Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ mà NHNN đang lấy ý kiến là không giới hạn thời gian, thay vì “chốt chặn” 31/12/2015 như Thông tư 43. Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, đây là quyết định phù hợp và đúng đắn.
Chính sách tiền tệ: Dò “sóng” dưới đáy bình lặng
- Cập nhật : 21/04/2016
(Tin kinh te)
NHNN đã thành công trong việc áp dụng tỷ giá trung tâm linh hoạt, được điều chỉnh hàng ngày kết hợp với các nghiệp vụ mua bán theo kỳ hạn.
“Hoạt động của thị trường tiền tệ trong quý I/2016 khá ổn định, không có biến động mạnh của lãi suất, tỷ giá...”, PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân)- (ảnh bên) nhìn nhận. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông phân tích:
Cung cầu nội tệ và ngoại tệ đều diễn biến một cách bình yên, thị trường phản ứng tích cực trước cách thức điều hành ở tầm cao hơn của NHNN. Đó là bám sát diễn biến thị trường, chú trọng phân tích và dự báo để chủ động trước các tình huống, kể cả nếu có tình huống bất ngờ…
Về cơ bản, thị trường tiền tệ ổn định là vậy. Nhưng nếu đặt bối cảnh lạm phát đang tăng trở lại và kế hoạch tăng trưởng tín dụng của năm nay được đặt cao hơn năm ngoái thì có rủi ro gì không, thưa ông?
Theo tôi, trong bối cảnh khu vực sản xuất đang tái cấu trúc mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng và đang đứng trước những cơ hội để phát triển mạnh, thì DN rất cần vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng. Trong khi kênh huy động vốn trực tiếp qua thị trường chứng khoán còn chưa được phát huy thì DN chỉ trông vào tín dụng ngân hàng, nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng như hiện nay (18-20% cho năm 2016) là rất thiết thực.
Nhìn lại năm 2015, tăng trưởng tín dụng đạt 18% (nếu tính cả trái phiếu DN thì tăng ở mức 19,3%), cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm đặt ra là 13-15%. Tín dụng trung và dài hạn có xu hướng tăng trong suốt giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2015 đã chiếm 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn 7%. Trong bối cảnh đó, lạm phát vẫn ở mức thấp và tín dụng đã có những tác động tích cực tới nền kinh tế.
Thế nhưng cũng có quan ngại về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có thể tác động tiêu cực tới thị trường BĐS, thị trường chứng khoán, thưa ông?
Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 18-20%, nhưng vấn đề quan trọng là quản lý cơ cấu tín dụng và định hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Với nội dung như Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36, có thể sẽ có những tác động đến BĐS và chứng khoán. Nhưng chủ yếu là tác động mang tính tâm lý, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của thị trường nói chung, tình hình dư nợ cho vay trung và dài hạn hiện thời, và không đến mức “gây sốc” cho các TCTD.
Theo tôi, nếu các quy định tại Dự thảo Thông tư được áp dụng, khi hệ số rủi ro với các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng (từ 150% lên 250%) không chỉ tăng cường trách nhiệm truy đòi; tỷ lệ chuyển đổi nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn giảm (từ 60% xuống 40%) cũng là động thái kiên quyết thắt chặt hơn nữa tín dụng đối với BĐS và chứng khoán, phù hợp với điều kiện kỳ hạn nguồn vốn của các TCTD và dần theo thông lệ quốc tế.
Theo NHNN, tỷ lệ chuyển đổi từ nguồn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của cả hệ thống là 31,39%. Với nội dung như Dự thảo sẽ không tác động ngay đến hoạt động kinh doanh của các TCTD như một số ý kiến lo ngại. Bởi rõ ràng các TCTD vẫn còn “dư địa” cho vay trung - dài hạn thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực BĐS với quy mô 540 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn 40%. Đồng thời, các TCTD có lộ trình ít nhất một năm để thực hiện Thông tư sửa đổi nếu được thông qua.
Ý nghĩa “dần theo thông lệ quốc tế” như ông nói nên hiểu thế nào với Dự thảo Thông tư sửa đổi này?
Thông tư 36 ra đời là một trong những “điểm sáng” nhằm giúp giải quyết tình trạng sở hữu chéo, tăng cường minh bạch trong hoạt động ngân hàng và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu. Thông tư thể hiện nỗ lực của NHNN Việt Nam trong vấn đề áp dụng dần các nguyên tắc Basel II trong ngành Ngân hàng.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Thông tư 36 đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần được sửa đổi nhằm tăng cường cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn; bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD; bảo vệ lợi ích của người gửi tiền; tăng trưởng tín dụng có hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS. Việc sửa đổi Thông tư này cũng nhằm tăng khả năng thanh khoản của hệ thống TCTD và điều chỉnh dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Với nội dung như dự thảo, tác động tới hoạt động tín dụng trung - dài hạn của các TCTD, như phân tích trên đây là không lớn, nhưng lại cần thiết, đặc biệt đối với tín dụng BĐS. Sự thay đổi này cũng giúp các TCTD giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và gia tăng những dịch vụ tài chính khác trong cơ cấu hoạt động và lợi nhuận.
