tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kịch bản tỷ giá trong cơn “cuồng phong” Nhân dân tệ

  • Cập nhật : 19/08/2015

(Tai chinh)

Các ngân hàng thương mại tiếp tục thu hẹp trạng thái âm nắm giữ và một số có thể chuyển sang trạng thái ngoại tệ dương.

 

Một năm qua, dù USD tăng giá, Ngân hàng Nhà nước vẫn trụ được ở cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2%. Nhưng ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước phải nới biên độ từ +/-1 lên +/-2%. Giới phân tích đưa ra một số kịch bản điều hành tỷ giá với giả định cơn “cuồng phong” Nhân dân tệ tiếp tục phả sức ép vào thị trường tài chính thế giới.

Ngày 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các ban, bộ, ngành về việc đồng Nhân dân tệ giảm giá và những tác động đến kinh tế Việt Nam. Cuộc họp này cho thấy phản ứng kịp thời của Chính phủ, bộ, ngành trước ảnh hưởng của “cơn bão nhân dân tệ” đến kinh tế Việt Nam, trong đó có chính sách tiền tệ và tỷ giá. 

Rốt ráo chống “bão Nhân dân tệ”

Trước hết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao phản ứng bước đầu của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Trong đó, có một điểm đáng chú ý là: “Thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam”.

Thế nào là “theo tín hiệu thị trường”? Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BIDV nêu vấn đề, cần xem xét kỹ câu chuyện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 4,6% nhưng Việt Nam mới điều chỉnh biên độ kỹ thuật từ +/-1% lên +/-2% đã phù hợp hay chưa.

Nhưng, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực lại cho rằng “không nên thấy Trung Quốc phá giá nhân dân tệ 4,6% thì tiền đồng Việt Nam cũng phải phá giá tương ứng”. 

Theo ông Lực, vấn đề này cần được xem xét trên một số yếu tố mà đầu tiên là trọng số thương mại giữa hai nước.

Cụ thể, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với Trung Quốc chiếm 15%/tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam; tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Việt Nam chỉ chiếm 2,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Từ con số 15% và 2,6% cho thấy, Việt Nam phải coi trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của mình với Trung Quốc hơn là điều ngược lại. 

Thứ hai, cần phải so sánh cân bằng lạm phát giữa hai nước để xác định rằng, tiền đồng Việt Nam được định giá với nhân dân tệ là cao hay thấp trong tương quan tỷ giá giữa hai đồng tiền.

Thứ ba, một thực tế là chưa bao giờ tiền đồng Việt Nam được niêm yết tỷ giá trực tiếp so với nhân dân tệ mà niêm yết chéo thông qua USD. Tức là, tính tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam với USD, giữa nhân dân tệ với USD, sau đó mới so chéo.

Việc không niêm yết thẳng xuất phát từ lý do đồng nhân dân tệ chưa phải đồng tiền tự do chuyển đổi và chưa trở thành đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ của IMF như với USD, Yên Nhật, euro, bảng Anh như IMF từng đòi hỏi khi Trung Quốc muốn đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế. 

Thứ tư, một yếu tố nữa là cần phải hoàn thiện, chuẩn chỉnh số liệu thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước. Số liệu thống kê kim ngạch thương mại Việt Nam với Trung Quốc do Việt Nam đưa ra luôn ít hơn số liệu từ Trung Quốc cung cấp khoảng 14 tỷ USD.

Đặc biệt, Trung Quốc thống kê rất chi tiết con số thanh toán thương mại biên mậu; còn Việt Nam thì gần như ngược lại.

“Từ con số này, mới có thể kết luận mức độ lệ thuộc lẫn nhau, để góp phần xác định quan hệ tỷ giá giữa hai đồng tiền là ở mức độ nào”, ông Lực nói. 

Với Ngân hàng Nhà nước, sau khi Trung Quốc thực hiện điều chỉnh tỷ giá, Vụ Chính sách tiền tệ thường xuyên cập nhật tình hình biến động của nhân dân tệ so với đồng USD và các động thái của Ngân hàng Trung ương Trung quốc. Một hành động trấn an cần thiết và thể hiện sự lo lắng không ít trước biến động khủng khiếp của nhân dân tệ so với USD.

Theo đơn vị này, từ 14/8, tỷ giá cặp tiền nhân dân tệ/USD đang tự điều chỉnh để đạt đến điểm cân bằng và vì thế, trong ngắn hạn vẫn còn những biến động nhất định.

Những dự báo biến động của Nhân dân tệ

Trong một động thái trấn an thị trường, Vụ Chính sách tiền tệ đã trấn an thị trường rằng “Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tiến hành nhiều động thái để ổn định giá trị nhân dân tệ và kết quả là từ chiều ngày 13/8/2015, hầu hết các đồng tiền trong khu vực đã tăng giá trở lại so với đồng USD. Điều này cho thấy thị trường quốc tế đang đi vào ổn định, quen dần biến động thường xuyên của nhân dân tệ”.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, thậm chí ở mức 10% như giới phân tích tài chính quốc tế đồn đoán là khó xảy ra vì hai lý do.

Một là, sau ba cú phá giá vừa rồi, trước đồn đoán của giới đầu cơ tiền tệ quốc tế, Trung Quốc lập tức tuyên bố không phá giá đến mức 10%. 

Hai là, nếu Trung Quốc phá giá nhiều, sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến nền kinh tế của họ như nhập khẩu bị thiệt thòi, nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, có thể thấy là trong thời gian tới, Trung quốc điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để tiến tới quốc tế đồng tiền này nhằm đạt mục tiêu để IMF công nhận đồng tiền linh hoạt và đưa vào rổ tiền tệ quốc tế. 

Nói về mối lo do nhân dân tệ giảm giá so với USD, Trung tâm Nghiên cứu BIDV nhận xét, sự giảm giá của đồng nhân dân tệ sẽ tạo ra áp lực lớn đối với cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian tới theo hướng khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu và nới rộng nhập siêu, nếu giả định các yếu tố khác là không đổi.

Nếu mức giảm giá danh nghĩa của đồng nhân dân tệ lên tới 10% thì khả năng tình hình nhập siêu với Trung Quốc có thể sẽ chuyển biến xấu ngay từ cuối năm 2015 và tiếp tục kéo dài sang năm 2016.

Trung tâm này cũng cho biết thêm, ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá, thị trường ngoại hối Việt Nam đã biến động rất mạnh. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh khoảng 1,3%; thanh khoản thị trường khá yếu, tâm lý thị trường khá bất ổn, bước đầu xuất hiện tình trạng găm giữ ngoại tệ và nhu cầu thanh toán sớm từ khách hàng. 

Điều này kéo theo một số hệ quả tiêu cực tạo sức ép mạnh hơn về lực cầu từ tình trạng găm giữ ngoại tệ trở nên nghiêm trọng. Cần thấy, huy động vốn ngoại tệ 7 tháng đầu năm đã tăng trưởng xấp xỉ 7%, trong đó khối dân cư trên 11% và xu hướng này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. 

Một yếu tố nữa, các ngân hàng thương mại tiếp tục thu hẹp trạng thái âm nắm giữ và một số có thể chuyển sang trạng thái ngoại tệ dương.

Mặc dù trạng thái âm toàn hệ thống đã thu hẹp nhưng với trạng thái ở mức âm 1 tỷ USD thì lực cầu mua bù đắp vẫn là rất mạnh ngay cả khi chưa tính đến khả năng chuyển sang nắm giữ trạng thái dương. 

Chưa kể, nhu cầu mua ngoại tệ trước hạn của doanh nghiệp sẽ tăng. Và với quy mô dư nợ cho vay ngoại tệ hiện vào khoảng 25 tỷ USD thì nếu 20 - 30% doanh nghiệp thực hiện mua trả nợ trước hạn, đã phát sinh lượng cầu lên tới 5 tỷ đến 7,5 tỷ USD.

(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục