Im ắng suốt 4 năm, “huy động vàng trong dân” tiếp tục được xới xáo bởi một kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam...
Quản lý chặt chẽ dòng tiền chuyển ra nước ngoài
- Cập nhật : 16/05/2016
(Tai chinh)
Quản lý các dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở Thông tư 36/2013/TT-NHNN có quy định về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Quản lý chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài đang được thực hiện như thế nào là vấn đề đặt ra sau khi có các tổ chức, cá nhân người Việt bị nêu tên trong Hồ sơ Panama? Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Gần đây, vụ việc Hồ sơ Panama có đề cập đến một số tổ chức và cá nhân người Việt Nam có liên quan đến “thiên đường thuế”, dưới góc độ ngân hàng trên địa bàn ông có thể cho biết hình thức quản lý kiểm soát dòng tiền từ trong nước đi ra nước ngoài như thế nào?
Hiện nay chúng tôi đang quản lý các dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở Thông tư 36/2013/TT-NHNN có quy định về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, các NHTM phải được Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Việt Nam xác nhận tài khoản, tiến độ về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời các DN có giấy phép kinh doanh ở địa phương nào thì phải đăng ký với NHNN tỉnh, thành phố về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở địa phương ấy.
Vụ Hồ sơ Panama được cho là có hàng chục tỷ USD bị các cá nhân chuyển đến những quốc gia và vùng lãnh thổ có mức thuế thấp để lách thuế
NHNN địa phương là khâu cuối cùng trong hoạt động kiểm soát dòng tiền của DN chuyển ra nước ngoài đầu tư, trên cơ sở DN phải có giấy phép chấp thuận của Bộ KH&ĐT về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, số lượng vốn chuyển để đầu tư, tiến độ dự án đầu tư. Cùng với đó, DN phải có đầy đủ các giấy phép ở quốc gia nơi DN Việt Nam đến đầu tư xác nhận.
Chẳng hạn, giấy phép đầu tư một dự án vào “quận Cam” ở Mỹ nhưng sau một thời gian lại thực hiện ở một khu vực khác ở nước Mỹ… thì cũng không được duyệt các thủ tục chuyển tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Có thể nói các chứng từ đầu tư ra nước ngoài được NHNN quản lý rất chặt chẽ và khớp với các giấy phép của các bộ, ngành hữu quan chấp thuận cho tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài.
Ông có thể nói rõ hơn về những đối tượng nào đăng ký với NHNN chi nhánh TP.HCM và hệ thống ngân hàng trên địa bàn có hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài?
Như tôi đã nói hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có việc chuyển tiền của NHTM, có việc đăng ký khoản đầu tư của DN. Như vậy DN cũng phải đăng ký với NHNN trên địa bàn và mở tài khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ở NHTM sau khi đã có giấy phép đầu tư được cơ quan có thẩm quyền của hai quốc gia DN đi và đến đầu tư. Đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài hiện nay có DN đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, do NHNN địa phương quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, Nghị định 70 của Chính phủ cũng quy định rất rõ về việc các cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích du học, định cư, khám chữa bệnh… do NHTM xây dựng quy trình và phải đảm bảo được các cơ sở pháp lý của Nhà nước Việt Nam. Theo đó, các NHTM có hoạt động nay phải báo cáo thường xuyên với NHNN địa phương để có cơ sở quản lý kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài.
Theo tôi được biết thì hiện nay như việc chuyển tiền trong vấn đề du học thì các NHTM căn cứ trên mức học phí của các trường học ở quốc gia nơi người có con em đang học tập, cộng thêm một phần chi phí sinh hoạt ở đất nước đó để các NHTM làm dịch vụ chuyển tiền cho khách hàng.
Bên cạnh đó còn có hoạt động vay nợ nước ngoài của các DN Việt Nam. Riêng trong năm 2015 tổng lượng kim ngạch vay nợ do ngân hàng quản lý khoảng 6,1 tỷ USD. Hiện việc quản lý vay nợ nước ngoài cũng được quản lý rất chặt chẽ. Đối với hợp đồng vay nợ từ 12 tháng trở xuống, Nhà nước giao cho các NHTM tổ chức việc đăng ký cho DN, những loại hợp đồng vay nợ có kỳ hạn trên 12 tháng, DN phải đăng ký với NHNN chi nhánh, tỉnh thành phố nơi DN đăng ký kinh doanh.
Đối với khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay cũng được quản lý rất chặt. Dòng tiền này thường phải có một quá trình dài khoảng vài ba năm mới chuyển tiền ra, khi DN FDI đầu tư tại Việt Nam sản xuất kinh doanh có sản phẩm dịch vụ đã được phân phối ra thị trường. Có nghĩa, DN đó đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế và các chi phí với Nhà nước và cuối cùng DN FDI có lợi nhuận chuyển ra nước ngoài trên tài khoản của NHTM, chuyển nhượng vốn đầu tư thì phải đăng ký với NHNN…
Từ vụ Hồ sơ Panama, theo ông, chúng ta cần có những biện pháp gì để quản lý và kiểm soát tốt hơn các dòng tiền chuyển ra nước ngoài?
Bản chất các dòng tiền chuyển ra nước ngoài hiện nay rất đa dạng. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, qua vụ việc Hồ sơ Panama chúng ta cũng nên có những nhìn nhận điều chỉnh để kiểm soát tốt hơn nữa dưới góc độ quản lý thuế và kiểm soát dòng tiền.
Từ đó hạn chế thất thoát các nguồn lực thuế của đất nước nhưng vẫn đảm bảo dòng tiền tự do luân chuyển trên toàn cầu cho các DN Việt và các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn mà không ảnh hưởng đến các cam kết hội nhập của Chính phủ Việt Nam.
Tuần qua, sau khi thông tin 189 cá nhân và tổ chức người Việt có tên trong Hồ sơ Panama do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, Bộ Tài chính đã thành lập tổ công tác rà soát lại các trường hợp DN chuyển giá, chuyển nhượng vốn.
Cho đến nay Bộ KH&ĐT chưa cấp phép cho một trường hợp nào đến các “thiên đường thuế”, tuy nhiên giới chuyên gia đầu tư cho rằng, rất có thể có những liên quan đến tài khoản dịch chuyển các dòng vốn. Các cơ quan hữu quan cũng đang phối hợp để có những đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về vụ việc các cá nhân và tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama.