tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

  • Cập nhật : 10/01/2016

(Tai chinh)

Việc để nhân dân tệ giảm giá trị giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc trở nên rẻ hơn.

su giam gia lien tuc cua dong nhan dan te dan den noi lo ve nguy co xay ra chien tranh tien te. anh: ap

Sự giảm giá liên tục của đồng nhân dân tệ dẫn đến nỗi lo về nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ. Ảnh: AP

Động thái liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốcthời gian qua khiến các nhà đầu tư trên thế giới không khỏi lo lắng về nguy cơ xảy ra làn sóng phá giá tiền tệ ở châu Á nói riêng và thế giới nói chung. So với 1 năm trước, giá trị NDT so với đồng USD đã giảm 6%.

Trong khi đó, đồng won (Hàn Quốc) và đồng đô-la Singapore đã giảm 5% giá trị trong 6 tháng qua. Ngay cả tại Ấn Độ, thị trường mới nổi thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu nhất, đồng rupee cũng giảm 7% giá trị so với đồng USD. Tại Đông Nam Á, đồng nội tệ của Indonesia và Thái Lan lần lượt giảm 9% và 10% trong năm 2015.

Diễn biến trên khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Mexico Luis Videgaray hôm 7-1 lên tiếng cảnh báo những động thái về tiền tệ của Trung Quốc có thể dẫn đến một đợt cạnh tranh mới về phá giá tiền tệ, đe dọa tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu trong thời gian tới. Theo báo The New York Times hôm 9-1, hoạt động xuất khẩu suy yếu ở châu Á càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra “chiến tranh tiền tệ”.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 12-2015 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2014. Còn tính cả năm 2015 thì con số này giảm 8% so với năm trước đó - kết quả kém nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan trong năm ngoái thậm chí còn bi đát hơn - giảm 10% so với năm 2014.

Việc để NDT thêm suy yếu giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc trở nên rẻ hơn, qua đó hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài. Để cạnh tranh với nền kinh tế thứ 2 thế giới này, các đối tác thương mại của Trung Quốc - hầu hết ở khu vực châu Á - cũng phải giảm giá trị đồng nội tệ. “Các thị trường mới nổi sẽ phản ứng tiêu cực vì họ buộc phải duy trì sức cạnh tranh” - ông Ihab Salib, người đứng đầu bộ phận thu nhập quốc tế tại Công ty Dịch vụ tài chính Federated Investors (Mỹ), nhận định.

Nhiều nền kinh tế mới nổi dựa vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa cơ bản, như dầu, đồng và đậu nành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm trong năm qua, đã tổn hại đến tốc độ tăng trưởng của họ. Cùng lúc đó, việc đồng USD mạnh lên, cùng với quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), càng khiến cho việc vay mượn ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn. Theo đài CNN, chính những yếu tố trên đang thúc đẩy NDT thêm rớt giá, chứ không phải chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Bản thân ngân hàng này đã chi 500 tỉ USD để giữ cho đồng NDT không rớt giá quá nhiều trong năm 2015.

“Các quan chức Trung Quốc không tìm cách hạ giá đồng NDT mà chỉ cố gắng ngăn nó yếu thêm” - ông Win Thin, một chuyên gia tại Ngân hàng Brown Brothers Harriman (Mỹ), nhận định. Đồng tình với đánh giá này, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hôm 8-1 cho rằng việc NDT giảm giá gần đây phản ánh thị trường chứ không phải do “sự can thiệp của con người”. Vì thế, theo ông Nakao, châu Á sẽ không đối mặt với cuộc chiến tiền tệ do Trung Quốc gây ra. “Việc NDT bị mất giá nhanh chóng có thể gây ra một số biến động trên thị trường và các quốc gia khác có thể phá giá nội tệ. Hiện đã có một số nước làm thế nhưng tôi không nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ” - ông Nakao nhận định.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục