Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất huy động ngoại tệ xuống 0%. Nhiều người đang gửi USD cho biết phải tính toán kỹ hơn do phải so đo giữa LS và tỉ giá.
Lãi suất USD về 0%: Sẽ làm nản lòng giới đầu cơ?
- Cập nhật : 20/12/2015
(Tai chinh)
Hiện nay, người có tiền USD gửi ngân hàng không phải đa số. Chính vì thế, thị trường có nhiều người đầu cơ USD, găm USD để gửi ngân hàng. Vì vậy, biện pháp của NHNN sẽ chỉ gây ngạc nhiên cho một số ít người gửi tiền, còn sẽ làm nản lòng giới đầu cơ.
Ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức hạ lãi suất về 0% đối với tiền gửi bằng đồng USD của cá nhân, tổ chức tại các tổ chức tín dụng. Vậy động thái này có tác động như thế nào đến thị trường và người gửi tiền..? Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Tài chính - Ngân hàng T.S Nguyễn Trí Hiếu.
Theo ông, tại sao NHNN hạ lãi suất tiền gửi cá nhân bằng đồng USD về 0% ? Biện pháp này của NHNN nhằm mục đích gì?
Động thái chưa có tiền lệ này ở Việt Nam nhưng là chuyện bình thường ở thế giới khi rất nhiều nước để lãi suất ngoại tệ bằng 0% hoặc âm. Mục đích của NHNN là nhằm chống găm giữ đồng đô la của thiểu số người và chống hiện tượng đô la hóa nền kinh tế. Đây là những căn bệnh nan y trong nền kinh tế Việt Nam từ trước cho đến nay và NHNN đang thực hiện nhiều biện pháp để triệt tiêu.
Việc hạ lãi suất huy động là động thái kết hợp bởi tháng 9/2015, NHNN đã giảm lãi suất về 0% tiền gửi USD của các tổ chức, doanh nghiệp. Lần này là bước tiếp theo để NHNN thực hiện chính sách đồng bộ trong điều hành lãi suất các đồng ngoại tệ. Đây cũng là cơ sở cho việc NHNN thiết lập mặt bằng lãi suất của các đồng ngoại tệ khác như: đồng Euro, Yên (Nhật), Bảng Anh hay Nhân dân tệ…
Đáng chú ý, động thái của NHNN diễn ra chỉ sau khi FED nâng lãi suất USD lên 0,25%. Khi đó, rất nhiều đồng tiền trên thế giới đã mất giá từ 0,5 - 1,5%. Với Việt Nam đồng, khi FED tăng lãi suất, đồng của Việt Nam mất giá 0,47 - 0,5%...
Bên cạnh đó, mới đây Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ, giới tài chính có nhiều lo ngại về việc các đồng tiền mạnh trên thế giới có thể mất giá theo, dẫn đến tâm lý đầu cơ USD để tránh rủi ro và găm giữ USD. Vì thế, nhiều người lo sợ đồng nội tệ sẽ mất giá thêm và phát sinh nhu cầu mua và gửi USD.
Việc NHNN hạ lãi suất huy động tiền gửi bằng USD của cá nhân, sẽ tác động như nào đến tâm lý của người tiêu dùng và thị trường, thưa ông?
Hiện nay, người có tiền USD gửi ngân hàng không phải đa số. Chính vì thế, thị trường có nhiều người đầu cơ USD, găm USD để gửi ngân hàng vì coi đây là kênh đầu tư an toàn. Biện pháp của NHNN sẽ chỉ gây ngạc nhiên cho một số ít người gửi tiền, còn sẽ làm nản lòng giới đầu cơ.
Về cơ bản, lãi suất huy động đồng USD chỉ có tác dụng với doanh nghiệp (DN) bởi ngân hàng muốn hút vào để cho vay. Khi lãi suất huy động USD với DN bằng 0% mà lãi suất huy động đồng USD của cá nhân vẫn tồn tại 1 - 2%, điều này khiến không ít trường hợp DN đứng tên cá nhân gửi USD nhằm hưởng lợi, gây khó quản lý và phát sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, việc thực hiện 1 chính sách lãi suất sẽ tốt hơn cho thị trường.
Gần đây, ở một số ngân hàng đã xuất hiện tình trạng giá mua vào USD bằng với giá USD bán ra. Ngân hàng quyết mua bằng được USD dù biên độ đã kịch trần, theo ông, tại sao NHNN không sử dụng biện pháp điều chỉnh nới biên độ tỷ giá?
Trạng thái kịch trần (thu hẹp khoảng cách giữa giá mua vào và giá bán ra) cho thấy các ngân hàng thương mại đang rất cần USD để phục vụ các nhu cầu của mình như: tăng dự trữ bắt buộc với USD, ứng phó trước với những thay đổi chính sách và có thể tăng cho vay để đủ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng…
Tuy nhiên, việc mua bán trên thị trường là hoàn toàn theo cung cầu và phản ánh thị trường hiện tại chứ không phải quá thiếu hoặc phát sinh đặc biệt. Vì thế, nếu chỉ nhìn vào đây mà khẳng định các ngân hàng thiếu USD, tăng mua để điều chỉnh tăng tỷ giá là sai lầm. Bản chất thị trường không thiếu USD, các DN vẫn được vay và đảm bảo tốt nhu cầu ngoại tệ cho xuất nhập khẩu cuối năm.
Nếu điều chỉnh tăng hoặc tỷ giá ngay lúc này sẽ phá vỡ cam kết của NHNN “không tăng tỷ giá thêm”, đồng thời điều chỉnh tăng hoặc tỷ giá lúc này bất lợi cho Việt Nam. Nếu tăng tỷ giá thêm, các khoản nợ của chúng ta sẽ tăng lên nhanh chóng, nhất là trong khi lãi suất của FED vừa được điều chỉnh tăng 0,25%, đồng tiền của Việt Nam mất giá và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Có nhiều chuyên gia cho hay, tỷ giá của VND và USD đang thấp, cần điều chỉnh thêm để phù hợp với diễn biến thực của thị trường. Đặc biệt, khuyến nghị nhanh chóng chuyển cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt sẽ có lợi cho Việt Nam, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Theo tôi, tỷ giá với đồng USD được xem là công cụ chính sách có tác động đến kinh tế vĩ mô và vi mô nên cần nhìn toàn diện để đánh giá. Ý kiến của các chuyên gia có khía cạnh đúng bởi họ cho rằng tăng tỷ giá sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam gia tăng lợi thế về thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối gửi về giá trị hơn và chúng ta có thêm tích lũy trả nợ....
Tuy nhiên, tăng tỷ giá sẽ khiến bỏ tiền nhập khẩu nhiều hơn, nhất là khi Việt Nam đang nhập siêu trở lại. Dù khiến đầu tư nước ngoài tăng nhưng Việt Nam sẽ vướng vào “cạm bẫy” thâm dụng vốn chứ không phải năng suất lao động, cải cách... Bên cạnh khoản nợ quốc gia phình to, tăng tỷ giá sẽ khiến các DN nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu phải bỏ nhiều tiền hơn khi số DN này mới được vực dậy sau thời gian dài kinh tế lao dốc.
Tôi cho rằng, NHNN và các chuyên gia tài chính đã và đang có những bước điều chỉnh có lợi nhất, phấn đấu sẽ đưa tỷ giá linh hoạt có sự điều tiết của bàn tay Nhà nước để đảm bảo chống những cú sốc ngắn hạn cũng như dài hạn cho nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!