Biến động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo động lực cho giá vàng đi lên trong các phiên giao dịch gần đây.
TGĐ Thủy sản Hùng Vương: "Nếu xuất siêu thì không ai dại gì giữ USD, còn nhập siêu thì phải coi lại"
- Cập nhật : 08/01/2016
(Thuong mai)
Tổng giám đốc HVG cho rằng, khi điều hành tỷ cơ chế tỷ giá mới, xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì khi doanh nghiệp bán hàng ra đã biết được giá thành nhờ tỷ giá trung tâm hàng ngày.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo áp dụng cơ chế tỷ giá mới - Tỷ giá trung tâm. Có nhiều ý kiến cho rằng cơ chế mới sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch Hôi đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG).
PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố áp quy chế Tỷ giá trung tâm. Quy chế mới này sẽ ảnh hưởng ra sao đối với các doanh nghiệp nói chung?
Ông Dương Ngọc Minh: Năm 2016 là năm hội nhập kinh tế của Việt Nam, trong các hiệp định vừa ký kết, bao gồm vấn đề bảo hiểm, sử dụng lao động, chế độ chính sách cho người lao động…,kể cả vấn đề cấm trợ giá đối với cách ngành nghề liên quan đến sản phẩm xuất khẩu trong khối các nước tham gia hiệp định.
Thông qua hội nhập, muốn nói lên nền kinh tế Việt Nam đã trở thành nền kinh tế thị trường, do đó, việc Ngân hàng nhà nước áp quy chế tỷ giá trung tâm là điều tốt cho hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung. Nếu nền kinh tế của Việt Nam mạnh, có tích lũy thì đồng tiền VND sẽ có giá. Ngược lại, nếu nợ nần cao, làm ra không có tích lũy thì VND sẽ mất giá. Điều này phản ánh đúng cung cầu ngoại tệ cho các mặt hàng xuất nhập khẩu.
Tôi cho rằng, việc áp dụng tỷ giá trung tâm là một bước tiến bộ trong điều hành tiền tệ của Việt Nam, không mang tính áp đặt như cách đưa ra biên độ tỷ giá cộng trừ, không đúng theo kinh tế thị trường tiền tệ của một quốc gia.
Vấn đề là chúng ta phải điều hành làm sao để tỷ giá sát với thị trường. Lúc này, những đồng tiền đang phá giá mạnh như yên Nhật, Nhân dân tệ Trung Quốc, Euro…ít nhiều tác động đến tỷ giá trung tâm. Nếu cân đối không hợp lý thì cũng không có lợi cho xuất khẩu, tạo điều kiện nhập siêu tăng. Cân đối không hợp lý thì dòng USD về cũng không đủ nhu cầu nhập khẩu, chưa nói đến vấn đề vốn ODA phải trả. Đây là áp lực cho ngân hàng nhà nước…
Với công thức hiện tại, tỷ giá có thể được điều chỉnh hàng ngày và căn cứ vào diễn biến của thế giới thì mức điều chỉnh có thể cao hoặc thấp. Việc điều chỉnh như thế này có khiến HVG gặp khó khăn gì so với trước đây hay không?
Khi điều hành tỷ giá trung tâm hàng ngày, xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì khi doanh nghiệp bán hàng ra đã biết được giá thành nhờ tỷ giá trung tâm hàng ngày. Nhưng doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu áp lực khi hàng hóa về mà rủi ro trong ngày đó tỷ giá cao thì sẽ lỗ. Do đó, khi áp dụng tỷ giá lên xuống hàng ngày sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu cân đối đúng nhu cầu của thị trường chứ không thể dựa vào bao cấp tỷ giá, lãi suất cho vay ngoại tệ thấp như trước đây để mua hàng hóa về đầu cơ.
Riêng về công ty Hùng Vương, chúng tôi có thế mạnh cân đối cung cầu ngoại tệ xuất và nhập khẩu. Năm 2016, công ty có thể điều tiết được 500 triệu USD xuất khẩu tôm và cá tra, nhập khẩu không quá 200 triệu đô. Do đó, nếu tỷ giá biến động hàng ngày thì chúng tôi vẫn điều tiết được.
Chúng tôi biết cần phải dùng bao nhiêu USD để nhập nguyên liệu về sản xuất thức ăn thủy sản và chăn nuôi. Vì vậy, điều hành của công ty sẽ chính xác, chúng tôi có thể không dựa vào điều tiết tỷ giá hàng ngày mà sẽ có tỷ giá cố định từ 3 đến 6 tháng để ổn định đầu ra, đầu vào. Đây là lợi thế của Hùng Vương so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tỷ giá tăng thì lợi càng cao. Lợi ở đây là lợi thế trong thương mại và lợi thế cạnh tranh, kể cả việc điều tiết thị trường. Ví dụ, trong tháng này xuất được 100 triệu USD, chúng tôi sẽ biết được sẽ phải dành ra bao nhiều USD để ấn định tỷ giá đầu vào cho xuất và nhập khẩu. Nghĩa là công ty cũng là người điều hành tỷ giá chứ không dựa hoàn toàn vào nhà nước. Với 100 triệu USD thu về, công ty có thể dành ra 50 triệu để nhập khẩu và có thể cân đối tỷ giá đầu vào ở mức 22.000 hoặc 23.000 đồng chứ không phụ thuộc vào thị trường.
