Với dân số khổng lồ cùng với sự thịnh vượng ngày càng rõ ràng hơn, vùng nông thôn Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn.
Chính phủ công bố lộ trình thoái vốn VEAM, ACV, Petrolimex cùng loạt doanh nghiệp lớn
- Cập nhật : 22/08/2017
Ngay trong năm 2017 này, cổ phần tại 24 doanh nghiệp lớn thuộc các Bộ sẽ được thoái một phần hoặc toàn bộ. Hiện trong danh sách thoái vốn này vẫn chưa có tên các ngân hàng có vốn nhà nước.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.
Mục đích của việc ban hành Danh mục này nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc bảo đảm nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Lộ trình được đề ra với tỷ lệ % bán vốn được cụ thể từng năm. Hàng loạt các Tổng công ty Nhà nước sẽ thoái sạch vốn trong giai đoạn 2017-2020 gồm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (bán 52,5% vốn năm 2017 và 36% vốn năm 2019), Tổng công ty Dệt May Việt Nam -Vinatex (bán 53,5% trong năm 2018), Tổng công ty Thép Việt Nam - Vnsteel (bán 57,9% năm 2018 và 36% năm 2020), Tổng công ty Mía đường II (bán 93% vốn năm 2017), Tổng công ty Viglacera - Công ty CP (bán 20,6% năm 2018 và 36% năm 2019), Tổng công ty Sông Hồng (bán 73% năm 2017), Tổng công ty Thiết bị Y tế (bán 20% năm 2018), Tổng công ty Dược Việt Nam (bán 35% năm 2017 và 30% năm 2018),...
Một số Tổng công ty vẫn được Nhà nước nắm giữ trên 51% cho tới năm 2020 như ACV (bán 20% năm 2018 và 10,5% năm 2020), Vietnam Airlines (bán 35,2% năm 2019), Petrolimex (bán 24,9% năm 2018), VNCC (bán 36,3% năm 2017),...
Chỉ một số ít doanh nghiệp nhà nước được giữ lại với tỷ lệ sở hữu trên 50%
Một số DN đặc thù hoặc có quy mô lớn sẽ thực hiện theo Quyết định riêng của cấp có thẩm quyền. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, các DN sẽ thoái theo mệnh giá là hơn 19.779 tỷ đồng (tính sơ bộ theo giá trị niêm yết có thể mang lại tới gần 30.000 tỷ đồng). Với 406 lượt DNNN phải thoái vốn từ nay tới năm 2020, tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá là khoảng 65.000 tỷ đồng.
Ngay trong năm 2017 này, cổ phần tại 135 doanh nghiệp nhà nước sẽ được chào bán trong đó riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ là 24 doanh nghiệp. Hiện trong danh sách thoái vốn này vẫn chưa có tên các ngân hàng có vốn nhà nước do NHNN là đại diện phần vốn. Một số cái tên "nóng" khác như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamik), Habeco, Sabeco,... cũng chưa thấy xuất hiện trong danh sách này.
Danh mục thoái vốn chi tiết
Thanh Thủy - Tuấn Trần
Theo Ndh.vn