Mặc dù có thể có một số ý kiến cho rằng dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là “siết” tín dụng BĐS, song theo quan điểm của chúng tôi thì dự thảo thông tư vẫn là quyết định đúng đắn theo chủ trương định hướng ngay từ đầu năm 2016. Nếu phân tích kỹ, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn không trực tiếp “siết” BĐS, mà chỉ đưa ra các cảnh báo để các TCTD cẩn trọng hơn trong cho vay kinh doanh BĐS nói riêng, cho vay trung - dài hạn nói chung.
Có tương quan nào để chứng minh nhận định của ông rằng, quy định mới không thực sự siết vốn vào BĐS?
Hệ số rủi ro 250% chỉ áp dụng đối với “kinh doanh BĐS”. Nếu khách hàng vay đầu tư vào BĐS không vì mục tiêu kinh doanh thì TCTD sẽ không cần áp dụng hệ số này. Mức 250% đã từng được quy định tại Thông tư 13/2011/TT-NHNN từ năm 2011. Nhưng bằng Thông tư 36/2014/TT-NHNN, hệ số này đã được điều chỉnh xuống 150% và được các TCTD áp dụng trong suốt 4 năm qua nhằm mục đích “cứu” thị trường BĐS khỏi tình trạng đóng băng. Nay, thị trường đã trở lại trạng thái tương đối ổn định, việc áp dụng lại hệ số 250% có thể coi là phù hợp.
Tín dụng BĐS hiện có nhiều điểm cần được lưu ý. Thứ nhất, nếu tính cả đầu tư trái phiếu DN thì tổng dư nợ đối với lĩnh vực BĐS là 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, nhưng chiếm đến 22,2% tổng dư nợ trung - dài hạn. Thứ hai, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng dành cho lĩnh vực BĐS chưa từng giảm, kể cả giai đoạn thị trường đóng băng. Cụ thể, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS đã tăng 14% năm 2012, tăng 15,4% năm 2013, tăng 19,3% năm 2014, và tăng 26% năm 2015.
Chúng tôi tính toán rằng, giữ hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR ở mức 9%, các TCTD vẫn còn có thể cho vay kinh doanh BĐS với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Gần đây dư luận khá xôn xao về con số 7,3 tỷ USD tiền gửi nước ngoài. Đó phải chăng là “mặt trái” của hạn chế đô la hóa khi giảm lãi suất và chấm dứt hoạt động huy động, cho vay ngoại tệ?
Một số ý kiến cho rằng, chống đô la hóa có thể làm “chảy máu đô la” và khiến các NHTM phải vay ngoại tệ từ các NHTM nước ngoài, theo tôi nhận định như vậy là chưa có cơ sở. Từ nhiều năm trước đây, các NHTM vẫn luôn có tiền gửi tại nước ngoài và theo chúng tôi, đây là hoạt động bình thường của các NHTM. Nghề kinh doanh ngân hàng là kinh doanh chênh lệch lãi suất, do vậy các NHTM có thể vừa huy động ngoại tệ từ nước ngoài và vừa gửi tiền ra nước ngoài là điều hoàn toàn bình thường.
Quan điểm của tôi là kiên quyết triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế đô la hóa. Áp dụng lãi suất tiền gửi 0%, thậm chí lãi suất âm, sẽ là những biện pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động “ngân hàng hải ngoại” tại Việt Nam.
NHNN đã thành công trong việc áp dụng tỷ giá trung tâm linh hoạt, được điều chỉnh hàng ngày kết hợp với các nghiệp vụ mua bán theo kỳ hạn. Trên thực tế, trái với những dự đoán về sự gia tăng và biến động phức tạp, trong quý I/2016, tỷ giá khá ổn định, thậm chí có lúc giảm do cung được đánh giá khá tốt từ kiều hối và giải ngân đầu tư, trong khi nhu cầu ngoại tệ chưa tăng do yếu tố mùa vụ.
Có thể nói, áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm kết hợp với các nghiệp vụ phái sinh đã mang lại những kết quả quan trọng trong vận hành chính sách tỷ giá, đồng thời vẫn có thể hạn chế can thiệp trực tiếp vào cung - cầu thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Linh Đan thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)