Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các nhà báo đã hỏi nhiều đại biểu Quốc hội từng chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời đầu nhiệm kỳ rằng: “Tại sao đại biểu không chất vấn thống đốc nữa?". Các nhà báo đã nhận được câu trả lời: “Vì cử tri không hỏi và kiến nghị với ngành ngân hàng nữa”. Đây cũng được coi như "hàn thử biểu" của lòng dân với thành công của ngành ngân hàng...
Các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục mất giá mạnh trong 2016?
- Cập nhật : 19/12/2015
(Tai chinh)
Và nguyên nhân khiến tỷ giá của các đồng tiền này đi xuống nằm ở Trung Quốc...
Nhân dân tệ mất giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực và của các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới.
Tất cả 10 đồng tiền chủ chốt ở khu vực châu Á được các chiến lược gia dự báo sẽ mất giá so với đồng USD năm thứ ba liên tiếp trong 2016. Và nguyên nhân khiến tỷ giá của các đồng tiền này đi xuống nằm ở Trung Quốc.
Đồng Rupiah của Indonesia, đồng Won của Hàn Quốc, và đồng Đôla Singapore được cho sẽ là những đồng tiền chính mất giá mạnh nhất ở châu Á trong năm tới - hãng tin Bloomberg dự báo. Trong khi đó, đồng Rupee của Ấn Độ được dự báo sẽ mất giá ít nhất trong nhóm này.
Hôm thứ Tư tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD và để ngỏ khả năng sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm 2016. Tuy vậy, Đài Loan cắt giảm lãi suất vào ngày thứ Năm và các chuyên gia kinh tế nhận định một loạt nền kinh tế khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia sẽ hành động tương tự để thúc đẩy tăng trưởng.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang tác động xấu tới các nền kinh tế châu Á có kim ngạch thương mại lớn với nước này. Việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ hôm 11/8 đã che mờ triển vọng của Nhân dân tệ - một đồng tiền vốn được coi là nguồn ổn định ở châu Á trong những cuộc khủng hoảng gần đây.
Hai ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Chase cùng cho rằng việc Nhân dân tệ mất giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực và của các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới.
“Đến thời điểm hiện tại, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua USD về ảnh hưởng đối với các đồng tiền châu Á. Mức độ nhạy cảm của châu Á đối với đồng Nhân dân tệ đã gia tăng”, ông Claudio Piron, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ và lãi suất thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch ở Singapore, nhận xét.
Tháng này, đồng Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Hồng Kông đã giảm giá 2%, mạnh thứ nhì tại châu Á sau đồng Won của Hàn Quốc, và giảm 1,3% tại thị trường Thượng Hải. Các hạn chế đối với giao dịch đồng Nhân dân tệ đang được Bắc Kinh nới dần bởi đồng tiền này đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trao địa vị đồng tiền dự trữ của thế giới.
Trong tháng 12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ 1,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 khi tỷ giá tham chiếu bị PBoC giảm 4,4% chỉ trong 3 ngày.
Tỷ giá tham chiếu 6,4814 Nhân dân tệ đổi 1 USD mà PBoC đưa ra cho ngày 18/12 là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2011.
Hôm 14/12, PBoC công bố một chỉ số mới gồm 13 đồng tiền làm thước đo tỷ giá cho đồng Nhân dân tệ. Động thái này được xem là mở đường cho sự mất giá sâu hơn nữa của đồng nội tệ Trung Quốc.
Dự báo của Bloomberg về tăng/giảm tỷ giá 10 đồng tiền chủ chốt tại châu Á năm 2016 - Nguồn: Bloomberg.
Các chỉ số do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện cho thấy Nhân dân tệ vẫn là đồng tiền mạnh nhất trong số 24 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi xét tới tỷ trọng thương mại và lạm phát. Điều này ảnh hưởng bất lợi đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc.
Ông Craig Chan, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản của Nomura Holdings, cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc đã tăng lên nhờ đồng Nhân dân tệ giảm giá. Theo ông Chan, với động thái tăng lãi suất của FED đã được phản ánh hết vào tỷ giá, các đồng tiền châu Á trong thời gian tới sẽ nhạy cảm hơn với diễn biến tỷ giá Nhân dân tệ.
Ngân hàng Citigroup, nhà giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, cùng các ngân hàng Bank of America và Nomura cùng khuyến nghị bán đồng Won và Đôla Đài Loan để mua USD xét tới mối quan hệ gần gũi giữa hai nền kinh tế này với Trung Quốc.
Theo Nomura, Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ nhì thế giới, chiếm 34,3% tổng giá trị thương mại của Hàn Quốc. Tỷ trọng này đối với Philippines là 25%; với Thái Lan, Malaysia và Đài Loan là khoảng 22% mỗi nền kinh tế; với Indonesia là 19%.
Năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 9 tháng, Hàn Quốc giảm 11 tháng, và Đài Loan giảm 10 tháng.
Theo công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, mặc dù đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá trong năm tới, khó có chuyện Bắc Kinh mạnh tay giảm tỷ giá đồng tiền này.
“Họ hiểu rằng làm như vậy sẽ dẫn tới sự phá giá đồng tiền ở khắp mọi nơi. Việc xuất khẩu giảm sút là một vấn đề toàn cầu chứ không phải do sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đi theo hướng ổn định vĩ mô và tỷ giá là một phần trong chủ trương này”, ông Joel Kim, trưởng bộ phận trái phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BlackRock, phát biểu.
IMF dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ giảm tốc còn 6,4% trong năm 2016 từ mức 6,5% trong năm nay, trong đó tăng trưởng của Trung Quốc giảm còn 6,3% từ 6,8%.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ phải cắt giảm lãi suất sâu hơn trong khi FED dẫn thắt chặt chính sách, dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn khỏi châu Á và làm các đồng tiền trong khu vực yếu đi.