VDSC dự báo, nhu cầu huy động vốn sẽ tăng tốc trong năm sau. Những cơn sóng ngầm điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là dấu hiệu đầu tiên về sự gia tăng cạnh tranh thông qua công cụ lãi suất giữa các ngân hàng.
SCIC đang rót tiền của Nhà nước vào đâu?
- Cập nhật : 26/04/2016
(Tai chinh)
Sứ mệnh mang tiền nhà nước đi đầu tư không hề dễ dàng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang có nguy cơ bị sa lầy, mất vốn trong không ít dự án.
Một góc nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 - Ảnh: VNN.SCIC: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước
Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của SCIC là trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, đến năm 2030 trở thành tập đoàn tài chính quy mô khu vực và là công cụ để Nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Tham vọng lớn, SCIC đang trong quá trình tích tụ vốn, thực hiện đầu tư hàng loạt các dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực trọng yếu và có triển vọng lâu dài. Tổng vốn đầu tư của SCIC đến thời điểm hiện nay lên đến hơn 1 tỷ USD.
SCIC hoàn toàn đủ tiềm lực tài chính để trở thành một tập đoàn tài chính hàng đầu. Song quá trình phát triển, bên cạnh những thành công, "siêu tổng" công ty dường như cũng đứng trước nguy cơ bị sa lầy ở không ít dự án, doanh nghiệp.
Nắm vốn tại nhiều dự án, công ty thua lỗ
Tính đến nay, SCIC đã rót 1.000 tỷ đồng cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thực hiện Dự án mở rộng nhà máy giang thép giai đoạn 2. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.104 tỷ đồng đang “chết lâm sàng” từ năm 2012 và đến giờ vẫn chưa hoạt động trở lại.
Mới đây, trong văn bản gửi lên Chính phủ, SCIC nhận định dự án không còn hiệu quả khi tính toán đầy đủ các chi phí và rủi ro với các phương án khi vận hành trở lại.
“Về lâu dài, thị trường thép vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung dư thừa trong nước. Các giả định chưa thể kiểm soát được. Hiệu quả dự án đến lúc này là chưa thể khẳng định”, SCIC cho biết.
Theo đó, để "cứu" nhà máy này, TISCO đang đề xuất được kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT.
Đề xuất cũng bao gồm miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng, trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động 629 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị Bộ Tài chính bác ngay khi trình lên Chính phủ.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007 bởi nhà thầu Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC), nhưng đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa thể hoàn thành. Năm 2012, chủ đầu tư thiếu vốn, MCC đã rút về nước đem theo hơn 90% tiền thanh toán gói thầu thiết bị.
Đến nay, để nối lại đàm phán, MCC đưa ra yêu sách phải trả 1.200 tỷ đồng tiền bồi thường và trả thiết bị mới khiến dự án có nguy cơ đội vốn lên hơn 9.000 tỷ đồng.
Ở trường hợp khác, việc SCIC nắm hơn 2.500 tỷ đồng tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trước đây cũng gây nhiều tranh cãi. Sau nhiều năm nắm giữ, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex cũng loanh quanh mệnh giá, có thời điểm giảm sâu. Công ty cũng trải qua nhiều lần khó khăn phải nợ lương...
Trong bối cảnh khó khăn đó, cuối năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu đánh giá lại kết quả thực hiện tái cấu trúc Vinaconex; có phương án tái cơ cấu phần vốn nhà nước đầu tư tại Vinaconex; tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại Vinaconex.
Giữa năm 2015, SCIC cử ông Hoàng Nguyên Học làm đại diện vốn và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Vinaconex. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng, ông Học đã nhường lại vị trí này cho ông Vũ Quý Hà - Chủ tịch cũ của công ty.
Ngoài ra, trong danh mục quản lý của SCIC có tới 90 doanh nghiệp đang làm ăn kinh doanh thua lỗ tính đến cuối năm 2015. Một số doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục phá sản hoặc thuộc diện phải giám sát đặc biệt.
SCIC dường như đang ở vào thế bế tắc khi một mặt phải bán doanh nghiệp, song do những doanh nghiệp cần bán làm ăn bết bát nên nhà đầu tư không quan tâm, tổ chức nhiều phiên bán đấu giá nhưng vẫn ế.
SCIC đem tiền của nhà nước bỏ vào đâu?
Theo báo cáo, năm 2015, hoạt động đầu tư của SCIC tăng mạnh, đạt 8.337 tỷ đồng. Hiện công ty đã có hàng loạt dự án trọng điểm, đồng thời đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ trị giá 5.000 tỷ đồng.
Với dự án Tháp truyền hình hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam, SCIC và các đối tác đã hoàn thiện điều lệ công ty và thoả thuận cổ đông, phương án nhân sự. Công ty Đầu tư Tháp truyền hình đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu và đang phối hợp với tư vấn Nhật Bản lập dự án đầu tư trình Thủ tướng.
SCIC cũng đang nghiên cứu cơ hội đầu tư vào một số công trình như Dự án 29 Liễu Giai, Nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, dự án hợp tác với Bệnh viện Nhi Trung ương, xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh Thái Bình, Dự án hợp tác với Abbott sản xuất thuốc, nhà máy thuốc chữa ung thư...
Tham gia tái cơ cấu Công ty Xi măng Hạ Long, tái cơ cấu Công ty Gang thép Thái Nguyên...
Khi bán hết vốn, SCIC buộc phải tìm các kênh đầu tư mới, tuy nhiên, quá trình triển khai một số dự án đầu tư của công ty đang bị kéo dài do một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc. Sự phối hợp không tích cực của các đối tác.
“Đồng thời tình hình thị trường những năm gần đây hết sức khó khăn dẫn đến lựa chọn danh mục đầu tư, định hướng đầu tư bị hạn chế”, SCIC nhận định.
Nhìn vào danh mục dự án mới của SCIC, dư luận hoài nghi về tính hiệu quả, như dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới cũng gây tranh cãi. Về việc này, SCIC khẳng định sẽ thẩm định, dự án nào có hiệu quả đầu tư mới triển khai.
Tuy nhiên, riêng khoản đầu tư theo chỉ thị của Nhà nước năm 2015 đã lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, một lãnh đạo SCIC cho rằng một khi đã cầm tiền đi đầu tư ai cũng mong hiệu quả nhưng đã là doanh nghiệp mà đầu tư theo chỉ thị thì khó lòng đạt hiệu quả cao, bởi những lĩnh vực nào tư nhân chê mới đến lượt nhà nước.
Về câu chuyện tìm kênh đầu tư mới, dự án mới, vị lãnh đạo SCIC này thừa nhận rằng việc đầu tư dự án, xây dựng các doanh nghiệp mới thì ai cũng muốn nhưng thực tế tổng công ty không phải lúc nào cũng đủ nguồn lực, chuyên môn để làm tốt tất cả công việc khác nhau.
Trong bối cảnh để tiền trong túi còn rủi ro thì việc nghiên cứu chiến lược đầu tư mới làm sao để hiệu quả, rủi ro thấp nhất luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh như vậy, những khoản lãi mang về cho SCIC vẫn là cổ tức doanh nghiệp như "bò sữa" Vinamilk, hay tiền lãi từ gửi tiết kiệm ngân hàng và bán vốn doanh nghiệp nhà nước.