Lần thứ hai trong vòng hai tuần qua, Công ty SJC lại tạm ngưng mua vàng miếng SJC loại một ký tự chữ và vàng móp méo do đã sử dụng hết hạn mức được cấp.
Thị trường tài chính toàn cầu đứng trước cuộc khủng hoảng mới
- Cập nhật : 11/01/2016
(Tai chinh)
Biến động chứng khoán Trung Quốc gần đây đang dấy lên lo ngại rằng thế giới sắp phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính mới, giống như năm 2008.
Ngày 7/1, nhà đầu tư tỷ phú George Soros đã đánh tiếng về nguy cơ khủng hoảng tài chính trong tương lai gần. Trong một bài phát biểu ở Sri Lanka, ông Soros nói: "Trung Quốc có vấn đề lớn về khả năng điều chỉnh. Tôi phải nói rằng nó chẳng khác nào một cuộc khủng hoảng. Khi nhìn vào các thị trường tài chính, tôi nhận thấy có một thách thức nghiêm trọng gợi nhớ tới tình hình năm 2008".
Theo CNN Money, tình trạng yếu kém của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng ngày càng xấu đến kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính so với trước đây. Chúng ta đã được chứng kiến tác động của kinh tế Trung Quốc tới thị trường dầu mỏ và các hàng hóa khác. Và nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục suy yếu và dẫn tới chiến tranh tiền tệ, hậu quả sẽ thực sự rất đáng sợ.
Chỉ trong 4 phiên giao dịch đầu năm nay, 2.600 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường toàn cầu do lo ngại về chiến tranh tiền tệ sau động thái tiền tệ của Trung Quốc, Telegraph cho biết. Đây được xem là khởi đầu tệ hại nhất của thị trường chứng khoán trong 15 năm qua. Các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu đều trùm sắc đỏ khi đóng phiên 7/1.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường khác lại cho rằng, sẽ hơi quá nếu so sánh cuộc khủng hoảng sắp tới với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Tôi cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể nổ tung được", Giám đốc chiến lược đầu tư Jeffrey Saut tại Raymond James nói. Ông nhận định rằng, hiện nay có rất ít nguy cơ lây lan bởi các ngân hàng đã "dọn dẹp" bảng cân đối sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng chẳng là điều bất ngờ bởi nước này đang chuyển hướng sang nền kinh tế tiêu dùng.
"Rủi ro hiện nay chỉ là sự phản ứng thái quá của thị trường. Việc chuyển đổi từ kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu - sản xuất sang tiêu dùng như Trung Quốc là một quá trình thường thấy", theo ông Nicholas Yeo, trưởng phòng chứng khoán Trung Quốc tại quỹ quản lý tài sản Aberdeen.
Và tình trạng lao dốc của giá hàng hóa cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian, theo CNN Money. Lisa Kopp - trưởng phòng đầu tư tại quỹ tài sản U.S Bank nhận định rằng, xét về cơ cấu, chưa thực sự có ngòi nổ mới nào đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường, giống như thị trường vay thế chấp hồi năm 2008.
Xét về một vài khía cạnh, khủng hoảng thị trường Trung Quốc đang ngày càng nghiêm trọng hơn do những nỗ lực sửa chữa sai lầm của chính phủ nước này. Việc cho ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán trong 2 ngày liên tiếp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, ít nhất là họ đã nhận ra sai lầm và hành động.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, một trong những lý do chính khiến thị trường thế giới trở nên tệ hơn là, các nhà quản lý Mỹ đã nhận ra sai lầm của hệ thống ngân hàng quá muộn, theo chiến lược gia đầu tư Kristina Hooper tại công ty đầu tư Allianz.
"Năm 2008, bạn có thể nhận thấy ra rằng, chính phủ Mỹ đã không mạnh tay can thiệp vào thị trường như đáng lẽ ra phải làm. Những khoản vay thế chấp cứ thế càng lớn dần. Và đây là lý do khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn với những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Nhưng, đó không phải là phản ứng hoảng sợ", bà Hooper nói.
Ngay cả khi sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc không đẩy thị trường lao dốc thảm hại thì cũng không có nghĩa là giá cổ phiếu sẽ tăng vọt ngay lập tức.
Tính đến đầu tháng 3/2016, thị trường sẽ đánh dấu mốc 7 năm tăng điểm liên tiếp. Đây vốn dĩ đã là khoảng thời gian tăng điểm dài hơi của thị trường chứng khoán. Vì vậy, sẽ rất khó để thị trường này duy trì đà tăng, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực sự có ý định nâng lãi suất 4 lần trong năm 2016.
Quản lý danh mục đầu tư Bob Landry tại công ty tư vấn đầu tư USAA cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn mong manh và chưa đủ mạnh mẽ để đứng vững trước nhiều đợt nâng lãi suất như vậy. "FED cần giảm tiến độ tăng lãi suất để ổn định thị trường. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cổ phiếu trượt giá trong năm 2016, nhất là khi tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn chậm chạp", ông Landry nhận định.