Trong trường hợp tỷ giá trung tâm càng cao thì Hùng Vương càng có lợi vì chúng tôi điều hành sản xuất theo vòng quay từ A-Z.
Ông nói tỷ giá có lợi cho ngành nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, nhưng hiện có đến 70% giá thành sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu phụ thuộc nhập khẩu. Việc tỷ giá thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá thành đầu vào vì muốn ổn định sản xuất cần phải có chiến lược nhập nguyên liệu nữa hoặc 1 năm và cần tỷ giá ổn định?
Doanh nghiệp cũng phải tính như ngân hàng. Buôn bán phải bắt kịp theo tình hình chung của thế giới và cũng phải bắt kịp tình hình của Việt Nam, từ đó đưa ra chính sách nhập nguyên liệu vừa và đủ chứ không nên dư thừa.
Ngay tại Hùng Vương, sau khi có tỷ giá trung tâm, tôi đã chỉ đạo phòng nhập khẩu nguyên liệu phải đưa ra kế hoạch tồn kho mức độ vừa đủ sản xuất. Việc điều chỉnh tỷ giá ít nhiều tác động đến gia bán lẻ ra thị trường, hàng hóa sẽ có biên độ giá giao động nhất định, nhưng đối với những doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp (vừa nhập, vừa xuất) thì họ sẽ có cách để điều tiết. Những doanh nghiệp nhỏ sẽ bị vướng trong vòng luẩn quẩn nhập khẩu.
Tới đây, tỷ giá điều hành lên xuống theo ngày sẽ giúp đáp ứng đủ nhu cầu cho người cần USD nhập khẩu. Họ phải tính toán vay USD để nhập khẩu về đáp ứng nhu cầu thực sự chứ không thể vay để kinh doanh theo kiểu trading, đầu cơ như trước được nữa. Nghĩa là, tỷ giá trung tâm sẽ loại ra người đầu cơ, phục vụ người có nhu cầu thực sự.
Như trước đây, doanh nghiệp sử dụng biên độ tỷ giá giao dịch trong vòng vài tháng hoặc 1 năm để tham chiếu xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Với quy chế mới này, rủi ro tỷ giá có thể tăng nhất là đối với những đơn hàng không giao ngay. Vậy các doanh nghiệp có kế sách gì để giảm bớt rủi ro?
Câu hỏi này liên quan đến doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu thường dùng biên độ tiền đồng để giao dịch mua bán, còn dùng USD để cân đối dòng tiền thu về. Như vậy, với quy chế điều hành tỷ giá theo ngày, sẽ kích thích được sản xuất.
Nếu doanh nghiệp sản xuất vay bằng USD, trả bằng USD thì họ cũng xác định được tỷ giá lúc vay là bao nhiêu để đưa ra giá bán có lợi nhất. Về mặt này, nhóm doanh nghiệp sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu là có lợi nhất vì lúc này hàng hóa đã đi theo thị trường, khi mua nguyên liệu để sản xuất trong vài ba ngày là họ đã biết được tỷ giá USD rồi.
Lãi suất gửi tiết kiệm USD đã về 0%. Các nghiệp vụ liên quan đến sử dụng đồng USD đang được công ty sử dụng như thế nào?
Gửi tiết kiệm USD lãi suất về 0% thì về nghiệp vụ, với lãi suất VND hiện nay, khi chuyển USD sang VND gửi tiết kiệm vẫn có lợi hơn. Nhưng nếu tỷ giá cứ tăng hàng tháng, vượt quá tỷ lệ 1% thì doanh nghiệp giữ USD lại, từ từ bán chứ không cần đổi ra VND làm gì.
Ý tôi muốn nói ở đây là tỷ giá có biến động hay không cũng phải phụ thuộc vào “sức khỏe” của VND, thể hiện qua xuất siêu hay nhập siêu. Nếu xuất siêu thì không ai dại gì giữ USD, còn nhập siêu thì phải coi lại. Trường hợp tính tỷ giá trung tâm không sát thì cũng bị ảnh hưởng. Thành ra, việc điều hành tỷ giá trung tâm phải sát với tình hình thị trường, vì rổ tham chiếu tới 5 đồng tiền, trong khi thời điểm này chỉ có USD là mạnh nhất. Đồng tiền gây ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu bây giờ lại là NDT. Trung Quốc đang đối mặt với tăng trưởng chậm, có thể họ phải phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu. Điều này cho thấy tỷ giá điều chỉnh lên xuống bị tác động từ yếu tố bên ngoài chứ không thể theo ý chủ quan được.
Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Với việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, Ngân hàng nhà nước phải tính toán sát biên độ dao động các loại tiền tệ đang lưu hành trong rổ tiền tệ quốc tế, cụ thể là USD, Yên Nhật, Bảng Anh, uero, gần đây nhất là NDT.
Khi điều hành tỷ giá trung tâm có tham chiếu với một số đồng ngoại tệ trong rổ nói trên, thì Việt Nam cũng phải tính đến mức độ cung cầu thị trường. Nếu đưa tỷ giá trung tâm khác với xu hướng thị trường thì sẽ xảy ra tình trạng cung không đủ cầu, hoặc cung thừa, cầu không cần. Vấn đề này sẽ đi đến chính sách dành cho xuất khẩu và nhập khẩu bị biến động.
Ông Dương Ngọc Minh