Biến động chứng khoán Trung Quốc gần đây đang dấy lên lo ngại rằng thế giới sắp phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính mới, giống như năm 2008.
Vốn vay nước ngoài: Cấp phát hay cho vay lại?
- Cập nhật : 09/01/2016
(Tai chinh)
Ngày 8-1, tại TP.HCM, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” với sự tham dự của đại diện 15 địa phương và quỹ đầu tư lớn tại phía Nam.
Gần 95% vốn vay là cấp phát
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay vốn vay nước ngoài của Chính phủ dành gần 93% cấp phát cho các địa phương, chỉ có hơn 7% cho vay lại. Sắp tới vốn ODA sẽ chỉ dành cho các tỉnh khó khăn, các tỉnh còn lại chuyển dần sang các nguôn vốn khác.
TP.HCM là địa phương phát hành trái phiếu đầu tiên trong cả nước, nên sẽ không tác động nhiều chỉ tác động về cơ cấu nguồn vốn. Còn các tỉnh khác, việc chuyển này sẽ được phân loại theo các mức khác nhau.
Đánh giá về hiện trạng phân bổ nguồn vốn ODA cho các địa phương, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, hiện nay chỉ có 13 địa phương tự cân đối được ngân sách, số còn lại 50 địa phương nhận phân bổ từ ngân sách Trung ương.
Giai đoạn 2004-2014, 35% tổng vốn ODA, vay ưu đãi đã ký kết dành cho địa phương khoảng 15,5 tỷ USD. Trong đó, cơ cấu vốn được phân bổ cho phát triển hạ tầng (38%), phát triển đô thị (35%), giảm nghèo (23%), dịch vụ xã hội (4%). Kết quả phân bổ chưa được đồng đều, một số địa phương không có dự án ODA do địa phương làm chủ dự án.
Khi trình dự án, các địa phương đều trình phương án thực hiện rất khả quan, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án của địa phương thiếu vốn đối ứng, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, 90% dự án gia hạn một lần, có những dự án phải gia hạn 2-3 lần. Trung bình việc thực hiện dự án là là 5 năm, nhưng các dự án kéo dài đến 8-9 năm, thậm chí có dự án kéo dài đến 12 năm. Nguyên nhân thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương, phân bổ vốn không đồng đều, không có tiêu chí rõ ràng.
Bên cạnh đó, bất cập trong giai đoạn gần đây, nợ công tăng cao, năm 2014, nợ công đạt 58% GDP, trong khi đó nhu cầu đầu tư để hiện đại hóa, công nghiệp hóa giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030 rất lớn; chỉ số trả nợ do Chính phủ vay so với thu ngân sách có xu hướng tăng, hiện chiếm 10%…
Sẽ chuyển sang cho vay lại
Từ thực tế trên, bài toàn nguồn vốn đầu tư của địa phương phải xử lý bằng việc huy động vốn và quản lý rủi ro của công tác huy động vốn. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc cải cách chính sách cho vay lại vốn vay nước ngoài với chính quyền địa phương. Cách này gắn quyền của địa phương trong việc quyết định đầu tư với trách nhiệm tài chính khi huy động vốn.
Ông Nguyễn Duy Sơn, đại diện Ngân hàng thế giới cho rằng, trong bối cảnh nguồn cho vay từ các nhà tài trợ đã có xu hướng giảm đến mức thấp nhất, thậm chí về 0 đồng, việc cho vay lại sẽ mang lại thay đổi lớn cho nguồn vốn ODA.
Để thực hiện được giải pháp này, Ngân hàng Thế giới đề xuất tiêu chí phân bổ vốn vay ưu đãi, đánh giá năng lực vay nợ của địa phương; những rủi ro tín dụng khi cho vay lại…
Theo ông Bùi Đường Nghiêu, Viện Trưởng Viện Đào tạo Quốc tế- Bộ Tài chính, bối cảnh hiện nay cho vay lại hay cấp phát tiếp không chỉ là tâm tư của Bộ Tài chính mà còn là tâm tư của các địa phương. Tỉnh muốn phát triển phải giải quyết các dự án về cơ sở hạ tầng, có cơ chế và tài chính rõ ràng. Việc chuyển đổi 93% nguồn vốn cấp phát sang cho vay lại cần phải có bước đi rõ ràng, có lộ trình thực hiện. Bộ Tài chính cần ban hành bộ cơ chế mới về cho vay lại nằm trong quy định về cho vay nợ công.
Đứng ở góc độ địa phương, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, nhu cầu đầu tư để đảm bảo TP.HCM phát triển hiện đại rất lớn, TP.HCM đã áp dụng nhiều phương án huy động vốn, trong đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên áp dụng huy động trái phiếu đô thị.
Số dư nợ từ nguồn vốn vay ODA tăng rất nhanh, đầu năm 2015, số dư nợ là 1.200 tỷ đồng, đến cuối năm con số này đã tăng lên 5.000 tỷ đồng. Tổng nợ của TP.HCM đến cuối năm 2015 là 18.000 tỷ đồng, bao gồm nợ của trái phiếu chính quyền địa phương và nợ vay vốn Trung ương.
Nếu thực hiện theo quy định mới thì dư nợ từ nguồn vốn ODA sẽ tăng nhanh, do các dự án từ nguồn vốn này kéo dài. Hiện nay, trả nợ vay của thành phố còn rất thấp vì các dự án còn ở giai đoạn ban đầu. Thực tế hiện nay, quy định quản lý nợ công chưa thống nhất, vướng mắc về thẩm định các dự án. Vai trò của sở tài chính, sở hế hoạch và đầu tư chưa được quy định rõ ràng trong việc quản lý nợ công.
Đại diện các địa phương cho rằng, để sử dụng vốn vay hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả của việc huy động và sử dụng vốn vay theo đúng Luật Đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chi phí vay; chủ động xây dựng cơ quan quản lý nợ công theo hướng chuyên môn hóa. Hiện nay, việc huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước là giải pháp bắt buộc, kiến nghị Trung ương có cơ chế riêng cho việc bội chi ngân sách; tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận các nguồn vốn vay mới...