Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh sẽ được nghiên cứu để dần chuyển sang kênh bảo lãnh của ngân hàng thương mại liệu có làm khó và đẩy rủi ro cho các ngân hàng thương mại?
Thập kỷ khốc liệt ở Việt Nam: Ngon ăn nhưng không dễ xơi
- Cập nhật : 02/05/2017
Thị trường ngân hàng Việt Nam rất hấp dẫn, hàng loạt các định chế tài chính nước ngoài lớn lần lượt xuất hiện. Nhưng, “cuộc chơi” trong mảng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ tài chính Việt Nam không bao giờ dễ dàng.
Đổ bộ
Hàng loạt tên tuổi ngân hàng nước ngoài lớn đã xuất hiện ở Việt Nam và hiện vẫn có nhiều đại gia ngoại xếp hàng, chuẩn bị xâm nhập thị trường ngân hàng đầy hấp dẫn và tiềm năng của Việt Nam.
Sau khoảng 2 thập kỷ rưỡi, tính đến nay, các ngân hàng ngoại đã lập hơn 50 chi nhánh trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, có gần chục tập đoàn tài chính nước ngoài đã lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa chấp thuận sơ bộ để Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore thành lập ngân hàng con tại Việt Nam.
Trước đó, UOB đã tính toán nhiều phương án vào thị trường gần 100 triệu dân Việt, từ mua cổ phần ngân hàng nội cho đến mở chi nhánh tại các thành phố lớn. Giải pháp ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam là một bước tiến mạnh mẽ, sau những biến động không thuận của ngân hàng đối tác nội mà UOB đã đầu tư trước đó.
Lùi lại một chút, thời điểm cuối tháng 8/2016, NHNN cũng đã cho phép Tập đoàn Berhad của Malaysia thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam: CIMB Việt Nam với vốn hơn 3,2 ngàn tỷ đồng, với trụ sở chính tại Hà Nội.
Chỉ sau đó 2 tháng, một tập đoàn của Hàn Quốc có ngân hàng con 100% vốn ngoại: Woori Việt Nam, ra mắt tháng 11/2016 ngay tại tòa nhà cao tầng nhất Hà Nội do người Hàn Quốc đầu tư và xây dựng.
Citi của Mỹ và E.SUN của Đài Loan cũng đang tập trung hơn vào thị trường Việt Nam.
Những chuyển động của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam gần đây khá rõ ràng. Với cơ chế mở hơn cùng với sự bùng nổ của công nghệ và dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ, các ngân hàng ngoại đang tiến bước sâu hơn vào nền kinh tế Việt.
Cuộc đổ bộ của các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam trở nên rầm rộ với sự xuất hiện của hàng loạt ngân hàng con 100% vốn nước ngoài như: HSBC Việt Nam; ANZ Việt Nam; Standard Chartered Việt Nam; Hong Leong Việt Nam; Public Bank Berhad (Malaysia),... vốn từ 3-7 ngàn tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng ngoại có kế hoạch mở rộng hoạt động, nhắm tới các doanh nghiệp trong nước, thay vì chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng cũng đã nhắm tới mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ thẻ,...
Cuộc chiến giữa các ngân hàng nội (vốn đang phải vật lộn tái cấu trúc trong gần nửa thập kỷ qua) với các ngân hàng nước ngoài tưởng chừng rất căng thẳng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. “Cuộc chơi” trong mảng kinh doanh tiền tệ Việt Nam không bao giờ dễ dàng, ngay cả với những tập đoàn nước ngoài hùng mạnh, lợi thế cả về vốn, công nghệ và quản trị.
Thị trường hấp dẫn, khó khăn khôn lường
Nhiều đánh giá cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là mảng ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số. Theo báo cáo của World Bank, tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản chỉ bằng khoảng 50% so với trung bình toàn thế giới. Thị trường Việt Nam mới trong giai đoạn đầu của phát triển với tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thâm nhập vào lĩnh vực này không hề dễ dàng, ngay cả đối với các tập đoàn tài chính nước ngoài hùng mạnh.
Sau nhiều tháng phủ nhận tin đồn, hôm 21/4, Ngân hàng ANZ đã chính thức công bố bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam - công ty con của Shinhan Financial Group, một tập đoàn tài chính Hàn Quốc. Dự kiến, cuộc chuyển giao sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017.
Ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh Quốc tế tại tập đoàn ANZ, cho biết, thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của ANZ. Sau thương vụ này, ANZ tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính.
Mặc dù ANZ đưa ra lý do muốn tập trung vào mảng kinh doanh hiệu quả, thì sự rút lui khỏi mảng ngân hàng bán lẻ đầy tiềm năng cho thấy một thực tế là cuộc chiến rất khốc liệt và không có gì dễ dàng.
Trong 10 năm qua, các ngân hàng ngoại không phát triển vũ bão như lo ngại của giới tài chính trong nước. Cho dù phần lớn các ngân hàng nội phải đối mặt với quá trình tái cấu trúc đầy khó khăn, không ít thương hiệu đã biến mất, số lượng ngân hàng sụt giảm, nhưng khối ngoại cũng không có những bước phát triển ấn tượng.
Tính từ những ngày đầu tiên ngân hàng ngoại xuất hiện, năm 1992, cho đến nay khối các ngân hàng nước ngoài mới chiếm khoảng 10% thị phần. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhiều ngành khác mà các doanh nghiệp nước ngoài đang thống trị.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng ngoại vẫn chưa thực sự xâm nhập sâu rộng tại Việt Nam bởi họ gặp khá nhiều khó khăn, từ sự thiếu hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam cho tới hiểu biết về doanh nghiệp Việt. Ngân hàng ngoại đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính, sức khỏe tài chính và chế độ kế toán kiểm toán, thẩm định đánh giá tài chính của doanh nghiệp Việt.
Hơn thế, quy mô của doanh nghiệp Việt rất nhỏ. Việc tiếp cận với hàng trăm ngàn doanh nghiệp như vậy cần rất nhiều nhân lực, chưa phù hợp với mạng lưới nhỏ hẹp của các ngân hàng nước ngoài. Mảng bán lẻ khó tiếp cận, trong khi mảng tín dụng tiêu dùng cũng rất rủi ro.
Tuy chưa thực sự ấn tượng, nhưng sự xuất hiện của khối ngân hàng ngoại thời gian qua là một động lực giúp các ngân hàng trong nước đẩy mạnh đổi mới, nhất là về công nghệ và quản trị. Làn sóng đổ bộ mới, với nhiều ngân hàng 100% ngoại, một lần nữa sẽ là áp lực với các ngân hàng nội nhưng cũng là cơ hội để phát triển.
Theo M. Hà
Vietnamnet