tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Công ty tài chính cho vay 2 tỷ USD

  • Cập nhật : 27/09/2016

(Tai chinh)

CTCP Truyền thông Tài chính (StoxPlus) vừa công bố kết quả thống kê thị phần cho vay của các công ty tài chính hiện vào khoảng 2 tỷ USD trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Thống kê cũng đưa ra tốc độ phát triển của toàn thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam năm 2015 tăng 44% so với năm trước đó và chiếm 6,8% tổng dư nợ nền kinh tế.

Theo kết quả khảo sát của công ty này thì thị trường cho vay tiêu dùng năm 2015 đã chiếm 10,4% GDP. Sự phát triển nhanh chóng này có yếu tố các công ty tài chính năm 2015 có số lượng tăng gấp đôi năm 2014, thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Đặc biệt là sau khi có dự thảo quy định NHTM phải thành lập công ty tài chính để cấp tín dụng tiêu dùng cho những khách hàng phi chuẩn.

Mặc dù tỷ lệ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn thấp hơn và xuất hiện sau các NHTM, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2012 khoảng 0,4%, năm 2013: 46,2%, năm 2014: 67,3%, thì đến năm 2015 là 126%. Nhờ món vay nhỏ, cấp vốn linh hoạt, các công ty tài chính đang có độ bao phủ thị trường lớn hơn các NHTM. Hiện nay FE Credit chiếm 53% thị phần, Home Credit 16% thị phần, HD Saison Finance 12% thị phần và Prudential Finance 11%...

Những điều đáng quan tâm hơn là nó đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Các món vay có giá trị dưới 10 triệu lại là các khoản vay chiếm tỷ trọng cao đối với khách hàng của công ty tài chính. Thị phần hoạt động của công ty tài chính hiện còn rất lớn, bởi một bộ phận lớn dân cư, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người có thu nhập thấp khả năng tiếp cận hệ thống NH còn khó khăn. Trong khi đó bản thống kê của StoxPlus cho biết hiện có đến 53 triệu người Việt đang ở độ tuổi lao động chưa có tài khoản NH, thu nhập thấp sẽ là mảng thị phần quan trọng cho vay tiêu dùng.

Song các công ty tài chính hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức về chi phí hoạt động khi thị trường có thêm nhiều đối thủ buộc các DN phải tăng phí hoa hồng tại các điểm bán lẻ hàng hóa mà công ty tài chính phối hợp cho vay mua hàng trả góp. Hơn nữa, chi phí thanh toán, thu hộ nợ góp hiện các công ty tài chính đang phải lệ thuộc vào các phương tiện thanh toán như ví điện tử MoMo, Payoo.

Trong một khảo sát mới đây các công ty tài chính phải trả cho những mô hình thanh toán trung gian này một mức phí từ 5% đến 8% đối với mỗi giao dịch. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng.

Vấn đề là các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như MoMo, Payoo… với lợi thế cơ sở dữ liệu và phương tiện internet hiện có rất nhiều khả năng họ sẽ tham gia thị trường cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.

Thêm vào đó các NHTM gần đây cũng đang quan tâm trở lại thị trường cho vay tiêu dùng như một giải pháp cho chiến lược bán lẻ trong tương lai. Trong khi đó lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đang cao hơn lãi suất của các NHTM cho vay tiêu dùng từ 30-60%. Mức độ rủi ro của các công ty tài chính tiêu dùng cao hơn nhiều so với các NHTM. Ngoài ra, vấn đề quản lý tài chính của người tiêu dùng Việt Nam còn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ cho những khoản vay phi tiêu chuẩn.

Để vượt qua những thách thức này cần phải có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho các công ty tài chính hoạt động để cung cấp cho thị trường nhiều hơn nữa các sản phẩm tài chính cá nhân.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục