Trước những tố cáo của người dân về việc nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công gian dối tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua địa phận huyện Bình Sơn), chủ đầu tư Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã có “giải trình” cho biết, nhà thầu đã sử dụng vật liệu bẩn, không đảm bảo chất lượng là không chính xác, thiếu khách quan.
Lịch sử chiến tranh tiền tệ
- Cập nhật : 19/08/2015
(Tai chinh)
Cuộc đua phá giá đồng tiền liên tục diễn ra khi các nền kinh tế gặp trục trặc, gây ra những hậu quả ở phạm vi xuyên quốc gia suốt gần một thế kỷ.
Thuật ngữ "chiến tranh tiền tệ" lần đầu được giới điều hành kinh tế nhắc tới năm 2010, khi Bộ trưởng Tài chính Brazil - Guido Mantega lên án những động thái cố ý theo đuổi chính sách nội tệ yếu của các nước. Khi ấy, Brazil được xem là một trong những nạn nhân của việc điều hành lãi suất thấp tại Mỹ, khiến vốn đầu tư ồ ạt chảy vào các thị trường mới nổi, hàng xuất khẩu của Brazil trở nên đắt đỏ...
Tuy nhiên, trước đó 3 năm, người quan tâm đến kinh tế, nhất là tại châu Á đã biết đến cụm từ "chiến tranh tiền tệ", khi nó là tiêu đề cuốn sách nổi tiếng (bán được khoảng 200.000 bản chính thức) của tác giả Trung Quốc - Song Hongbing. Nội dung cuốn sách nói về chính sách tiền tệ của các quốc gia phương tây, nơi tác giả cho rằng ngân hàng trung ương và các chính sách bị thao túng bởi một nhóm nhà băng, tổ chức tài chính tư nhân.
Trong những năm gần đây, khái niệm này càng được nhắc đến nhiều hơn, khi các nền kinh tế đua nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Trước đợt phá giá nhân dân tệ mới đây của Trung Quốc, Nhật Bản từng bị chỉ trích vì để đồng yen giảm giá tới 28% so với USD trong vòng 2 năm, giúp các hãng xuất khẩu của nước này tăng vọt lợi nhuận.
Dù thuật ngữ "chiến tranh tiền tệ" nêu trên chỉ xuất hiện những năm gần đây, song bản chất những cuộc đua phá giá đồng tiền đã diễn ra từ những năm 30 của thế kỷ XX, trước cuộc Đại suy thoái của kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm đó, các nước đã từ bỏ hệ thống bản vị vàng - cố định giá trị đồng tiền với giá kim loại quý này.
Cuộc chiến đầu tiên xảy ra trong giai đoạn 1921 - 1936, khi các nước sau thời gian dài tuân thủ hệ thống bản vị vàng đã quyết định từ bỏ hệ thống này. Với gánh nặng nợ nần hậu Thế chiến I, Anh và Pháp không thể trả nợ cho Mỹ, dẫn tới tín dụng và thương mại bị đóng băng. Trong khi đó, Đức là nước bại trận và phải bồi thường cho các bên thắng trận nên đã quyết định in thêm tiền trả nợ.
Động thái của Ngân hàng Trung ương Đức (Reichsbank) buộc Pháp phải phá giá đồng Franc trong năm 1925 để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa. Lúc này, Anh và Mỹ vẫn duy trì hệ thống bản vị vàng trước chiến tranh, khiến hàng hóa của họ ngày một đắt đỏ.
Đến năm 1931, Anh không thể chịu đựng thêm và từ bỏ hệ thống bản vị vàng. 2 năm sau đó, Mỹ phá giá USD để bù đắp những lợi thế bị mất sau khi Anh phá giá tiền tệ. Năm 1936, Pháp cũng rời bỏ bản vị vàng.
Trong những năm suy thoái, Mỹ đã tạm ngừng việc xuất khẩu vàng, khiến giá tăng mạnh từ 20,67 USD mỗi ounce lên 35 USD. Anh và Pháp sau đó tiếp tục phá giá tiền tệ. Chỉ đến khi cả ba nước đạt được thỏa thuận chung về tỷ giá, cuộc đua hạ giá tiền tệ lần thứ nhất mới kết thúc.
Hội nghị Bretton Woods diễn ra tại Mỹ năm 1944 được xem là dấu mốc quan trọng trong việc xác lập ra hệ thống tài chính - tiền tệ mới của thế giới, với việc thống nhất tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hệ thống này quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ và cho đến khi sụp đổ năm 1971, nó đã giúp ngăn chặn sự tái diễn của chiến lược chạy đua phá giá đồng tiền như trên. USD từ đó trở thành đồng tiền quốc tế chủ chốt, và các nước chấp nhận neo giá trị đồng tiền của mình với USD.
Sau một thời gian yên ắng, đến năm 1967, chiến tranh tiền tệ lần thứ II nổ ra với Anh là nước khơi mào. Đồng bảng bị phá giá mạnh, do lượng tiền phát hành khi đó đã gấp tới 4 lần dự trữ vàng của Anh, đồng nghĩa với việc nếu người nắm giữ đồng bảng yêu cầu đổi lấy vàng thì ngân khố Anh sẽ trống rỗng.
Đối mặt với lạm phát tăng cao, Pháp cũng quyết định rút khỏi thỏa thuận ổn định tỷ giá với Anh và Mỹ. Động thái này khiến Mỹ phải chịu áp lực lớn, khi cứ mỗi giờ lại có một lượng USD tương đương 30 tấn vàng bị người nắm giữ tiền đem đổi lấy vàng. Giá vàng trên thị trường London lúc đó lên đến 45 USD một ounce.
Ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ khi ấy - Richard Nixon tuyên bố ngừng cho các ngân hàng trung ương nước ngoài đổi đồng bạc xanh lấy vàng, ngừng xuất khẩu vàng, áp thuế 10% lên mọi mặt hàng nhập khẩu. Quyết định này chính là sự triển khai đồng thời biện pháp bảo hộ thị trường bằng thuế và chiến tranh tiền tệ. Tại thời điểm đó, dự trữ vàng của Mỹ chỉ còn 9.000 tấn, giảm mạnh so với 20.000 tấn năm 1950.
Đến tháng 12/1971, thỏa thuận Smithsonian được ký giữa Mỹ, Anh và Pháp, mở đường cho việc giảm giá đồng USD một cách có trật tự theo mức được các bên thống nhất. Dù vậy, thỏa thuận này không tồn tại lâu, khi ngay năm 1972, đồng bảng Anh lại bị phá giá. Tháng 6 năm đó, Đức áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Hậu quả là Mỹ rơi vào suy thoái. Đến năm 1973, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố hệ thống Bretton Woods "bị khai tử".
Năm 1985, kinh tế Mỹ phục hồi và cơn khát đầu tư vào các tài sản Mỹ khiến đồng bạc xanh lên giá 50%. Trước tình cảnh hàng hóa Mỹ mất lợi thế cạnh tranh, Washington đã buộc nhóm G7 ký một hiệp ước tại New York, cho phép giảm giá đồng bạc xanh.
Hiệp ước Plaza tồn tại trong giai đoạn 1985 - 1988, khi USD giảm giá 40% so với đồng franc Pháp và 50% so với yen Nhật. Khi các bên còn lại không thể chịu đựng thêm tác động của đồng USD yếu, G7 cùng Canada và Italy đã nhóm họp tại điện Louvre (Paris) năm 1987 để ngăn đà giảm giá của USD.
Ngoài hai cuộc chiến tiền tệ lớn nêu trên, thế giới cũng từng chứng kiến một vài cuộc khủng hoảng tiền tệ nhỏ, khi tỷ phú George Soros tấn công phá giá bảng Anh năm 1992 và đồng Peso Mexico năm 1994.
Khởi đầu với việc Trung Quốc đạt thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhờ duy trì đồng NDT ở mức thấp, sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, Mỹ phá giá đồng USD với các gói nới lỏng định lượng (QE). Đồng bạc xanh do đó giảm giá mạnh so với các ngoại tệ khác, trong đó có NDT.
Nhật cũng phá giá đồng yen để thúc đẩy kinh tế phục hồi. Tương tự, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - Mario Draghi đã quyết định bơm mạnh thanh khoản vào thị trường, để hồi sinh kinh tế eurozone.
Đến lượt mình, Trung Quốc cũng đang nỗ lực phá giá NDT để giành lại lợi thế cạnh tranh đã mất. Việc này đã khiến các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan và thậm chí cả Ấn Độ cũng đang cân nhắc hạ giá nội tệ.
Nhưng cũng như hai cuộc chiến tranh tiền tệ trước, khó có ai là người chiến thắng rõ ràng trong cuộc chiến này, ngoại trừ những hỗn loạn. Có lẽ sẽ lại cần một hiệp ước nữa để kết thúc cuộc chiến mới nhất này, nhưng điều đó sẽ chưa thể diễn ra một sớm một chiều.