Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Sắp có “quà riêng” tái cơ cấu ngân hàng
- Cập nhật : 24/02/2016
(Tai chinh)
Phần quà” này chỉ dành riêng cho các ngân hàng thương mại nhà nước...
Một cơ chế hỗ trợ được cho là cần thiết sắp hiện thực, sau bốn năm triển khai quá trình tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo một chính sách, trong đó tạo sự hỗ trợ cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu. Nhưng cơ chế này lại chỉ dành riêng cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Với dự thảo trên, dự kiến tới đây, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc cổ phần nhưng Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối sẽ được áp cơ chế sử dụng vốn rộng hơn trong cho vay.
Theo quy định hiện hành ở Thông tư 36, chỉ ngân hàng thương mại nhà nước mới được áp tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) ở mức cao nhất với 90%; các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài thấp hơn với 80%.
Theo chính sách đang soạn thảo, tới đây dự kiến đối tượng được áp giới hạn 90%, được một trong những điều kiện để cho vay ra nhiều hơn, sẽ mở rộng.
Cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), từ năm 2015, khối ngân hàng thương mại nhà nước có thêm các “ngân hàng 0 đồng” mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại, bao gồm Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây Dựng và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu.
Trường hợp Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã là ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng Nhà nước vẫn sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là những ngân hàng thương mại có vai trò dẫn đầu và tạo lập thị trường, tiên phong trong việc thực hiện các định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường tiền tệ.
Cùng đó, ba “ông lớn” trên được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của một số ngân hàng yếu kém, tham gia sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Với những lý do trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc xem xét nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng này từ 80% lên 90% là cần thiết nhằm hỗ trợ các ngân hàng này hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Về cơ chế, dự kiến điều chỉnh trên sẽ là “món quà” dành riêng cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
Còn trên thực tế, điều chỉnh dự kiến đó không có nhiều ý nghĩa.
Bởi lẽ, dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước suốt thời gian qua cho thấy, khối ngân hàng “được quà” nói trên luôn có tỷ lệ LDR ở mức cao vượt trội; cập nhật gần nhất đến tháng 11/2015 ở mức 98,38%, trong khi giới hạn dự kiến trên chỉ 90%.
Trong khi đó, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, khối ngân hàng thương mại cổ phần gần như tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm túc, về số liệu báo cáo, khi duy trì LDR luôn thấp hơn giới hạn quy định 80%.
Dù không nhiều ý nghĩa khi so với thực tế hiện nay, nhưng ở khía cạnh môi trường và cơ chế kinh doanh, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần tham gia thị trường ở đây là đáng chú ý.