tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chính sách tiền tệ 5 năm: “Chưa bao giờ Việt Nam đạt sự đồng thuận như vậy”

  • Cập nhật : 17/12/2015

(Tai chinh)

Trong 5 năm qua, những chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và kinh tế khác đã giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đánh giá về hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế tại Hội thảo diễn ra sáng nay, GS. TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2011-2015), kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều những khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế.

Đặc biệt trong thời gian này, kinh tế trong nước bộc lộ nhiều bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, thị trường bất động sản “đóng băng”, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỷ giá biến động và chịu nhiều sức ép, dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức thấp, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn về thanh khoản, quản trị yếu kém, nợ xấu gia tăng ở mức báo động, an toàn hệ thống đáng lo ngại, kỷ luật - kỷ cương thị trường bị phá vỡ.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã chèo lái, điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam nói chung, khu vực tài chính nói riêng.

Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến ổn định góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ tích cực cho lộ trình chống đô la hóa.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI, nhìn lại chính sách tiền tệ 5 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, NHNN, các bộ ban ngành, các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách này giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thuận với nhận định này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng khẳng định “Chính sách tiền tệ đã đóng góp quan trọng vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là điều dễ nhìn thấy nhất”.

Ổn định thị trường vàng, chống được vàng hóa và ổn định thị trường ngoại tệ là những thành công quan trọng của ngành ngân hàng.

Về nợ xấu, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng hơn 458 nghìn tỉ đồng nợ xấu, 45% số nợ xấu đó được xử lý qua Công ty quản lý tài sản VAMC. “Sự ra đời của VAMC tạo nền móng cho thị trường mua - bán nợ”, ông Hòe nhận định.

Cùng với sự ra đời của VAMC, NHNN với những bước đi quyết liệt như ban hành Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, năng lực chống đỡ rủi ro cùng với chất lượng tài sản cũng được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, mặc dù tỉ lệ nợ xấu giảm thành công từ 17% (trước tái cơ cấu) xuống 2,91% (tháng 10/2015), vẫn còn một khối lượng lớn tài sản đang nằm tại VAMC chờ xử lý.

“Trong thời gian tới, với việc NHNN tiếp tục đưa ra các chỉnh sách sửa đổi hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lưu động hóa các tài sản đảm bảo tại VAMC, cùng với triển vọng tích cực từ thị trường bất động sản, tất cả đều góp phần tích cực thúc đẩy nhanh quá trình lưu động hóa tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu”, TS. Trương Văn Phước nói.

Về lãi suất, tính cho đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng khoảng 47% so với cuối năm 2011 và tương đương mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 - giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân. Với những nỗ lực trong công tác điều hành lãi suất, chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất cho vay đã giảm hơn một nửa, giảm từ 20%/năm (thậm chí 24%/năm ở một số thời điểm) xuống chỉ còn 9 - 11% và còn khoảng 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện tại, đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 7%/năm (vay ngắn hạn), 9 - 10%/năm (vay trung - dài hạn). Đối với sản xuất - kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8 - 9%/năm (vay ngắn hạn); 9,3 - 11%/năm (vay trung - dài hạn). Với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án - dự án khả thi thì lãi suất vay chỉ còn 5 - 6%/năm. Bên cạnh các khoản vay mới với lãi suất thấp, NHNN cũng yêu cầu các TCTD đưa lãi suất của các khoản vay cũ về mức 15%/năm và sau đó là 13%/năm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giải phóng kênh tín dụng.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng thách thức với ngành ngân hàng vẫn còn rất lớn. Theo ông Phạm Xuân Hòe, dư địa chính sách vĩ mô không còn nhiều. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng hàng năm 15 - 17%, chất lượng nợ xấu; bài toán tỷ giá và lãi suất VND - lãi suất USD sẽ chịu nhiều áp lực. Thâm hụt tài khóa, nợ công, cộng thêm cam kết đưa thâm hụt tài khóa về 4% trong trung hạn. Ngoài ra, rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của Ngân hàng Trung ương các nước lớn tác động lan tỏa dễ gây tổn thương tới hệ thống tài chính Việt Nam, áp lực lớn cho thiết kế điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các NHTM Việt Nam còn hạn chế trong khi hội nhập càng sâu rộng.

TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra kiến nghị Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính, hướng đến chính sách lạm phát mục tiêu và 1 Ngân hàng Trung ương hiện đại và độc lập hơn.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục