tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vàng sẽ đi về đâu trong năm 2016?

  • Cập nhật : 19/12/2015

(Tin kinh te)

Liệu giá vàng có phục hồi trở lại trong năm 2016? Đó là câu hỏi mà khá nhiều nhà đầu tư vàng đang đặt ra. Thế nhưng dự báo của nhiều ngân hàng đầu tư cho thấy, năm 2016 tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với vàng trong bối cảnh lạm phát thấp và lãi suất cao hơn tại Mỹ.

vang se di ve dau trong nam 2016?

Vàng sẽ đi về đâu trong năm 2016?

Mặc dù động thái tăng lãi suất vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã được dự báo từ khá sớm, thế nhưng sau khi quyết định này được đưa ra, giá vàng vẫn quay đầu giảm khá mạnh. Trong khi đó, tính đến thứ Tư, lượng hợp đồng vàng đã giảm 9% so với cuối năm 2014, cho thấy kim loại quý này đang hướng đến năm suy giảm thứ ba liên tiếp.

Liệu giá vàng có phục hồi trở lại trong năm 2016? Đó là câu hỏi mà khá nhiều nhà đầu tư vàng đang đặt ra. Thế nhưng dự báo của nhiều đầu tư cho thấy, năm 2016 cho thấy tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với vàng trong bối cảnh lạm phát thấp và lãi suất cao hơn tại Mỹ.

Còn nhớ hồi đầu tháng 7 năm nay, chuyên gia Jeffrey Currie của Goldman Sachs - người đã từng khuyên các nhà đầu tư bán vàng vào năm 2013 trước khi giá kim loại quý này bắt đầu lao dốc mạnh nhất trong 3 thập kỷ qua - đã dự đoán giá vàng có thể giao dịch dưới 1.000 USD/oz.

"Tôi nghĩ rằng thị trường đang trong xu hướng suy giảm, không chỉ đối với vàng mà rộng hơn là cả thị trường hàng hóa. Việc giá của nhiều loại hàng hóa cơ bản sụt giảm mạnh cộng hưởng với nhau tạo như một vòng xoáy tiêu cực", ông Jeffrey Currie cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 7.

Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới như Goldman Sachs, JP Morgan, Citi, ABN Amro, hay Societe Generale... đều dự báo giá vàng sẽ trượt xuống dưới 1.000 USD vào đầu năm 2016, với mức giá trung bình thấp hơn so với năm 2015. Trong số đó, ABN Amro tỏ ra bi quan nhất khi dự báo giá vàng sẽ giảm xuống dưới 900 USD/oz hoặc thấp hơn trong năm 2016.

Tuy nhiên, HSBC lại cho rằng, giá vàng cuối cùng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2016 sau nhiều lần phá đáy nhiều năm. Mặc dù vậy, ngân hàng này vẫn cảnh báo, giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn và có thể xoay quanh ngưỡng 1.000 USD/oz trước khi phục hồi.

Nhìn lại sự suy giảm của vàng trong năm 2015 có thể thấy chủ yếu do kim loại quý này đã chịu tác động của khá nhiều yếu tố tiêu cực: Lạm phát thấp do giá dầu giảm sâu, đồng đôla Mỹ tăng giá mạnh nhờ kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất; trong khi nhu cầu vàng vật chất yếu do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Hầu hết các yếu tố này được sự báo sẽ không biến mất trong năm tới, thậm chí có thể còn mạnh hơn khi mà Fed đã bước vào chu kỳ thắt chặt.Nói cách khác, áp lực giảm giá vàng sẽ còn lớn hơn trong năm 2016.

Thế nhưng, một số nhà phân tích vẫn cho rằng, lịch sử cho thấy vàng đã tăng giá khá mạnh trong phần lớn các đợt thắt chặt tiền tệ của Fed. Lần cuối cùng là giai đoạn từ giữa năm 2004 đến giữa năm 2006, khi giá vàng tăng từ 400 USD/oz lên trên 700 USD/oz cho dù Fed đã có 17 lần tăng lãi suất liên tiếp.

Tuy nhiên, dường như các nhà phân tích này đã bỏ qua lạm phát - một yếu tố khá quan trọng có ảnh hưởng lớn đối với giá vàng. Trên thực tế, các nhà đầu tư thường đẩy mạnh mua vàng để phòng ngừa rủi ro khi kinh tế suy thoái hoặc khi giá trị tiền giấy bị suy giảm vì lạm phát.

Nguyên nhân quan trọng nhất đến đến giá vàng tăng mạnh trong giai đoạn 2004 và 2007 là lạm phát tại Mỹ đang tăng cao với việc giá của nhiều mặt hàng cơ bản như dầu liên tục phá vỡ các mức đỉnh của thời gian trước.Trong khi hiện nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát khi thị trường hàng hóa vẫn còn trong xu hướng giảm với việc giảm giá dầu sụt giảm hơn 60 phần trăm kể từ tháng 6/2014, hiện đã rơi xuống thấp nhất 7 năm. Tại Mỹ, lạm phát cơ bản được dự báo cũng không thể tăng lên cao hơn 2% vào năm 2017, theo dự báo của các nhà kinh tế tại Đại học Michigan.

Trong lịch sử, giá vàng đã trải qua hai giai đoạn bong bóng nghiêm trọng nhất kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ: Giai đoạn đầu tiên là từ giữa năm 1979 đến tháng 1/1980, giá kim loại quý này đã tăng 325% từ 200 USD/oz lên mức cao kỷ lục 850 USD/oz. Giai đoạn thứ hai là từ giữa năm 2004 cho đến tháng 8/2011, giá vàng cũng đã tăng khoảng 375% lên khoảng 1.900 USD/oz.

Hai giai đoạn bong bóng này đều có chung nguồn gốc, đó là lạm phát tăng cao bất thường kèm theo các cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng. Điều khác biệt duy nhất trong giai đoạn sau này là việc các nước phương Tây nối gót Mỹ tiến hành các gói nới lỏng định lượng khổng lồ, trong khi giá dầu tăng đột biến đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao.

Song lịch sử vẫn thường lặp lại, nên rất có thể chu kỳ bong bóng giá vàng năm 1980 sẽ cho chúng ta manh mối để trả lời câu hỏi: Liệu đâu là đáy của giá vàng và chu kỳ suy giảm này kéo dài bao lâu?

Còn nhớ vào tháng Giêng năm 1980, giá vàng đạt đỉnh 850 USD/oz. Tuy nhiên sau đó nó bắt đầu giảm mạnh và duy trì ổn định trong khoảng 300-400 đô la trong 22 năm trước khi bắt đầu leo ​​lên những đỉnh cao mới.Thậm chí vào tháng 8/1999, những lo ngại về việc các NHTW giảm giảm dự trữ vàng thỏi đã đẩy giá vàng rơi xuống còn 252 USD/oz, thấp hơn khoảng 70% so với mức đỉnh trước đó.

Theo tính chu kỳ, vàng sẽ có ngày trở lại. Tuy nhiên, giá vàng trong năm 2016 biến động thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức Fed thắt chặt tiền tệ nhanh hay chậm. Song nhìn chung giá vàng có thể phải tiếp tục trải qua một thời gian khó khăn trước khi Fed phát đi tín hiệu chấm dứt hoạt động thắt chặt.


Anh Thư
Nguồn : Xinhuanet, Thời báo Ngân Hàng

Trở về

Bài cùng chuyên mục