Những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại VN phải đối mặt trong năm 2015 đã tăng lên so với năm ngoái, khi trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện...
Báo Nhật: "Đại gia" năng lượng Nhật Bản sẽ mua 10% cổ phần Petrolimex
- Cập nhật : 24/02/2016
(Kinh te)
Tờ Nikkei đưa tin, Tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy sẽ chi khoảng 20 tỷ yên (tương đương 117 triệu USD) để mua 10% cổ phần tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hai bên đã trải qua quá trình đàm phán kể từ tháng 12/2014.
Tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon sẽ chi khoảng 117 triệu USD để mua 10% cổ phần tại Petrolimex.
Petrolimex hiện đang chiếm hơn một nửa thị phần tại thị trường Việt Nam. Phía JX sẽ hỗ trợ Petrolimex trong các vấn đề kinh doanh chuyên môn, bao gồm quản lý hệ thống cây xăng và hệ thống thanh toán.
Ngoài ra, theo Nikkei, JX cũng sẽ quyết định trong năm 2016 về việc có nên tham gia vào một dự án nhà máy lọc dầu tại Khu công nghiệp Vân Phong cùng Petrolimex.
Nhà máy này có công suất dự kiến khoảng 200.000 thùng/ngày, sản xuất xăng và dầu diesel cho thị trường Việt Nam. Tại Việt Nam, hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang có công suất khoảng 150.000 thùng/ngày, và chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu trong nước.
Trước đó, một công ty của Nhật Bản là Idemitsu Kosan đã đầu tư 9 tỷ USD để tham gia vào một dự án nhà máy lọc dầu tại khu công nghiệp Nghi Sơn. Theo đánh giá của Nikkei, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển đi cùng với nhu cầu đầu tư các dự án lọc dầu. JX cũng như nhiều doanh nghiệp Trung Đông khác tham vọng biến thị trường Việt Nam thành nguồn thu quan trọng.
Petrolimex đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang hình thức công ty cổ phần, đại chúng từ ngày 14/1/2015. Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xây dựng phương án bán tiếp phần vốn nhà nước xuống mức quy định Nhà nước nắm giữ từ 65% đến 75% tổng số cổ phần và báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận và ủy quyền Bộ Công Thương triển khai thực hiện.