Có những công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam hàng chục năm nhưng không nộp một đồng tiền thuế nào cho Nhà nước. Có những gia đình giàu có tuồn tài sản ra nước ngoài mà Chính phủ không thống kê được. “Bản thân số tiền không phạm pháp, chỉ có nguồn gốc số tiền mới có thể”.
Quyết định 618 có phải là một bước đột phá về xử lý nợ xấu?
- Cập nhật : 26/04/2016
(Tai chinh)
Nhiều người đã cho rằng NHNN cho triển khai mua nợ xấu theo giá trị trường theo Quyết định 618 sẽ là một bước đột phá trong giải quyết nợ xấu của VAMC so với cách mua nợ xấu cũ, tức là VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu thay vì tiền mặt. Nhưng dường như là không hẳn như vậy!
Ngày 12/4 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 618/QĐ-NHNN về việc xây dựng và triển khai Phương án mua nợ xấutheo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Quyết định này quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; Nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; Nguyên tắc xác định giá mua nợ; Nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; Xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
Ngay lập tức, nhiều người đã cho rằng NHNN cho triển khai mua nợ xấu theo giá trị trường theo Quyết định 618 sẽ là một bước đột phá trong giải quyết nợ xấu của VAMC so với cách mua nợ xấu cũ, tức là VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu thay vì tiền mặt.
Cách mua nợ xấu không thay đổi
Thực tế, Quyết định 618 về bản chất chỉ là văn bản pháp lý cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến mua nợ xấu theo giá thị trường mà đã được quy định trong các văn bản pháp luật ban hành trước đó, bao gồm Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC; Nghị định 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 sửa đổi Nghị định 53; Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của NHNN về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC; Thông tư 14/2015/TT-NHNN ngày 28/8/2015 sửa đổi Thông tư 14…
Theo các văn bản pháp luật trước đó như nêu trên, VAMC mua nợ xấu theo 2 hình thức: (1) mua nợ xấu theo bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu. Trái phiếu này có mệnh giá bằng giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả, khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu này; và (2) mua nợ xấu theo giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận, và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.
Do Quyết định 618 chỉ đề cập đến việc xây dựng và triển khai Phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC nên có thể hiểu rằng việc mua bán nợ xấu của VAMC theo cách (1) nói trên vẫn được giữ nguyên, theo những quy định trong các văn bản pháp luật của Chính phủ và NHNN đã nêu.
Những tương đồng
Về cơ bản, Quyết định 618 chỉ sắp xếp lại các quy định liên quan có trong các văn bản luật nêu trên theo các hạng mục có thể khác với các văn bản luật nêu trên.
Cụ thể, các quy định về phạm vi, đối tượng và điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường, nguyên tắc mua nợ xấu theo giá thị trường trong Quyết định 618 đều dựa trên các văn bản pháp lý đã nêu trên.
Về trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường, Quyết định 618 nêu 4 bước, bao gồm xác định danh mục khoản nợ tiềm năng, xây dựng kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường, định giá nợ xấu, và thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua nợ xấu. Cả 4 bước này đều đã được quy định rải rác, ví dụ, ở các Điều 23, 24, và 26 của Thông tư 19/2013 và Thông tư 14/2015.
Về xử lý nợ xấu đã mua, Quyết định 618 đề ra 2 bước xử lý gồm phân loại nợ xấu đã mua (để áp dụng biện pháp xử lý nợ thích hợp), và áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp. Quy trình xử lý nợ xấu đã mua tương tự như thế này tuy không có trong các nghị định và thông tư liên quan nhưng các nội dung này đều đã được đề cập đến rải rác trong các nghị định và thông tư này. Ví dụ, biện pháp cơ cấu lại khoản nợ, hỗ trợ khách hàng trong Quyết định 618 thì đã có ở trong các Điều 27, 28, 29, 31, và 36 của Nghị định 53/2013.
Về tổ chức thực hiện, Quyết định 618 hầu như lặp lại các quy định có trong Nghị định 53/2013, trừ một số khác biệt nhỏ, ví dụ như có thêm sự xuất hiện của Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Tổ chức cán bộ, với những nhiệm vụ cụ thể theo chức năng. Ngoài ra, VAMC cũng có thêm một số trách nhiệm cụ thể liên quan đến triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường mà không được cụ thể hóa như trong các nghị định và thông tư khác. Tương tự như vậy là phần về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Những khác biệt
Chỉ có một số ít khác biệt đáng kể giữa Quyết định 618 và các văn bản luật nói trên.
Về nguyên tắc xác định giá mua nợ, khác biệt đáng kể là Quyết định 618 có thêm một dòng: “Trường hợp xét thấy cần thiết, Công ty Quản lý tài sản tham khảo giá trị mua, bán các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm có tính chất tương đồng trên thị trường (nếu có) để xác định giá mua nợ”. Thông tư 19/2013 và Thông tư 14/2015 cũng có một điều khoản có nội dung tương đồng (Điều 34), nhưng chỉ là dành cho việc xác định giá bán nợ xấu, chứ không phải giá mua nợ xấu.
Như vậy, có thể nói việc tham khảo giá mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm tương tự trên thị trường để xác định giá mua nợ xấu là một “đột phá” của Quyết định 618 so với các văn bản luật liên quan hiện thời. Nhưng như thế lại nảy sinh vấn đề là Quyết định 618 tuy là một văn bản luật cấp thấp hơn Thông tư và trên nữa là Nghị định của Chính phủ nhưng lại có quy định không có trong, không đúng với tinh thần của các văn bản luật cấp cao hơn. Nói cách khác, NHNN cần phải xem lại cơ sở pháp lý của Điều 34 của Quyết định 618.
Về nguồn vốn sử dụng để mua nợ xấu theo giá thị trường, ngoài các nguồn vốn quy định trong Nghị định 53/2013 như vốn điều lệ, trái phiếu (đặc biệt), và vốn từ các quỹ được trích lập theo quy định của pháp luật, Quyết định 618 còn nêu thêm 2 nguồn vốn khác gồm có vốn từ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, và vốn ủy thác của các nhà đầu tư.
Nhưng vì Nghị định 53/2013 có nêu thêm một nguồn vốn khác gọi là “các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật” nên có thể coi 2 nguồn vốn mới, được nêu trong Quyết định 618 thực chất chỉ là sự cụ thể hóa Nghị định 53/2013 mà thôi. Tuy vậy, điều đáng nói ở đây là Quyết định 618 xem ra đã chính thức cho phép nhà đầu tư nước ngoài, ít nhất là gián tiếp, thông qua hợp tác với VAMC, được mua nợ xấu ở Việt Nam. Vì theo cách hiểu của dư luận bấy lâu nay, nợ xấu chỉ được khuyến khích bán cho nhà đầu tư trong nước.
Tóm lại, Quyết định 618 nếu có điểm mới nào đó để có thể coi là “đột phá” trong việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam thì đó chỉ là việc cho phép VAMC được phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn (và kinh nghiệm định giá, xử lý các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường). Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài có mặn mà với điểm “đột phá” này hay không lại là chuyện khác, nếu họ vẫn thấy chưa có thị trường mua bán nợ minh bạch và hiệu quả ở Việt Nam để cho các khoản nợ mua về có thể bán ra dễ dàng và có lãi.