Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
101 lý do khiến nhân viên ngân hàng muốn nghỉ việc
- Cập nhật : 01/02/2016
(Tai chinh)
Lâu nay, ngành ngân hàng vốn được coi là ngành hot, lương cao, thưởng nhiều, là niềm mơ ước của nhiều người nhưng thực tế, đã có hàng loạt nhân viên trong ngành phải từ bỏ vì nhiều lý do.
Điệp khúc... chỉ tiêu
Một chuyện tưởng chừng như đùa lại đang xảy ra phổ biến trên thực tế. Tại phòng khám chuyên khoa cho các bệnh nhân tâm thần, rất nhiều trường hợp nhân viên làm việc trong ngành tài chính ngân hàng đến gặp bác sĩ trong tình trạng stress nặng do áp lực làm việc quá sức.
Nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội cho biết chỗ chị đã từng có trường hợp nhân viên bị gia đình đưa vào viện vì quá say mê công việc đến mức không còn biết đến gia đình, người thân, không còn phân biệt được ngày tháng.
Đó cũng là lý do vì sao đối với các nhân viên ngân hàng hiện nay đã có thêm một trào lưu: tập yoga vào giờ nghỉ trưa. Chị Mai Thanh làm việc tại Sở giao dịch của ngân hàng Vietcombank cho biết, thời gian nghỉ trưa rất ngắn nhưng trưa nào chị cũng tranh thủ tập yoga để nâng cao sức khỏe đồng thời giảm bớt stress do khối lượng công việc.
Lâu nay, ngành ngân hàng vốn được coi là ngành hot, lương cao, thưởng nhiều, là niềm mơ ước của nhiều người nhưng thực tế, đã có những nhân viên lâu năm trong nghề phải từ bỏ.
Hồi tháng 11 năm ngoái, trên mạng xã hội đã xôn xao khi xuất hiện lá đơn xin nghỉ việc cùng dòng tâm sự lý do quyết định xin nghỉ làm của giao dịch viên của một ngân hàng lớn tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) sau 7 năm gắn bó.
Trên trang cá nhân, chị chia sẻ rằng công việc trong ngành ngân hàng từng là niềm tự hào của mẹ chị và các con. Suốt 7 năm công tác trong ngành, chị luôn hoàn thành công việc được giao cũng như rất yêu công việc của mình. Tuy nhiên, công việc ngày càng áp lực, niềm vui đi làm không còn nữa. Mỗi ngày chị đều cảm thấy nặng nề.
Trong đơn gửi Ban giám đốc ngân hàng, chị viết: "Vậy mà giờ đây mỗi sáng điệp khúc huy động, cho vay quay cuồng trong bộ não vốn đã quá đầy cho bất hạnh, lo toan, chỉ tiêu gì mà hàng ngày, hàng tuần vậy hả trời?.. Và rồi lại điệp khúc trăm cuộc họp không hoàn thành, không làm được,...
Áp lực chỉ tiêu, chạy đua KPI đối với các ngân hàng hiện nay thực sự rất lớn. Không riêng gì các ngân hàng thương mại cổ phần mà các ngân hàng thương mại nhà nước cũng áp chỉ tiêu cho cán bộ nhân viên và không loại trừ một bộ phận nào từ kinh doanh cho đến kỹ thuật, bộ phận truyền thông phát triển thương hiệu, từ huy động vốn, cho vay cho tới đòi nợ, mở thẻ…
Không những thế, đối với nhân viên tín dụng, áp lực doanh số cho vay cũng luôn đè nặng nhưng nỗi sợ hãi vướng vòng lao lý mới là điều họ nơm nớp nhất.
Đặc biệt các vụ án liên quan tới sai phạm trong cho vay được phanh phui càng nhiều, một số cán bộ chia sẻ họ vừa cho vay vừa run, có dự án còn lo mất ăn mất ngủ vì đôi khi có nhiều rủi ro từ phía khách hàng không lường trước được.
Chuyển dịch nhân sự
Hệ thống ngân hàng sau một chặng đường dài tái cấu trúc, nhiều ngân hàng trải qua phương án hợp nhất, sáp nhập, sẽ không tránh khỏi sự dịch chuyển nhân sự. Một cựu nhân viên của ngân hàng 0 đồng cho biết, lý do anh này bỏ việc tại ngân hàng này vì lương, thưởng bị giảm sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng nên anh đã thi vào vị trí tín dụng tại BIDV. Công việc ban đầu đối với anh rất vất vả vì áp lực chỉ tiêu khá lớn tuy nhiên sau khi cân nhắc về chế độ lao động hơn hẳn chỗ cũ, anh có thêm động lực để cố gắng hoàn thành công việc.
Chị Thu Hòa, cũng từng nhảy việc từ ngân hàng T. sang ngân hàng V. cho biết, khi mà kinh doanh khó khăn, mỗi ngân hàng có cách kinh doanh, sản phẩm, khẩu vị rủi ro riêng. Vì thế định hướng kinh doanh của ngân hàng có thể phù hợp với thế mạnh của nhân viên này nhưng không phải sở trường với nhân viên khác, nên cũng dẫn tới quyết định chuyển công tác.
Ngoài ra, các chuyên gia ngân hàng chỉ ra rằng, một nguyên nhân nữa là việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng liên tục, cho vay khó khăn, nợ xấu còn cao… cũng làm nản lòng cán bộ, nhân viên và họ chủ động tìm một lối thoát.
Ngoài việc nhân viên ngân hàng thi nhau nhảy việc từ ngân hàng A sang ngân hàng B, còn xuất hiện thêm hiện tượng chuyển dịch sang doanh nghiệp hoặc tự kinh doanh.
Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, nguyên nhân các nhân viên ngoài chuyện lương, chính sách đãi ngộ, việc thường xuyên đổi chỗ làm còn đến từ nguyên nhân đặc thù của lao động. Ở các vị trí nhân viên thông thường như hỗ trợ tín dụng, tín dụng, chủ yếu họ là người trẻ, ít kinh nghiệm nên muốn thử sức ở nhiều vị trí hơn.
Ngoài ra, những vấn đề về cung – cầu của nền kinh tế cộng việc liên tục có những doanh nghiệp quy mô nhỏ mới lập ra, những doanh nghiệp lớn chuyển mình cũng khiến thị trường lao động biến đổi. Hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trả thu nhập rất cao. Đặc biệt họ lại rất thích tuyển dụng nhân viên ngân hàng có năng lực và được đào tạo bài bảng, phong thái chuyên nghiệp….
Một khảo sát mới đây của JobStreet - mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á - cho thấy, 66% số người được khảo sát nhận mức lương dưới 10 triệu. Điều này khiến 29% nhân sự ngành muốn chuyển nghề vì họ thấy lương thấp hơn so với kỳ vọng. 53% cảm thấy thiếu cơ hội phát triển và khó đạt được vị trí mà họ mong muốn.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam chia sẻ, ngân hàng cần phải có lợi nhuận và chuyện áp chỉ tiêu- điều hiển nhiên ngân hàng nào cũng vậy, doanh nghiệp nào cũng có; đồng thời tạo ra động lực để nhân viên liên tục phát triển và phấn đấu. Việc một nhân viên cảm thấy quá áp lực, không theo kịp yêu cầu của ngân hàng và nghỉ việc là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng theo ông, ngoài vấn đề lương thưởng, thì môi trường, văn hóa ngân hàng là yếu tố không nhỏ mà nhân viên ngân hàng cần cân nhắc mỗi khi quyết định nhảy việc.