĐSVN cho biết, ngoài dự án này, tổng công ty đang trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư vào các bãi hàng đường sắt tại Lào Cai, Lạng Sơn và Sóng Thần (Bình Dương).

Về hạ tầng nhà ga hành khách, Vingroup đánh tiếng muốn đầu tư vào Ga Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Riêng ga Đà Nẵng, theo Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT), đang có nhiều doanh nghiệp cùng xếp hàng đầu tư như: Liên danh Đức Bình - Thành Phong - Cienco 1, Công ty CP Tập đoàn T&T, Tập đoàn Vingroup và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Nam Việt Á.

Dự án xây dựng đường sắt khổ 1.435mm Hà Nội - Hải Phòng đang được Liên danh Nhà đầu tư Cty TNHH Phát triển Công Ý- Thái (ITD) và Cty Cổ phần Đầu tư khai thác cảng (IMP) (gói tắt là Liên danh Nhà đầu tư ITD - IMP) đang quan tâm nghiên cứu.

Các doanh nghiệp nhỏ, ngoài ngành cũng đang tìm thấy cơ hội kinh doanh từ đường sắt. Đơn cử, ngày 28/9, ĐSVN và Cty Viễn thông Hà Nội ký bản ghi nhớ hợp tác về dịch vụ tiện ích trực tuyến trên tàu (có tên Railway Box).

Theo đó, chỉ cần thông qua ứng dụng này trên điện thoại di động, hành khách có thể đặt đồ ăn, đồ uống và quà tặng dịch vụ trên tàu (bao gồm cả việc gọi đồ ăn đặc sản, quà tặng tại các ga trên hành trình đoàn tàu); cung cấp các ứng dụng xem phim, đọc báo, nghe nhạc, games; đặt tour du lịch, khách sạn, taxi đưa đón phục vụ hành khách đi tàu...

xa hoi hoa dang thoi lan gio moi vao dich vu duong sat. anh: sy luc.

Xã hội hóa đang thổi làn gió mới vào dịch vụ đường sắt. Ảnh: Sỹ Lực.

Tránh độc quyền, mất đất “vàng”

Trao đổi với PV Tiền Phong, tiến sỹ Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho hay, trong điều kiện vốn ngân sách eo hẹp, việc xã hội hóa, trong đó có chuyển nhượng hạ tầng là một lối thoát để phát triển hạ tầng giao thông.

Hiện nay, các nhà đầu tư BOT giao thông phải vay ngân hàng với lãi suất cao; nếu vay đến 80% vốn đầu tư có thể làm tăng gấp đôi tổng mức đầu tư dự án. TS Phước cho rằng, ngành GTVT cần tự xoay xở bằng giải pháp chuyển nhượng hạ tầng trước khi nghĩ đến sự hỗ trợ của ngân sách.

Tuy nhiên, trong chuyển nhượng, cho thuê hạ tầng, vấn đề chống độc quyền, ngăn việc sử dụng đất sai mục đích đang được đặt ra.

“Trước kia ngành đường sắt nặng về quan điểm con cháu trong nhà, nhưng nay sẽ thay đổi tư duy. Chúng tôi kêu gọi đầu tư, thậm chí mời các đơn vị mua hẳn đoàn tàu về chạy, ngành đường sắt sẽ cung cấp hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ đi kèm”

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Cty ĐSVN cho biết, để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các nhà vận tải hàng hóa, khi ký hợp đồng, tổng công ty đưa ra những điều kiện đi kèm để ngăn việc độc quyền, đẩy giá dịch vụ.

Cụ thể, với dự án của ITL, nhà đầu tư xây dựng các khung giá dịch vụ liên quan, trình tổng công ty phê duyệt. Lo ngại về diện tích lớn (gần 19.000m2) gần trung tâm Hà Nội của dự án này có thể bị biến tướng sang mục đích sang kinh doanh bất động sản, ông Tùng cho biết, trong hợp đồng cũng đã có các điều khoản để kiểm soát.

Điều này cũng được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề cập trong cuộc họp về xã hội hóa mới đây.

“Riêng những vấn đề liên quan đến đất, an ninh quốc phòng, Nhà nước quản lý và không được phép chuyển nhượng. Đối với các nhà đầu tư, có thể thuê đất để sử dụng nhưng chỉ phục vụ trong phạm vi phát triển các vấn đề liên quan đến đường sắt, chứ không thể làm bất động sản hay các lĩnh vực khác. Điều cần tập trung hướng tới là nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm thời gian, để mỗi chuyến đi tàu là một trải nghiệm thú vị với hành khách” - Bộ trưởng GTVT nói.

17 nhóm dự án đường sắt kêu gọi đầu tư

(1 -3) Nhượng quyền quản lý, kinh doanh tuyến Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng; Kép - Hạ Long - Cái Lân; bãi hàng ga Yên Viên; (4) Đầu tư xây dựng khu ga khách Nha Trang mới và kho, bãi hàng ga Vĩnh Trung; (5) Đầu tư hệ thống nhà ga, kho, bãi của 06 ga: Sóng Thần, Bỉm Sơn, Giáp Bát, Yên Viên, Lào Cai, Đồng Đăng; khu ga hàng Cái Lân và bãi cảng Cái Lân; Xuân Giao A; (6) Tuyến Hà Nội - TP.

Hồ Chí Minh: Trước mắt thực hiện nhượng quyền khai thác một số tuyến, khu đoạn hiện chưa sử dụng hết năng lực; (7) Tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân; (8 -13) Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Đông Anh - Quán Triều, Bắc Hồng - Văn Điển, Kép - Lưu Xá, Cầu Giát - Nghĩa Đàn, Diêu Trì - Quy Nhơn;

(14 - 17) Kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành - Vũng Tàu; di dời ga Đà Nẵng; đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục