Ngày 8-1, tại TP.HCM, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” với sự tham dự của đại diện 15 địa phương và quỹ đầu tư lớn tại phía Nam.
Lòng dân - "Hàn thử biểu" cho thành công của ngành ngân hàng
- Cập nhật : 08/01/2016
(Tai chinh)
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các nhà báo đã hỏi nhiều đại biểu Quốc hội từng chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời đầu nhiệm kỳ rằng: “Tại sao đại biểu không chất vấn thống đốc nữa?". Các nhà báo đã nhận được câu trả lời: “Vì cử tri không hỏi và kiến nghị với ngành ngân hàng nữa”. Đây cũng được coi như "hàn thử biểu" của lòng dân với thành công của ngành ngân hàng...
Ngành ngân hàng "vượt bão"
Năm 2011 được ví như đám mây đen bao trùm lên ngành ngân hàng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến khả năng thanh khoản hệ thống.
Lạm phát lên mức 18,13%, lãi suất cho vay tới 20-25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) vượt trần lãi suất huy động (14%/năm) gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ; quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Đặc biệt đã xảy ra mất cân đối trong cơ cấu tín dụng khi một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán; thanh khoản của hệ thống TCTD thiếu hụt nghiêm trọng... Tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ, tình trạng 2 tỷ giá phổ biến, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối Nhà nước sụt giảm mạnh, kỳ vọng mất giá của VND ngày càng lớn.
Đặc biệt đáng sợ nhất là nợ xấu tăng cao. Thời điểm tháng 9-2012, nợ xấu từng lên tới 17,2%, nhiều tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiền tệ, ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo tràn lan.
Bài toán đặt ra cần xử lý là giảm lạm phát, đưa tín dụng đi vào sản xuất, phải giảm mặt bằng lãi suất, phải lập lại kỷ cương thị trường vàng, ngoại tệ, phải quyết liệt tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống, xây dựng và duy trì niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng.
Trước bối cảnh đó, người đứng đầu ngành ngân hàng đã từng nói với cấp trên “Nhiệm kỳ thống đốc của tôi có thể chỉ là 3 tháng” bởi hệ thống ngân hàng thời điểm 2011 vô cùng khó khăn. Nếu vượt qua được 3 tháng đầu tiên đồng nghĩa với việc bước qua nấc thang cao nhất của sự khó khăn và thống đốc sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền của ngành ngân hàng, nếu không sẽ là thống đốc có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Với cộng sự trong một cuộc họp, thống đốc đã khẳng định quyết liệt “Nếu không làm được chúng ta sẽ thất bại”.
Nhưng kết quả cuối cùng đã chứng minh, nỗ lực của ngành ngân hàng góp phần quyết định kéo lạm phát từ 2 con số giảm xuống còn 1,84 % năm 2014.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm từ khoảng 20-25%/năm (năm 2011) xuống còn 7-9%/năm (năm 2015), tỷ giá ổn định, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế dần bị xóa bỏ, lập lại kỷ cương của thị trường vàng…
Trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện quyết liệt nhất với việc giảm số lượng TCTD yếu kém, lập lại kỷ cương, giảm tình trạng sở hữu chéo, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đưa nhiều vụ trọng án ra xét xử.
Việc xử lý nợ xấu được thực hiện quyết liệt với các TCTD tự xử lý (chiếm khoảng 60%) và bán về Công ty quản lý tài sản (VAMC) để xử lý (khoảng 40%).
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá thành công lớn nhất của hệ thống ngân hàng trong 5 năm qua không chỉ là những con số mang tính định lượng mà điều quan trọng nhất là ổn định hệ thống, lấy lại niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng, góp phần quan trọng ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế quốc gia.
Thành công đến từ sự chủ động
Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống thì sự điều hành chính sách nhịp nhàng cũng là một nguyên nhân cốt lõi, để qua đó nhấn mạnh đến sự chủ động, dám nghĩ, dám làm khi tham mưu chính sách với Chính phủ.
Theo thống đốc, ngành ngân hàng phải chủ động đề xuất tham mưu với Chính phủ về những vấn đề cần giải quyết, thậm chí chấp nhận cả việc “búa rìu” dư luận hoặc dư luận chưa nhìn ra kết quả do độ trễ của chính sách. Điều quan trọng nhất, Chính phủ nhìn nhận, tin tưởng vào thành công để chỉ đạo ngành ngân hàng triển khai.
Điển hình cho việc đó là NHNN đề xuất chính sách trong việc quản lý, lập lại kỷ cương thị trường vàng, loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán, cơ chế điều hành tín dụng hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả, chính sách tỷ giá, các biện pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đặc biệt liên quan đến cơ chế mua 0 đồng, hoặc thành lập VAMC; hoặc liên quan đến việc giải quyết câu chuyện về bất cân xứng thị trường tài chính (thị trường tiền tệ và thị trường vốn) khi mà thị trường tiền tệ gánh quá nhiều vốn cho nền kinh tế, thậm chí sai lệch cả bản chất khi tỷ trọng vốn trung và dài hạn tập trung quá nhiều vào thị trường tiền tệ mà đáng lý là thuộc về thị trường vốn (bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu), giảm tình trạng sở hữu chéo.
NHNN đề xuất Chính phủ ban hành Thông tư 36 về quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Nếu không có sự sáng suốt của Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành những vấn đề nóng như vậy thì ngành ngân hàng không thể có thành công như vậy.
Thông điệp ngành ngân hàng năm 2016
Năm 2016, năm được dự báo là có nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, ngành ngân hàng vẫn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Mặc dù trong những năm qua, tỷ giá đã được điều hành theo hướng linh hoạt tạo được sự chủ động và niềm tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, theo thống đốc, chúng ta vẫn phải linh hoạt, thị trường hơn nữa, chống đầu cơ, chống tâm lý găm giữ, đô la hóa. Thời gian tới thị trường sẽ phải làm quen với cách thức điều hành tỷ giá mới, phù hợp diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, có yếu tố quản lý của nhà nước để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Vừa qua, việc NHNN quy định tiền gửi USD lãi suất 0% là nằm trong lộ trình chống đô la hóa. Việc này có thể lúc đầu dư luận sẽ có ý kiến nhưng cũng giống như câu chuyện với vàng, phải làm như vậy để lành mạnh hóa thị trường tiền tệ theo thông lệ quốc tế. Chúng ta tôn trọng quyền nắm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, nhưng trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng đồng tiền Việt Nam. Trước mắt, người dân vẫn có quyền rút ngoại tệ, nhưng NHNN không khuyến khích việc này.
Cơ chế tín dụng trong những năm qua đã đạt được mục tiêu hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, khắc phục được những bất cập trước kia, bảo đảm hiệu quả, tăng trưởng hợp lý, an toàn của đồng vốn, hỗ trợ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nền kinh tế, phát huy các chuỗi giá trị trong sản xuất, tập trung vào những ngành nghề mũi nhọn và có thế mạnh, quan tâm đến việc phát triển kinh tế biển…
Tín dụng trong năm tới dự báo tăng khoảng 18%-20% và tiếp tục hướng tín dụng vào sản xuất thực sự, lãi suất trung và dài hạn có thể giảm 0,2 đến 0,3%/năm. Đối với cho vay bất động sản phải kiểm soát chặt chẽ tránh tạo bong bóng thị trường bất động sản. Đối với trái phiếu Chính phủ, thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại mua ở mức hợp lý, đảm bảo cân đối nguồn vốn hợp lý.
Trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước và dư luận đánh giá tái cơ cấu ngân hàng được triển khai đúng lộ trình và có được kết quả rõ nét nhất. Dù vậy, thống đốc khẳng định: “Chúng ta vẫn quyết liệt thực hiện để tạo lập được một hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Trong 5 năm tới, chúng ta sẽ đưa về khoảng 15 TCTD. Nguyên tắc tái cơ cấu không phụ thuộc vào quy mô ngân hàng to hay bé mà phụ thuộc vào TCTD đó có hoạt động an toàn và hiệu quả hay không. Chúng ta sẽ áp dụng chuẩn mực quốc tế để cảnh báo vốn điều lệ, nếu không tăng được Nhà nước sẽ mua phần thâm hụt giống như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng”...
Về nợ xấu, giải quyết nợ xấu, cần thời gian, nguồn lực và lộ trình thích hợp, bước đầu đã có những kết quả nhưng trong thời gian tới phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo ra thị trường mua bán nợ để ai cần mua có thể mua được nợ xấu, theo đó cần đề xuất có luật riêng cho VAMC để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay.
Hiện nay, thị trường tài chính bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Muốn thị trường tài chính phát triển tốt, huy động được nguồn lực phát triển kinh tế đất nước thì sự phát triển thị trường tiền tệ thôi chưa đủ mà cần sự phát triển tốt của thị trường vốn. Thị trường tiền tệ được đánh giá là tốt, trong khi đó thị trường vốn chưa phát huy hết vai trò thông qua việc huy động vốn qua kênh thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn.
Muốn có thị trường tài chính phát triển tốt cần xây dựng cơ chế, triển khai các chính sách, nắn chỉnh thị trường phù hợp với bản chất và quy luật để lành mạnh hóa thị trường và thu hút nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế đất nước. Ngành ngân hàng triển khai quyết liệt để lành mạnh hóa thị trường tiền tệ trên nguyên tắc phải áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Mặc dù Việt Nam lọt vào tốp 30 về chỉ số tiếp cận tín dụng, nhưng người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng một trong những yếu tố các tổ chức quốc tế đánh giá là Việt Nam còn thiếu cơ chế bảo vệ người cho vay mà mới chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi của người đi vay. Về điều này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu NHNN cần tham mưu chính sách phù hợp theo thông lệ quốc tế.