Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu khi nói về trường hợp gần đây nhiều khách hàng phản ánh tình trạng thẻ ATM của họ vẫn cầm trong tay mà lại bị rút tiền một cách "bí ẩn".
“Quota tín dụng năm 2016 nên ở mức 20%”
- Cập nhật : 08/12/2015
(Tai chinh)
Cứ đến thời điểm cuối năm, thị trường lại quan tâm đến các chỉ tiêu của chính sách tiền tệ như quota tăng trưởng tín dụng, điều hành lãi suất. Vậy nhưng, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là hết năm tài chính, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa ra thông điệp nào về những chỉ tiêu này.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng tự tính toán dựa trên các chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua vào hồi tháng 11. Theo đó, để tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,7% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 20% mới đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và tổng vốn đầu tư. Cùng với đó, lãi suất cho vaygiảm là mong muốn của thị trường, doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội phục hồi cho nền kinh tế.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học Marketting TP.HCM, cho rằng tín dụng phải tăng trưởng đạt khoảng 20% thì mới đạt được tổng vốn đầu tư để có mức tăng trưởng 6,7%.
Tăng trưởng 20% là đủ hay sẽ gây tăng trưởng nóng?
Cùng quan điểm trên, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng cho rằng tín toán tín dụng sẽ phải tăng khoảng 17 - 20% thì mới đảm bảo tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%. Vì ở Việt Nam cứ tăng 1% GDP thì tăng 2 - 3% tăng trưởng tín dụng tương ứng.
“Hiện vốn cung ứng cho nhu cầu thị trường vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng do thị trường chứng khoán chưa phát triển, thị trường bảo hiểm chưa nâng được, vốn nước ngoài cũng đang hạn chế vào, nguồn huy động trong dân cũng cạn kiệt rồi, phát hành trái phiếu quốc tế cũng bị giới hạn bởi uy tín…”, ông Kiêm nhận định.
Trước lo ngại nguy cơ lạm phát, ông Kiêm bình luận các nước đang phát triển đôi khi cũng phải có bước kích thích lạm phát tương đối để kích thích tăng trưởng. Với nước ta, tăng trưởng GDP 6,7% thì CPI cũng phải tăng ở mức 5%.
Chất lượng tín dụng phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát của ngân hàng cũng như khả năng tính toán sử dụng đồng vốn của doanh nghiệp nên hoàn toàn khác với GDP. Tăng trưởng tín dụng cao thì kích thích GDP.
Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng nếu đẩy tăng trưởng tín dụng lên 20% hoặc cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng như trong quá khứ. Đó là, nếu tăng trưởng quá cao thì sẽ quay lại bài toán cũ là tăng trưởng nóng, lạm phát, thị trường bất động sản phát triển nóng theo. Thông điệp NHNN rất rõ là vẫn muốn kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
“Theo tôi, tăng trưởng tín dụng khoảng 16 - 18% là hợp lý. Mức tăng trưởng 18% là mức cao chứ không phải là thấp so với hiện nay. Đây là mức tăng vừa đủ cho nhu cầu đầu tư của xã hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng, không nên để thừa ra để tạo cơ hội cho nhà đầu tư nghĩ đến việc đầu tư khác ngoài ngành”, ông Hải phân tích.
Lãi suất cho vay khó giảm?
Câu chuyện lãi suất luôn là chủ đề nóng trong thời gian qua mặc dù NHNN đã hạ nhiệt lãi suất giảm xuống mức thấp tương đương năm 2007. Dù vậy, câu chuyện lãi suất vẫn luôn là chủ để nóng bởi nó là nguồn vốn đầu vào của giá thành sản phẩm, doanh nghiệp nên lãi suất càng thấp cơ hội phục hồi của doanh nghiệp càng cao, giá thành càng hạ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đang ở mức thấp, khoảng 2%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 7 - 9%, đây là một nghịch lý. Thực tế này đòi hỏi lãi suất cho vay cần phải giảm thêm nữa.
Về vấn đề lãi suất, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng việc giảm lãi suất sẽ khó và cần phải xem động thái của FED. Nếu Mỹ nâng lãi suất thì Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực đối với tỷ giá. Khi đó, nhiều nhà đầu tư có tiền gửi ngân hàng sẽ rút ra để đầu tư bất động sản, ngoại tệ và kênh khác.
“Từ đó, việc huy động vốn cũng khó khăn và các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động để kích thích dòng vốn chảy vào ngân hàng. Khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Với tính toán mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khoảng 3 - 4% thì lãi suất huy động lên 6% thì lãi suất cho vay khoảng 9 - 11%. Thực sự thị trường tài chính rất khó nhận định”, ông Quý bình luận.
Ông Quý cho biết, với tư cách là một doanh nghiệp ông rất mong lãi suất cho vay sẽ thấp nhưng công bằng mà nói lãi suất hiện tại cũng được rồi, ổn định ở mức thấp. “Nhưng trong điều kiện hiện nay thì mức lãi suất này cần phải co cho khéo, song để hạ lãi suất thì không thể hạ nổi”, ông Quý nhận định.
Theo ông Quý, hiện việc tiếp cận vốn khá dễ dàng và các ngân hàng không còn tình trạng “vòi vĩnh” như trước đây nếu như doanh nghiệp có được dự án khả thi và chữ tín.
“Nếu doanh nghiệp chứng minh được dự án khả thi thì việc tiếp cận vốn rất dễ, thậm chí ngân hàng còn đến tận nơi. Tuy nhiên, chỉ có những ngân hàng có thương hiệu thì mới được như vậy vì họ có nguồn vốn dồi dào, còn những ngân hàng không có thương hiệu thì cho vay rất khó vì vốn đầu vào không ổn”, ông Quý nhận định.
Ở một góc nhìn khác, ông Ngân lại cho rằng việc giảm lãi suất cho vay phải từ thông điệp và hành động cụ thể của NHNN.
“Việc giảm lãi suất không phải mong muốn là được, mà phải có hành động cụ thể. Đồng thời, NHNN phải kiểm soát lạm phát, tăng cung vốn cho thị trường khi cầu vốn cao trong dịp lễ tết. Nếu cung vốn không hỗ trợ, chính sách tiền tệ không mở rộng thì làm sao giảm được lại suất”, ông Ngân bình luận.
Theo ông Ngân, NHNN muốn giảm lãi suất thì phải tăng cung vốn, giảm lãi suất tái cấp vốn để mở rộng cánh cửa cho NHTM vay, như vậy lãi suất sẽ giảm xuống. Nếu NHNN không mở cánh cửa đó thì NHTM phải huy động vốn từ dân cư, khi đó lãi suất cạnh tranh với nhau buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động lên. Như vậy, lãi suất cho vay không giảm được.
“Trong trường hợp điều kiện vĩ mô không cho phép thì cần một gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để vay vốn đầu tư máy móc thiết bị là cần thiết, tức là hỗ trợ chênh lệch lãi suất”, ông Ngân bình luận.