tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tiếp tục đặt cược với rủi ro tỷ giá

  • Cập nhật : 07/05/2016

(Tin kinh te)

Từ tháng 4/2016, chính sách cho vay ngoại tệ thu hẹp một diện đáng kể doanh nghiệp. Kiến nghị nới, hay định hướng trở lại cho vay còn để ngỏ. Thực tế, vẫn có cửa gián tiếp tiếp cận.

cho vay vnd lai suat usd cung la mot cach de ngan hang canh tranh thu hut khach hang - anh: quang phuc.

Cho vay VND lãi suất USD cũng là một cách để ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng - Ảnh: Quang Phúc.

Đó là chính sách cho vay VND theo lãi suất USD. Điểm quen thuộc và nổi bật trong những năm có “bảo hiểm” rủi ro tỷ giá USD/VND từ 2012 đến nay.

Tham khảo thực tiễn, ngày 5/5/2016, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp vay VND lãi suất USD, từ nay đến ngày 31/10/2016.

Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, có nguồn thu bằng USD được vay vốn HDBank bằng loại tiền VND nhưng chỉ phải trả lãi suất hấp dẫn, chỉ từ 3,5% năm.

Đó là mức (thấp nhất) chỉ bằng phân nửa so với lãi suất cho vay VND ngắn hạn phổ biến hiện nay.

Mức cho vay của từng lần giải ngân của mỗi khách hàng HDBank áp dụng tối thiểu 1 tỷ đồng, tối đa 100 tỷ đồng theo phương thức cho vay theo hạn mức và cho vay từng lần; tài sản bảo đảm linh hoạt, thời hạn cho vay tối đa 6 tháng.

Thông tin về sản phẩm trên của HDBank không nêu chi tiết về điều kiện được vay vốn, song có sự giới hạn nhất định là doanh nghiệp có nguồn thu bằng USD.

Ngoài ra, có một giao kết khác là, tại thời điểm tất toán khoản vay nếu có chênh lệch tỷ giá USD/VND, khách hàng chỉ phải bổ sung số tiền lãi tương ứng.

Như trên, sản phẩm cho vay này đã quen thuộc từ năm 2012 trở lại đây, gắn với chính sách ổn định tỷ giá bằng cam kết các khoảng biến động mỗi năm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra (quanh 2%/năm).

Cơ chế hoán đổi vốn liên quan và lãi suất doanh nghiệp vay được áp dụng thực sự có ý nghĩa, khi so sánh chi phí vay thấp hơn hẳn so với vay VND thông thường. Như trước đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tuyên bố cho vay chỉ 7%/năm, trong khi vay trực tiếp VND có lãi suất có thể gấp đôi. Cộng với chi phí rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp vẫn thực trả dễ chịu.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2015, sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trở thành nguyên nhân chính phá vỡ quãng cam kết ổn định tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Loại sản phẩm trên, cũng như tín dụng ngoại tệ nói chung trở nên thận trọng với rủi ro tỷ giá.

Cùng đó, đến tháng 4/2016, chính sách cho vay ngoại tệ bắt đầu thu hẹp diện đối tượng.

Không mới, nhưng cho vay VND lãi suất USD, chỉ từ 3,5%/năm như trên, lại là điểm nhấn của giai đoạn mới, với những thay đổi môi trường, cơ chế và cam kết chính sách nói trên.

Nhìn trực diện, với những điều kiện HDBank đưa ra, doanh nghiệp sẽ phải đặt cược với rủi ro tỷ giá khi vay sản phẩm này.

Mức độ rủi ro sẽ như thế nào?

Năm nay, năm đầu tiên kể từ cuối 2011 Ngân hàng Nhà nước không nêu cụ thể quãng biến động theo cam kết ổn định tỷ giá. Ổn định là định hướng tương đối, nói chung.

Đầu 2016, nhiều tổ chức và chuyên gia, kể cả định hướng gián tiếp từ lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, cùng chung dự báo tỷ giá USD/VND năm nay có thể tăng trên dưới 4%/năm.

Cuối 2015, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gián tiếp đưa ra vùng biến động tỷ giá mục tiêu quý 1/2016 chỉ khoảng 1%, qua giao dịch bán kỳ hạn cho các ngân hàng thương mại. Thực tế, vùng mục tiêu này được đảm bảo, và cho đến gần nửa quý 2/2016 tỷ giá USD/VND vẫn ổn định, mà nhà điều hành không phải bán kỳ hạn như một chốt chặn.

Quan trọng là rủi ro trong tương lai, ngắn hạn - như thực tế kỳ hạn vay doanh nghiệp được áp dụng. Tương lai ngắn hạn này vẫn nằm trong định hướng ổn định chung của Ngân hàng Nhà nước, có thể trù tính ở mức độ chấp nhận được.

Nhưng rủi ro vẫn là rủi ro. Để hạn chế, bên cạnh việc vay VND lãi USD nói trên, doanh nghiệp có thể mua thêm một giao dịch phái sinh, bảo hiểm rủi ro tỷ giá, làm sao tổng thể chi phí vẫn thấp hơn vay trực tiếp lãi suất thông thường bằng VND. Điều này cho thấy doanh nghiệp vay vốn ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Phía ngân hàng, câu hỏi là làm sao họ lại cho vay được lãi suất chỉ từ 3,5%/năm, nguồn ở đâu?

Như trước đây, các ngân hàng vận dụng các trạng thái ngoại tệ, chuyển đổi ngoại tệ thành VND dùng làm nguồn cho vay (kể cả âm trạng thái ngoại tệ trong giới hạn), vì lãi suất huy động ngoại tệ rất thấp, trong khi rủi ro tỷ giá, như điều kiện trên, là doanh nghiệp chịu.

Ngay cả khi không đẩy rủi ro đó về phía doanh nghiệp, ngân hàng đứng ra giao dịch kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể đảm bảo được rủi ro, miễn sao tổng chi phí huy động và chi phí giao dịch kỳ hạn thấp hơn lãi suất cho vay để có lãi.

Nhưng, sau loạt giao dịch cuối 2015, giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước chưa có định hướng cụ thể. Khi tỷ giá không có áp lực tăng để cần phải can thiệp, nhà điều hành chẳng “vô duyên” để tiếp tục giao dịch kỳ hạn định hướng vùng tỷ giá mục tiêu.

Song, trường hợp ngân hàng có nhu cầu, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ đáp ứng, nhưng sẽ phải thực sự mất phí chứ không còn áp cơ chế cho hủy ngang giao dịch kỳ hạn gần như không mất phí như hồi cuối 2015.

Cái hay của nhà điều hành là chỉ cần thay đổi một điều kiện trong cơ chế, ở đây là giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn cho ngân hàng thương mại, là có thể tạo tác động, định hướng và thông điệp khác cho thị trường.

Giả dụ như cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn không cho hủy ngang như trên, hoặc áp phí đáng kể nếu ngân hàng thương mại muốn hủy ngang, sẽ khiến một bộ phận cầu ngoại tệ phải cân nhắc kỹ, hạn chế tín hiệu cùng ồ ạt mua như cuối 2015 (vì không mất gì do được vô tư hủy ngang) mà góp thêm hiệu ứng tâm lý tiêu cực trên thị trường.

Nói cách khác, nếu thay đổi điều kiện như giả dụ trên, thì có thể xem Ngân hàng Nhà nước gián tiếp nói rằng: nếu anh không tin tôi trong ổn định tỷ giá, thì anh sẽ phải mất tiền.



Theo VnEconomy

Trở về

Bài cùng chuyên mục