Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, cảnh báo về nợ xấu
- Cập nhật : 18/05/2017
Tiếp sau Moody’s, Fitch Ratings vừa nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ tăng dần lên mức 6,3% trong năm 2017 và 6,4% trong năm 2018.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”, đồng thời giữ nguyên mức tín nhiệm ở BB-.
Fitch cũng giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành trái phiếu không đảm bảo bằng nội tệ và ngoại tệ có độ ưu tiên cao ở mức BB-. Trần xếp hạng tín nhiệm được giữ nguyên ở mức BB-, đồng thời xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ ngắn hạn ở mức B.
Theo thông báo của Fitch, các xếp hạng của Việt Nam phản ánh kết quả và triển vọng tăng trưởng mạnh, liên tục thặng dư tài khoản vãng lai, chi phí trả nợ được kiểm soát và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đều.
Ngoài ra, xếp hạng cũng thể hiện tỷ lệ nợ công cao, khoảng đệm dự trữ ngoại hối thấp, rủi ro hệ thống ngân hàng và vĩ mô, và một số chỉ số cấu trúc yếu hơn các nước cùng hạng.
Trong khi đó, việc nâng triển vọng lên tích cực là do Việt Nam đang thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách này, thể hiện ở việc cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn và chú trọng hơn vào ổn định lạm phát, đã hỗ trợ cho dòng vốn FDI vào mạnh mẽ và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 đạt 6,2%, đưa mức tăng trưởng GDP thực 5 năm lên mức 5,9%, cao hơn mức trung bình 3,4% của các nước cùng xếp hạng BB.
Fitch dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ tăng dần lên mức 6,3% trong năm 2017 và 6,4% trong năm 2018, nhờ vốn FDI tiếp tục đổ vào ngành sản xuất và chi tiêu dùng tư nhân cao.
Hãng tín nhiệm này đánh giá dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, đạt 37 tỷ USD vào cuối năm 2016, so với 28,6 tỷ USD cuối năm 2015. Thành tích này nhờ vào việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, thặng dư tài khoản vãng lai mạnh và dòng vốn FDI vào mạnh.
Fitch cũng cảnh báo chế độ tỷ giá này có thể bị thử thách do đồng đô la Mỹ mạnh lên, dẫn tới sự giảm giá tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc vào dòng vốn ngoại.
Xếp hạng BB- của Việt Nam phản ánh nợ chính phủ cao hơn mức trung bình của các nước xếp hạng BB và tiếp tục tăng. Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP đã tăng lên mức 53,4% cuối năm 2016 từ 50,1% cuối năm 2015. Trong khi đó, nợ công đã tăng lên 63,7% GDP vào cuối năm ngoái, gần chạm mức trần 65% GDP.
Fitch ước tính thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã giảm xuống còn 5,7% GDP vào cuối năm 2016 từ mức 6,2% cuối năm 2015 do thu ngân sách được cải thiện. Tổ chức này dự báo tỷ lệ này quanh mức 5,7% GDP trong giai đoạn 2017-2018 nếu không có đột biến nào về thu ngân sách.
Nợ xấu vẫn cần thêm thời gian để xử lý do rào cản pháp lý
Fitch chỉ ra một số thách thức đối với ngành ngân hàng Việt Nam dù đánh giá triển vọng ngành này ở mức ổn định. Lượng nợ xấu cần thêm thời gian để xử lý do các rào cản pháp lý, và tỷ lệ nợ xấu 2,5% vào cuối năm 2016 vẫn chưa phản ánh hết chất lượng tài sản.
Ngoài ra, các yếu kém mang tính hệ thống và cấu trúc vẫn dai dẳng, thể hiện ở khoảng đệm vốn mỏng và tỷ lệ sinh lời thấp. Do đó, Fitch cho rằng nhu cầu tái cấp vốn của ngành ngân hàng vẫn là một rủi ro.
Hơn nữa, dù tăng trưởng kinh tế nhanh có thể giúp giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh vẫn gây rủi ro cho sự ổn định tài chính trong trung hạn, Fitch đánh giá.
Cuối tháng trước, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là Moody’s cũng nâng triển vọng xếp hạng của Việt Nam ổn định lên tích cực, đồng thời giữ nguyên các mức tín nhiệm.
MINH TUẤN
Theo Bizlive